Xe cứu hộ không được phép chở xe mới
Cụ thể, Điều 1, Thông tư 60/2015/TT - BGTVT (sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc Thông tư sô 63/2014/TT-BGTVT về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ) do Bộ GTVT vừa ban hành đã bổ sung quy định: “Cứu hộ vận tải đường bộ là hoạt động hỗ trợ phương tiện, tài sản trên phương tiện vận tải đường bộ khi gặp tai nạn, sự cố”.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vận tải cho biết: Sau khi báo Tiền Phong phản ánh, Vụ Vận tải đã báo cáo Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng về việc thiếu quy định cụ thể để quản lý xe cứu hộ (thực tế đã có từ năm 2013 sau đó năm 2014 bỏ đi) và Bộ trưởng GTVT đã thống nhất bổ sung quy định nêu trên. Bà Hiền cho hay, với việc bổ sung quy định này, các xe cứu hộ chỉ được thực hiện đúng nhiệm vụ cứu hộ, không được phép chở xe ô tô mới hay hàng hóa khác.
Lãnh đạo Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng cho hay, sau khi Tiền Phong phản ánh, lực lượng này đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô không được phép sử dụng xe cứu hộ để chở xe mới vào nội đô trong giờ cao điểm. Bà Lê Thị Hương Dịu, đại diện bộ phận truyền thông Cty Toyota Việt Nam cũng thông báo: Hiện nay, Toyota Việt Nam chỉ bàn giao xe cho các xe (hình thức giống xe cứu hộ) chở xe mới vào trung tâm thành phố Hà Nội sau 19 giờ để tránh ùn tắc.
Rộng “cửa” cho xe trá hình
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, trên đường phố Hà Nội, nhiều chiếc xe mang hình thức xe cứu hộ vẫn công khai chở xe mới hoạt động trong các khung giờ, kể cả giờ cấm. Cụ thể, vào lúc 16 giờ 5 phút ngày 16/11 (bắt đầu vào giờ cấm xe tải hoạt động trong nội thành), PV Tiền Phong ghi được hình ảnh một xe có hình thức xe cứu hộ mang biển số 29C-60944 đi từ hướng cao tốc vành đai 3 xuống đường nội thị, len lỏi giữa đám đông ùn tắc, hướng về Đại lộ Thăng Long. Trên bệ xe cứu hộ này chễm chệ một chiếc xe bán tải hiệu Mitsubishi mới cóng, chưa gắn biển số.
Việc các xe mang “hình thức xe cứu hộ” nhưng không đăng ký dịch vụ xe cứu hộ để lách luật, chở xe từ xưởng vào nội thành là cách thức đang được các doanh nghiệp áp dụng để hoạt động trá hình. Trong công văn trả lời báo Tiền Phong về vấn đề này, bà Phan Lê Thu Hiền, Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT nêu ngắn gọn: “Căn cứ theo chức năng nhiệm vụ, thanh tra giao thông và CSGT sẽ kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định pháp luật”. Trong khi, một đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho hay, chưa tìm ra quy định để xử lý những chiếc xe tải mang hình hài xe cứu hộ này.
Tiếp tục tìm câu trả lời thay lực lượng chức năng, chúng tôi đã đặt các câu hỏi với đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam. Đại diện cơ quan này cho hay, đến thời điểm này, chưa có quy định cụ thể về cấu hình xe cứu hộ và xe kéo, chở xe (xe tải chở xe). Như Tiền Phong phản ánh, ngay cả lãnh đạo các đội cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông không thể phân biệt giữa xe cứu hộ và xe tải chở xe. Điều này có nghĩa, khi cơ quan nhà nước chưa rạch ròi, tình trạng xe cứu hộ trá hình sẽ tiếp diễn. Những chiếc xe tải mang hình hài cứu hộ này sẽ tiếp tục luồn lách trên phố vào giờ cao điểm vẫn xảy ra.
Đại diện phòng Chất lượng xe cơ giới của Cục Đăng kiểm cho hay: Trước năm 2015, Cục cấp chứng nhận đăng kiểm cho 40 loại xe dùng vào mục đích cứu hộ hoặc kéo chở xe có gắn tín hiệu ưu tiên (đèn chớp màu xanh/đỏ; cho dù, từ năm 2009, Chính phủ quy định: Xe cứu hộ không thuộc diện được lắp các thiết bị ưu tiên. Ngoài ra, Cục Đăng kiểm cũng cấp cho 15 mẫu xe với loại đèn chớp màu vàng trên nóc xe. Loại đèn màu vàng này không phải tín hiệu ưu tiên; chủ yếu cấp trong năm 2015 nhưng không nhiều người nắm rõ.