Hôm nay xét xử đại án Oceanbank: Nhiều sai phạm được tách ra xử lý sau

TP - Các bị cáo sẽ hầu tòa bởi gây thiệt hại cho Oceanbank gần 2.000 tỷ đồng theo kết quả điều tra giai đoạn đầu vụ án. Ngoài ra, còn hàng nghìn tỷ đồng sai phạm liên quan được tách hồ sơ, xử lý sau.

NTiền Phong đã thông tin, hôm nay (27/2), TAND TP Hà Nội bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm đại án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank). Có 48 bị cáo bị truy tố về 3 tội danh gồm vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.  Bị cáo đứng đầu vụ án là Hà Văn Thắm (SN 1972, ở Bắc Giang) - nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank bị truy tố cả 3 tội trên và phải chịu trách nhiệm chủ yếu trong số gần 2.000 tỷ đồng Oceanbank thiệt hại. Đây chỉ là thiệt hại được cơ quan tố tụng xác định trong giai đoạn đầu của vụ án và đưa ra xét xử từ nay tới 21/3. Ngoài ra, do thời hạn điều tra đã hết nên CQĐT tách một số hành vi vi phạm liên quan đến Hà Văn Thắm ra xử lý ở giai đoạn II của vụ án.

Lập khống hợp đồng, hưởng lợi cá nhân

Năm 2014, để có tiền sử dụng cá nhân, Hà Văn Thắm đã chỉ đạo cấp dưới lập khống 24 hợp đồng chuyển nhượng căn hộ của dự án Star City Westlake giữa 9 cá nhân do Thắm chỉ định với Cty Viptour - Togi (Thắm chiếm 99% cổ phần). Sau đó, Thắm chỉ đạo Nguyễn Việt Hà - GĐ Phòng giao dịch Đào Duy Anh Oceanbank thẩm định cho 9 cá nhân trên vay vốn. Cán bộ dưới quyền Hà đã không gặp khách hàng, thẩm định giá tài sản đảm bảo khoản vay nhưng vẫn lập 9 tờ trình thẩm định, đề xuất duyệt vay. Sau đó, tuy Hội sở Oceanbank trả lại tờ trình do hồ sơ không đủ điều kiện vay nhưng Thắm và Nguyễn Văn Hoàn – nguyên Phó TGĐ Oceanbank vẫn đồng ý cho vay. Gần 138 tỷ đồng được giải ngân qua các hợp đồng trên đã chuyển vào túi Thắm để Thắm trả nợ. Đến nay, Oceanbank mới thu được số tiền nợ gốc và hơn 1,5 tỷ đồng lãi phạt. Hành vi của Thắm và các cá nhân liên quan trong việc này sẽ được tách hồ sơ xử lý sau.

Ngoài thương vụ giữa Thắm và Phạm Công Danh trị giá 500 tỷ đồng, Hà Văn Thắm và đồng phạm còn vi phạm trong việc thẩm định, phê duyệt, giải ngân và kiểm tra sau cho vay với nhiều khách hàng. Việc này dẫn tới Oceanbank có nợ xấu lên tới gần 15.000 tỷ đồng vào năm 2014. Trong đó, cơ quan chức năng đã xác định hậu quả với các khoản vay của 8 khách hàng lớn đã có tổng dư nợ nhóm 5 (nợ khó đòi) lên tới hơn 2.652 tỷ đồng. CQĐT quyết định xử lý việc này ở giai đoạn II của vụ án đồng thời yêu cầu Oceanbank làm rõ tình trạng các khoản vay khác, xác định khả năng trả nợ của khách hàng, hậu quả với từng khoản vay không thể thu hồi.

Các doanh nghiệp vốn Nhà nước được lợi?

Tài liệu điều tra xác định, từ năm 2011 - 2014, có 51.468 cá nhân và 392 tô chức kinh tế gửi tiền tại Oceanbank và nhận các khoản chi ngoài lãi suất Hợp đồng tiền gửi, Sổ tiết kiệm do Oceanbank chi trả. Số tiền này xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và đồng phạm, không thể hiện trong hợp đồng mà khách hàng đã ký với Oceanbank. Trong đó, các khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức kinh tế thuộc doanh nghiệp có nhiền vốn Nhà nước (Tổng Cty công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin và các đơn vị thuộc ngành dầu khí). Các khách hàng này có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên Oceanbank để hưởng lợi bất chính các khoản tiền ngoài sổ sách kế toán. CQĐT đã có công văn gửi đến 392 tổ chức kinh tế nêu trên, yêu cầu giải trình, cung cấp tài liệu liên quan đến việc nhận tiền ngoài lãi suất tiền gửi và nộp lại tiền hưởng lợi bất chính từ Oceanbank. Đến nay, chỉ có 143 tổ chức kinh tế có văn bản trả lời gồm 19 tổ chức khẳng định có nhận tiền lãi ngoài và nộp lại hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ; 124 tổ chức trả lời nội dung không nhận tiền lãi ngoài của Oceanbank.

Hôm nay xét xử đại án Oceanbank: Nhiều sai phạm được tách ra xử lý sau ảnh 1

Phạm Công Danh (bìa phải) sẽ tham gia phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Ảnh: P.V

Tháng 10/2016, CQĐT quyết định khởi tố, bắt tạm giam với Trần Đức Chính - nguyên Kế toán trưởng Vinashin về tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ. Cáo trạng xác định Vinashin đã nhận gần 106 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1975) - nguyên Phó TGĐ Oceanbank. Bên cạnh đó, ngoài Nguyễn Xuân Sơn – nguyên TGĐ Oceanbank sẽ bị đưa ra xét xử trong hôm nay, CQĐT cũng tách việc các đơn vị thuộc ngành dầu khí nhận tiền lãi ngoài để điều tra, xử lý sau. VKSND Tối cao còn yêu cầu CQĐT làm rõ vai trò, trách nhiệm của Ninh Văn Quỳnh - Kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí (PVN) theo lời khai của Nguyễn Xuân Sơn.

Đối với hành vi, trách nhiệm liên quan việc góp vốn của cổ đông có vốn Nhà nước vào Oceanbank gồm PVN góp 800 tỷ đồng (20%), Cty cổ phần xây dựng Sông Đà góp 266 tỷ đồng (gần 7%) đến nay không thể thu hồi được nhưng do thời hạn điều tra đã hết nên CQĐT quyết định tách hành vi xử lý sau.

 Ngoài ra, CQĐT xác định có hơn 36 tỷ đồng của Oceanbank được nộp vào tài khoản của Vũ Thị Thùy Dương (SN 1980) - nguyên GĐ Khối kế toán và giao dịch trong nước Oceanbank. Đây là tiền lãi suất ngoài có được do Khối nguồn vốn Oceanbank gửi tiền vào ngân hàng khác theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm và tiền hoa hồng Oceanbank có được khi mua sắm hoặc thanh toán phí dịch vụ… Các vi phạm liên quan tài khoản của Dương cũng được để lại trong giai đoạn II của vụ án.

Trong phiên sơ thẩm xử đại án tham nhũng Oceanbank, bị án Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Xây Dựng dự kiến sẽ được trích xuất từ TPHCM ra dự tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trước đó, ngày 24/1,  ông Danh bị TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên phạt 20 năm tù về tội vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ông Danh và đồng phạm được xác định đã gây thất thoát cho ngân hàng Xây Dựng số tiền khoảng 9.000 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.