Xe chữa cháy dùng động cơ máy bay MIG 21

Xe tăng chữa cháy cõng 2 động cơ phản lực của máy bay MIG 21.
Xe tăng chữa cháy cõng 2 động cơ phản lực của máy bay MIG 21.
"The Big Wind" là tên gọi của chiếc xe tăng với 2 động cơ phản lực dùng để phun nước. Xe do một nhóm kỹ sư người Hungary thiết kế với nền tảng là xe tăng T34 từ thời Chiến tranh Lạnh kết hợp với 2 động cơ của máy bay tiêm kích phản lực MIG 21.

Vào tháng 2/1991, thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh, lính Iraq đã phá huỷ hơn 700 giếng dầu ở Kuwait. Dầu cháy gây ra thảm họa đối với môi trường mà mãi 7 tháng sau mới có thể dập tắt. Ngọn lửa có thể cao tới hơn 90 m và thải ra lượng khói đen khổng lồ vào không khí, khiến bầu trời đang vào giữa trưa có thể trông như trong đêm tối.

Nhiệt độ ngọn lửa khi đó có thể đạt tới 1.000 độ C. Không khí xung quanh cũng có thể ở mức hơn 300 độ C, còn cát chỗ lửa cháy khoảng 700 độ C.

Để dập tắt ngọn lửa khổng lồ từ giếng dầu, chỉ có thể dùng một chiếc xe chữa cháy đặc biệt. Xe tăng T34 được trưng dụng. Tháp súng được tháo bỏ, thay bằng bệ đỡ cho 2 động cơ máy bay MIG 21, mỗi chiếc dài 3 m. Phía sau bệ đỡ là cabin điều khiển nhỏ cho một thợ máy. Phía trên 2 động cơ là 6 vòi phun nước nhô ra trông như một cặp dĩa khổng lồ.

Một ống vòi rồng đưa nước lên xe từ một vũng nhân tạo ngay gần đám cháy. Có hàng trăm vũng nước kiểu này được đào sẵn để sẵn sàng dập những đám cháy tương tự và có thể chứa hơn 15.000 mét khối nước. Nước mặn ở các vũng được lấy từ hệ thống đường ống dẫn chạy dài 145 km từ Vịnh.

Big Wind nặng khoảng 46 tấn, với khoảng 3.000 lít dầu óc ách được ví như một quái thú dạng rùa khổng lồ bò về phía ngọn lửa với tiếng ồn kinh hoàng. Khi cách giếng dầu cháy khoảng 8 m, xe dừng lại.

Ngoài tiếng ồn từ hàng chục tấn kim loại di chuyển, tiếng chất lỏng óc ách, tiếng lửa cháy phừng phừng còn là âm thanh đáng sợ từ động cơ phản lực. Hai động cơ ngốn gần 2 lít dầu mỗi giây để tạo ra cột nước áp lực cao đủ sức dập lửa. Để dễ hình dung, nếu đặt một chiếc ôtô sedan trước động cơ phản lực, sức mạnh sẽ thổi bay cửa kính và làm vênh một chút thân xe trước khi thổi bay cả xe khỏi chỗ đứng.

Khi nước chảy ra khỏi các vòi phun nước, nhờ sức của động cơ phản lực, nước sẽ di chuyển ở tỷ lệ 832 lít mỗi giây về phía ngọn lửa.

Big Wind hoạt động với một nhóm 3 người: tài xế lái xe, một thợ máy điều khiển bệ động cơ và một người khác đứng dưới đất để hướng dẫn vòi phun. Xe lấy sức mạnh từ động cơ dầu 40 lít V12 cho công suất 580 mã lực.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG