Xe chưa kịp 'vào' luồng xanh, test COVID- 19 âm tính: Hà Nội cho ra, Hải Phòng cấm vào

Xe không có mã QR vào luồng xanh không qua được chốt kiểm dịch tại Hải Phòng.
Xe không có mã QR vào luồng xanh không qua được chốt kiểm dịch tại Hải Phòng.
TPO - Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có công văn ngày 27/7 gửi các tỉnh về việc yêu cầu các tỉnh thành tạo điều kiện cho các xe chở hàng hóa (trong thời điểm cơ quan nhà nước chưa kịp cấp giấy nhận diện vào luồng xanh) nhưng thực tế, nhiều  tỉnh vẫn "cứng" lắc đầu, khiến doanh nghiệp vận tải chịu trận. 

Hà Nội cho ra, Hải Phòng cấm vào

Chiều 27/7, xe container của doanh nghiệp anh Nguyễn Việt Hưng có hành trình xuống Hải Phòng lấy hàng ở Cảng. Anh Hưng cho biết, doanh nghiệp của anh đã đăng ký luồng xanh và phải chờ 3-4 ngày mới nhận được kết quả.

Sau khi biết công văn của Bộ GTVT về việc các phương tiện vận tải hàng hoá thiết yếu (như: vận chuyển công nhân, chuyên gia..) chưa được cấp kịp thời giấy nhận diện phương tiện, nhưng nếu tài xế đã có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính còn giá trị (trong vòng 72 giờ) thì lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát vẫn cho xe lưu thông, anh Hưng được "thông quan" xuống Hải Phòng lấy hàng.

Tuy nhiên, đến chốt Hải Phòng, các lực lượng không cho vào và bắt xe anh phải quay đầu bởi lí do: không chấp nhận giấy xét nghiệm âm tính dù bằng phương pháp PCR do không có mã QR vào luồng xanh.

“Hải Phòng chưa áp dụng Chỉ thị 16 nhưng vẫn cứng nhắc bắt xe phải có mã QR bất chấp xe có đầy đủ giấy xét nghiệm trong khi đó TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 nhưng với xe chở hàng chưa kịp có mã luồng xanh vẫn chấp nhận cho xe đi vào với kết quả test COVID-19 còn giá trị”, anh Hưng nói.

DN vận tải bức xúc vì hệ thống quá tải

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam cho hay, mấy ngày nay, Hiệp hội liên tục nhận được ý kiến của các doanh nghiệp về tình trạng không nhận được giấy phép mã QR vào luồng xanh trên địa bàn Hà Nội, hoặc doanh nghiệp được cấp ít hơn nhiều số xe đã đăng ký, "Nhiều đơn vị chỉ được cấp phép 30% đến 50% số xe. Điều này gây bức xúc", ông Quyền nói.

Theo ông Quyền, có nhiều nguyên nhân khiến hệ thống cấp mã QR quá tải, như: Mỗi xe đăng ký theo một hồ sơ mà không đăng ký theo doanh nghiệp; nhiều chủ xe là hộ gia đình, không thông thạo và kê khai không đúng mẫu nên hồ sơ bị từ chối và phải khai lại.

Ngoài ra, nhiều đơn vị đăng ký xe chở thức ăn chăn nuôi, một số loại hàng nhập khẩu..., hiện không được hiểu là hàng thiết yếu nên bị chậm giải quyết. Với xe chở hàng hóa từ vùng dịch đến nơi khác, có tỉnh cho đi lại bình thường, có tỉnh yêu cầu phải là hàng hóa thiết yếu mới được cấp giấy QR.

"Nên có quy định tất cả xe chở hàng hóa đều được lưu thông vào khu vực giãn cách xã hội, vì mọi mặt hàng đều có nhu cầu lưu thông chính đáng, đóng góp vào nền kinh tế. Mặt hàng này tuy không thiết yếu với ngành này song rất quan trọng với ngành khác", ông Quyền nói.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay trong hơn 33.000 hồ sơ xe hàng hóa xin vào luồng xanh trong 3 ngày qua, cơ quan này đã duyệt được 5.400, từ chối khoảng 19.100, còn 8.000 hồ sơ chờ duyệt. Trung bình mỗi ngày cơ quan này nhận được 10.000 hồ sơ, trong khi chỉ có hơn 10 cán bộ thẩm định, nên bị ách tắc trong khâu xử lý.

Ngoài ra, nhiều mặt hàng không liên quan đến hàng hóa thiết yếu theo quy định của Bộ Công thương khiến các cán bộ duyệt hồ sơ "băn khoăn".

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.