Sẽ kỷ luật nghiêm cán bộ để xảy ra vi phạm
Tiến trình điều tra xác định: tọa độ 23 cây thuộc nhóm gỗ quý 2 và 2A bị cắt hạ tại tiểu khu 408, cách đường tuần tra biên giới 1,25km, cách đồn biên phòng (ĐBP) Yok M’bre (xã Ea Bung huyện Ea Súp) khoảng 5km, cách ĐBP Serepok khoảng 8km.
Vùng rừng bị cắt trộm gỗ thuộc khu vực biên phòng, nằm trên địa phận xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk), là xã có đường biên giới giáp ranh với nước bạn Campuchia.
Sơ đồ hiện trường cho thấy: chỉ có 2 con đường nội địa dẫn vào vùng cấm này, là đường từ xã Cư M’lanh huyện Ea Súp với 2 trạm Kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm VQG chốt chặn, là Trạm 7 và Trạm 8; và đường từ ngã ba Cư Minh phía huyện Buôn Đôn vào, chốt chặn bởi Trạm kiểm lâm số 6.
Trách nhiệm để xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng này thuộc về cả VQG và BĐBP địa phương. Vì rừng của VQG có lực lượng chuyên trách phải bảo vệ tới từng cây gỗ, đồng thời đây cũng là khu vực mà cán bộ, chiến sĩ BĐBP phải thường xuyên canh gác, tuần tra. Cách đây mới nửa tháng, ngày 18/1/2018 Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã ký kế hoạch phối hợp liên ngành với Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp và Buôn Đôn trong quản lý bảo vệ rừng, đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển lâm sản trái phép qua khu vực biên giới.
Đại tá Nguyễn Lương Hòa- Chính ủy BĐBP tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Việc điều tra vẫn đang tiếp tục. Dù muốn hay không, BĐBP tỉnh cũng sẽ phải kỷ luật nghiêm các cán bộ, chiến sĩ đã buông lỏng trách nhiệm trên địa bàn đơn vị phụ trách.
Chờ kết luận giám định
Ông Phạm Tuấn Linh- Quyền giám đốc VQG Yok Đôn cho biết dự kiến cuối ngày hôm nay VQG sẽ nhận được kết quả trưng cầu giám định chính xác về hậu quả vụ phá rừng nghiêm trọng này. Sau đó, VQG sẽ chuyển kết luận giám định cho cơ quan Công an xem xét tiến hành khởi tố. Lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp đã chỉ đạo VQG hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các phần việc tiếp theo, không để sự việc tương tự xảy ra.
Chiều 6/2, trao đổi với đại diện báo Tiền Phong, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN) Nguyễn Quốc Trị khẳng định tính chất của vụ phá rừng này là đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, ngay sau khi nhận được báo cáo chi tiết từ VQG Yok Đôn, TCLN đã lập tức gửi các văn bản đề nghị phối hợp hành động đến các bên liên quan.
Trong đó, TCLN có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk, đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp điều tra để xử lý nghiêm, đồng thời rà soát các điểm nóng về phá rừng để ngăn chặn và có giải pháp bền vững về lâu dài; Có văn bản gửi cơ quan BĐBP về vấn đề phối hợp bảo vệ rừng trên vành đai biên giới và khu vực biên phòng; Có văn bản chỉ đạo Cục Kiểm lâm thực hiện các phần việc cấp bách, phối hợp Chi cục Kiểm lâm vùng 4 hỗ trợ VQG làm tốt công tác bảo vệ rừng, điều tra xử lý các tập thể, cá nhân sai phạm.
Như báo Tiền Phong đã đưa tin: Ngày 26/1/2018 trong khi đi tuần tra, Trạm kiểm lâm số 8 thuộc Hạt kiểm lâm VQG Yok Đôn phát hiện có dấu vết vận chuyển gỗ lậu từ lối mòn trong tiểu khu 408 ra đường 14C mới, đã báo cáo cấp trên. Biên bản hiện trường ghi nhận có 23 cây gỗ lớn bị cưa hạ, gồm 19 cây gõ đỏ (cà te), 2 cây cẩm lai, 2 cây sao, đều thuộc nhóm gỗ quý 2 và 2A. Ngoài các thân gỗ lớn đã bị lấy đi, tại hiện trường còn lại 44,923m3 gỗ. Quan sát bằng mắt thường cho thấy các cây này đã bị cắt hạ bằng cưa máy trước đó khoảng nửa tháng.
Đại tá Nguyễn Lương Hòa- Chính ủy BĐBP tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Việc điều tra vẫn đang tiếp tục. Dù muốn hay không, BĐBP tỉnh cũng sẽ phải kỷ luật nghiêm các cán bộ, chiến sĩ đã buông lỏng trách nhiệm trên địa bàn đơn vị phụ trách.