Thay vì mức giá 100 nghìn đồng/ vé ngồi như lâu nay, trong hai ngày qua khi ra bến xe Giáp Bát (Hà Nộ) bắt xe về Thanh Hóa, nhiều hành khách đã phải trả 150.000 đến 170.000 đồng (tăng thêm 50.000 đến 70.000 đồng)/vé.
Cụ thể, trước ngày 25/1, giá vé xe khách từ bến Giáp Bát về bến xe Bắc Thanh Hóa của HTX Vận tải Thăng Long có giá 100.000 đồng/vé nhưng kể từ thời gian trên, cùng cung đường này nhưng giá vé được nhà xe niêm yết tại bến Giáp Bát là 150.000 đồng/vé (tăng 50%). Trong ngày 28/1 (Lễ ông Công, ông Táo - 23 tháng Chạp), tìm hiểu giá vé của một số nhà xe có số lượt, chuyến từ bến Giáp Bát chạy về Thanh Hóa nhiều, như Hào Hương (HTX Quang Trung), Hoàng Phương (Cty TNHH TM và DV Hoàng Phương), Đông Lý (DN Tư nhân Đông Lý)… chúng tôi ghi nhận, giá vé cũng tăng từ 20 đến 50%.
Tương tự, thay vì 70.000 đồng/vé, từ ngày 30/1 tới, các xe khách của Cty CP đầu tư liên hiệp vận tải ô tô Hà Nam Ninh chạy tuyến Giáp Bát - Nam Định cũng thực hiện niêm yết giá vé thêm 85.000 đồng (tăng 21%). Thậm chí, trong thời gian từ 5/2 đến 18/2, một số nhà xe khách chạy tuyến Giáp Bát - Đà Nẵng, Gia Lai cũng thực hiện tăng giá vé từ 58 đến 60%.
Tại bến xe Gia Lâm (Hà Nội), chúng tôi ghi nhận, có 2 tuyến xe khách chạy về Thanh Hóa cũng tăng từ 30 đến 50% giá vé. Cụ thể, với hành trình từ bến xe Gia Lâm về huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), từ ngày 25/1/2018 nhà xe Hào Hương đã tăng giá vé từ giường nằm từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng/vé/người (tăng 33%); với hành trình về huyện Nông Cống, nhà xe Đông Lý cũng tăng giá vé từ 150.000 đồng lên 225.000 đồng/vé/người (tăng 50%).
Chỉ được phép tăng trong 20 ngày
Lý giải về việc tăng giá vé trên, ông Trịnh Huy Hiếu, đại diện HTX Vận tải Quang Trung (nhà xe Hào Hương chạy tuyến Thanh Hóa) cho rằng, bình thường nhà xe đang có 16 chuyến chạy Hà Nội - Thanh Hóa và ngược lại, do lịch trình đi về theo biểu đồ hoạt động của cơ quan chức năng 2 đầu bến nên lượng khách khá ổn định. Tuy nhiên, dịp Tết để đáp ứng nhu cầu khách tăng và giảm tải tại các bến xe, đơn vị phối hợp với các bến xe có kế hoạch tăng lên 26 chuyến (tăng 70% so với ngày thường), đa phần những lượt xe chạy ngày Tết này chỉ có khách chiều về (trước Tết), chiều ra (sau Tết). Do vậy nếu không tăng giá vé để bù nhiên liệu của chiều chạy rỗng, nhà xe sẽ không thể thực hiện được việc tăng lượt xe trên.
Chiều 28/1, thông tin với PV Tiền Phong về việc giá vé vận tải liên tỉnh dịp Tết Kỷ Hợi tại các bến xe như Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm đại diện Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, tính đến cuối giờ chiều cùng ngày, đơn vị đã ghi nhận 20 doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh có văn bản thông báo về việc tăng giá vé. Trong đó, có 18 DN vận tải tại Giáp Bát và 2 DN vận tải tại bến xe Gia Lâm.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, tuy đã bước vào dịp cao điểm Tết nhưng lượng khách đổ ra các bến xe năm nay so với các năm trước giảm nhiều. Tâm lý đa phần các DN vận tải không muốn tăng giá vé để giữ khách, tuy nhiên với những DN phải tăng cường nhiều lượt xe để giải tỏa khách hoặc chạy đường dài thì phải tăng giá cước để bù vào chiều chạy rỗng. Theo ông Thành, hiện các DN tăng giá cước dịp Tết năm nay đã thực hiện đầy đủ các thủ tục của cơ quan chức năng. Cùng với đó, các DN vận tải cũng chỉ được phép tăng giá vé trong khoảng 20 ngày (cả trước và sau Tết) sau đó phải trở lại giá cước như lâu nay.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cho rằng, đồng tình với DN vận tải tăng giá vé để bù vào chiều chạy rỗng, nhưng việc tăng trên cũng phải có kiểm soát. Cùng với đó cơ quan quản lý giá, phí cũng phải tính toán xem mức tăng trên đã phù hợp chưa, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu trong 3 tháng qua đã giảm đến 6 lần.