Làm việc tại Công ty CP Quản lý bến xe Hà Nội - đơn vị chủ quản của các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - trưởng đoàn kiểm tra cho biết, muốn lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, đề xuất của các đơn vị quản lý bến, vận tải để công tác phục vụ cuối năm được tốt hơn.
Lo bến vắng
Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội, nêu một thực tế, khác với nhiều năm trước, lượng khách ra bến xe hiện nay đang giảm nhiều, nên hầu hết các bến đang hoạt động không hết công suất. “Bến xe có diện tích rộng rãi, được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, mỗi bến có công suất từ 700 đến trên 1.000 lượt xe/ngày, tuy nhiên việc khai thác của các bến hiện nay mới đạt 50% công suất”, ông Toàn nói.
Ông Toàn cho biết, tuy có kế hoạch tăng cường 120 lượt xe/ngày cho các bến dịp Tết Dương lịch nhưng với dự đoán khách tăng vào cuối năm từ 130 đến 150% so với ngày thường thì nếu Tết Dương lịch năm nay khách có tăng gấp đôi cũng chỉ đủ công suất các bến.
Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm, cho biết, bến có hơn 1.100 lượt xe/ngày, tuy nhiên lượt xe bỏ tuyến, nằm chờ lâu trong bến nhiều nên thực tế bến cũng đang hoạt động chỉ khoảng 500 lượt xe xuất bến/ngày. Do vậy, nếu dịp Tết có tăng từ 50 đến 100% khách thì bến vẫn đủ công suất, chưa cần sử dụng xe tăng cường.
Theo ông Lập, do đường sá đi lại thuận tiện nên nhiều người chủ động đi bằng xe cá nhân, giá vé máy bay trở nên phù hợp hơn với nhiều đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản của tình trạng bến xe vắng khách, theo ông Lập, vẫn là sự tồn tại của xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình. “Những tiện dụng tức thời, không được kiểm soát khi xe hợp đồng bắt trả khách trên đường, tận nơi ở dẫn đến xe hợp đồng trá hình đang tấp nập bắt khách trên đường”, ông Lập nói.
Xe khách tăng đến 60% giá cước
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, nói: “Với dịp Tết Dương lịch năm nay, đối chiếu với quy trình và thời gian mà doanh nghiệp (DN) vận tải phải tuân thủ khi muốn tăng giá, đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định dịp này giá cước tại Bến xe Giáp Bát đảm bảo ổn định, không tăng”.
Tại Bến xe Nước Ngầm, ông Nguyễn Văn Lập cho biết, tính đến ngày 30/12, bến ghi nhận có 4 DN vận tải thông báo xin tăng giá vé dịp Tết. Mức giá DN xin tăng thêm từ 50 đến 60% so với ngày thường. Các DN này chủ yếu chạy các tuyến đường dài, như Đắk Lắk, Huế, miền Đông… ông Lập cho biết, nhà xe cho rằng, họ phải phụ thu cho một chiều chạy rỗng và việc này chỉ diễn ra sau Tết. Dịp sau Tết, xe khách chạy các tuyến trên chỉ có khách chiều từ Nước Ngầm đi, còn chiều từ miền trong ra thường ít hoặc rỗng khách.
Phó Giám đốc Sở GTVT Vũ Hà yêu cầu các đơn vị liên quan và Bến xe Nước Ngầm kiểm tra, giám sát chặt nội dung DN tăng giá cước, cương quyết không cho tăng giá bất hợp lý.
Với tình trạng xe hợp đồng trá hình, lộn xộn xung quanh các bến, trong đó có Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình…, ông Hà yêu cầu Thanh tra giao thông kết hợp với hình thức xử phạt nguội qua camera tại các bến xe, thông tin trên báo chí, không nhất thiết cứ phải ra đường mới xử phạt được. Chỉ cần có thông tin, biển số xe vi phạm, phối hợp với Phòng Vận tải tra ngược theo hệ thống GPS là đủ căn cứ xử phạt. Ngoài ra, Thanh tra cần thống kê các xe, doanh nghiệp vận tải có nhiều xe vi phạm, trình Sở, lãnh đạo Sở sẽ chỉ đạo thu hồi phù hiệu, tem tuyến hoạt động vận tải vi phạm nhiều.
Ông Ngô Quốc Cường, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông Hoàng Mai (Sở GTVT Hà Nội) cũng cho ý kiến, hiện xe khách trá hình, xe công nghệ hoạt động trước bến xe trong đó có Giáp Bát, Nước Ngầm rất lộn xộn. Đội đã xử không xuể, đôi khi bất lực do số lượng xe hoạt động quá nhiều, chây ỳ.