Xét công nhận giáo sư, phó giáo sư: Thật giả lẫn lộn

GS.TSKH Đinh Dũng
GS.TSKH Đinh Dũng
TPO - Chỉ ra những “ù xọe” trong xét công nhận giáo sư, phó giáo sư, GS.TSKH Đinh Dũng, Viện Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia Hà Nội còn cho rằng quy định có nhiều kẽ hở, trong đó có trách nhiệm của các hộị đồng chức danh.  

Nói về quy định xét duyệt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư hiện nay, theo ông, có những bất cập gì?

Nhiều người đã nói về vấn đề này. Quan điểm chung đều thấy các tiêu chuẩn về thành tích nghiên cứu khoa học còn quá thấp, chưa tiến tới  chuẩn mực khu vực và quốc tế. Hơn nữa các tiêu chuẩn liên quan đến thành tích đào tạo và sách phục vụ đào tạo rắc rối và gây khó khăn cho những ứng viên chức danh giáo sư và phó giáo sư.   

Tôi được phong chức danh giáo sư năm 1991 và liên tục tham gia Hội đồng chức danh giáo sư ngành Công nghệ Thông tin từ năm 2001. Trong hơn 26 năm, tôi đã được chứng kiến toàn bộ tiến trình thăng trầm của quy định tiêu chuẩn phong giáo sư, phó giáo sư cũng như của công việc xét duyệt. Cho nên vừa qua, quan sát một số người phát biểu, tôi thấy họ phát biểu và góp ý có phần cảm tính thiếu khách quan, đó không phải là ý kiến của người trong cuộc.

Hội đồng chức danh giáo sư ngành năm nào cũng  xét duyệt một số lượng nhất định các ứng viên. Điều dễ nhận thấy nhất là không ít ứng viên tìm cách lách luật, công bố công trình khoa học ở các tạp chí và ở các kỷ yếu hội nghị khoa học chất lượng rất kém, xuất bản rất nhiều sách phục đào tạo không có giá trị để tính điểm. Nói chung, cái gì lách được là họ lách. Do đó nhiều khi Hội đồng gặp khó khăn trong quá trình xét duyệt.  

Một trong những vấn đề vừa gây phiền phức cho những người xứng đáng được xét và vừa là điều mà dư luận luôn cho rằng là nguyên nhân dẫn đến có nhiều giáo sư, phó giáo sư chất lượng kém chính là tiêu chuẩn công trình khoa học quy đổi. Tôi cho rằng tiêu chuẩn này là một “hỏa mù” giữa công trình khoa học đích thực và khoa học rởm, trở nên rất lạc hậu và bất cập. Bởi tất cả đều được quy đồng về một mẫu số.

Trong khi đó, đã gọi là công trình khoa học thì phải có hàm lượng khoa học, phải có yếu tố mới, phát minh, tìm tòi những cái chưa có. Nhưng ở Việt Nam công trình khoa học quy đổi bao gồm cả sách tham khảo, giáo trình, sách hướng dẫn, hướng dẫn nghiên cứu sinh... tất cả những cái này tôi không thấy có hàm lượng khoa học.

Việc đánh đồng như thế này nó làm lẫn lộn, ù xọe ai cũng như ai, người giỏi cũng như người kém, không phân biệt  được người nào đích thực là giáo sư, phó giáo sư. Nó cũng làm xuất hiện tràn lan vô cùng nhiều sách giáo trình đại học có chất lượng rất kém, chủ yếu là cóp nhặt và cắt dán, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo đại học ở nước ta.

Điều này lại càng trở nên nghiêm trọng hơn khi trong các văn bản pháp lý hiện hành tiêu chuẩn về thành tích nghiên cứu khoa học không đòi hỏi phải có công bố trên các công trình tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (trong Dự thảo mới có đặt tiêu chuẩn tối thiểu nhưng còn rất thấp và không có cơ sở khoa học: phó giáo sư bằng 2/3 giáo sư về công bố quốc tế, tại sao?), và chức danh giáo sư đòi hỏi nhất thiết phải có sách phục vụ đào tạo.

Trách nhiệm này là của hội đồng chức danh hay  tại quy định, thưa ông?

Là do cả hai. Quy định có nhiều kẽ hở, nhưng cũng có trách nhiệm của các hộị đồng chức danh. Bởi tiêu chuẩn chỉ là điều kiện cần, điều kiện cứng, nhưng các hội đồng có thể xem xét, có thể đánh trượt ứng viên nên vai trò của hội đồng rất lớn.

Dư luận xã hội cho rằng sở dĩ chất lượng giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam còn thấp là vì ngoài quy định xét duyệt bất cập ra,  một số thành viên các hội đồng chức danh giáo sư có trình độ chuyên môn yếu, và một số thành viên có thể đã nhận tiền của các ứng viên chức danh giáo sư và phó giáo sư trong khi xét duyệt. Cần phải nâng cao chất lượng hội đồng về cả chuyên môn lẫn đạo đức.

Có người có cái nhìn tiêu cực về tất cả các hội đồng nhưng tôi tin nhiều thành viên các hội đồng vẫn có tư cách đúng đắn. Tất nhiên, ai tham gia hội đồng nào thì biết công việc của hội đồng đó. Tôi không  rõ là ở các hội đồng khác có chuyện “chạy chọt” hay không, nhưng 16 năm nay tôi chưa  nhận một xu nào của ai trong khi xét duyệt.

Có một số người mang tiền đến, tôi bắt mang về. Tôi cho rằng việc nhận tiền từ các ứng viên và đưa tiền của các ứng viên có liên quan đến quá trình xét duyệt là không chấp nhận được đối với những người làm nghề nhà giáo và làm khoa học. Thế nên tôi nghĩ cả hai yếu tố trên đều có vấn đề. Một bên là quy chế pháp lý, một bên là con người. 

Còn vấn đề nào khác mà ông vẫn băn khoăn đối với việc xét duyệt giáo sư, phó giáo sư hiện nay không?

Một bất cập nữa nhạy cảm hơn, đó là khía cạnh xã hội của vấn đề. Tôi vẫn nghĩ rằng khi nào vai trò, vị trí xã hội của giáo sư, phó giáo sư còn được “đề cao” và còn có hư danh như bây giờ thì sẽ vẫn còn nhiều tiêu cực trong xét duyệt. Ở các nước khác, giáo sự, phó giáo sư chỉ đơn thuần là chức vụ nghề nghiệp.

Tức là giống như một chức vụ kiểm toán viên, chuyên viên kinh tế bình thường. Có thể xã hội kính trọng giáo sư và phó giáo sư hơn một chút nhưng không làm cho sự kính trọng đó trở thành hư danh quá mức như ở Việt Nam nơi mà truyền thống Nho giáo vẫn còn in đậm.

Có một thực tế đáng buồn là một số người kể cả những người có chức, có quyền cũng cố gắng “vơ” cho mình một chức danh giáo sư, phó giáo sư để cho “oai” và để đánh bóng thêm cho lý lịch bản thân.

Nên bao giờ giáo sư, phó giáo sư ở đúng vị trí của nó trong xã hội, không được đánh giá “cao” như bây giờ, không còn là hư danh mà người ta theo đuổi, chỉ còn lại là tên gọi nghề nghiệp thì mọi việc liên quan đến các chức danh này sẽ không như hiện nay.

Vậy ông đã tìm hiểu quy định của các nước về phong giáo sư, phó giáo sư, ông thấy thế nào?

Tôi thấy ở mỗi nước có hình thức xét duyệt và bổ nhiệm khác  nhau.  Ở Pháp mô hình của họ gần với Việt Nam hơn. Họ cũng có hội đồng xét duyệt tiêu chuẩn giáo sư cả nước, còn bổ nhiệm là quyền của các trường đại học. Tuy nhiên, ở các nước, như Giáo sư Hoàng Tụy có nhắc đến thì họ dựa hoàn toàn vào hội đồng xét duyệt. Hội đồng xét duyệt  không đông nhưng uy tín khoa học lại rất cao, đảm bảo cho chất lượng giáo sư.

Ngoài hội đồng có uy tín, các ứng viên phải có thư giới thiệu của một số nhà chuyên môn nổi tiếng. Những thư đó cũng góp phần đảm bảo chất lượng của giáo sư và phó giáo sư. Ngoài ra, phải khuyết một chức giáo sư nào đó hoặc chức giáo sư xuất hiện do có ngành đào tạo mới, thì khi đó người đạt tiêu chuẩn giáo sư mới được bổ nhiệm.

Số lượng giáo sư và phó giáo sư của các nước rất ổn định, không lan tràn. Nên chất lượng của họ được đảm bảo. Họ cũng có bề dày truyền thống trong việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Nước ta chưa có được cái này.

Xin nói thêm là sự khác biệt giữa chức vụ giáo sư và phó giáo sư ở nhiều nước là rất lớn về tiêu chuẩn, nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi. Ở nước ta điều này không thật rõ ràng, nhất là bây giờ giáo sư và phó giáo sư ở nước ta cùng ở trong một ngạch lương như nhau, điều này chứng tỏ các nhà làm luật và làm lương chưa thật sự hiểu rõ sự khác biệt này (và như trên đã đề cập, tiêu chuẩn công bố quốc tế của hai chức danh này trong Dự thảo mới cũng không thật sự cách biệt).

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.