Tới nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam mới kiểm tra được gần 1.400 xe máy điện và gần 2.500 xe đạp điện. Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) dẫn báo cáo của các địa phương nói rằng, gần một tuần qua, trên toàn quốc, chỉ một số người dân tới hỏi thủ tục, nhưng chưa có xe máy điện nào được đăng ký.
Theo quy định, xe máy điện mua trước thời điểm 1/7/2009 (ngày Thông tư 06 của Bộ Công an hướng dẫn đăng ký xe máy điện có hiệu lực), chủ xe chỉ cần làm cam kết và có xác nhận của phường/xã là phương tiện “chính chủ”, cơ quan công an sẽ cấp đăng ký. Với phương tiện mua sau thời gian trên, nếu không đủ giấy tờ sẽ không cấp đăng ký, biển số.
Theo đại tá Tuấn, trước mắt, lực lượng chức năng chưa xử phạt mà tập trung tuyên truyền để người dân đem xe đi đăng ký. Ngoài ra, do đối tượng điều khiển xe máy điện phần lớn dưới 16 tuổi, nên không xử phạt bằng tiền.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đề nghị các Bộ Tài chính, GTVT, Công Thương, Công an phối hợp đề xuất Chính phủ biện pháp để người dân đã mua xe máy điện nhưng thiếu giấy tờ vẫn được đăng ký. Đồng thời, quản lý chặt việc nhập khẩu, nguồn gốc, chất lượng, cách phân biệt xe máy điện và xe đạp điện...
Hiện cả nước mới có 8 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch quản lý xe máy điện (Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Nam Định, Bến Tre, Cà Mau). Theo quy định, xe máy điện không đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 300 - 400 nghìn đồng/xe.