Xe chở gỗ lậu được gọi là 'chở củi'?

0:00 / 0:00
0:00
Xe chở gỗ lậu ở huyện Chư Prông, Gia Lai. Ảnh Đình Văn
Xe chở gỗ lậu ở huyện Chư Prông, Gia Lai. Ảnh Đình Văn
TP - Từ 22h đêm đến 4h sáng, từng đoàn xe công nông độ chế chở gỗ lậu từ rừng Ia Muer về các xã Ia Piơr, Ia Lâu của huyện Chư Prông, Gia Lai. Gỗ lậu đi xuyên đêm nhưng không gặp bất cứ trở ngại nào từ chính quyền cấp huyện, tỉnh.

Nhiều xe chở gỗ lậu

Từ trung tâm thị trấn Chư Prông (huyện Chư Prông) vào rừng Ia Muer khoảng 60km. Rừng ở đây giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk. Ban ngày, sát bìa rừng, người dân các xã Ia Mơ, Ia Piơr dễ dàng nghe được tiếng cưa máy phá rừng, lấy gỗ. Để bảo vệ rừng, tỉnh Gia Lai đặt trụ sở Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Muer ngay xã Ia Mơ để canh gác cùng các chốt. Tuy vậy, người dân ở đây ca thán, họ bị mất ngủ bởi tiếng xe công nông chở gỗ lậu từng đoàn náo loạn.

Trong hai ngày 23-24/9, PV Tiền Phong đã ngụy trang chứng kiến đoàn xe chở gỗ lậu ung dung ở các xã biên giới Chư Prông. Ban đêm, các xe gỗ đi ngang qua trung tâm chợ, UBND các xã Ia Mơ, Ia Piơr nhưng không ai chốt chặn. Gỗ ở đây chủ yếu từ nhóm III - VI, gồm dầu, cà chít, căm xe, bằng lăng, trong đó nhiều nhất là cây dầu.

Khoảng 21h30, những chiếc xe công nông bắt đầu xuất phát từ rừng ở xã Ia Mơ, rồi đi qua xã Ia Piơr để về xưởng đặt ở xã Ia Lâu. Tại xã Ia Piơr, hơn 22h, chúng tôi chứng kiến chiếc xe đầu tiên đi qua, trên xe hàng chục lóng gỗ dài 1,5-2m, chất cao gần 2m. Gỗ ở đây đủ thể loại, cũ có, mới có. Nửa tiếng sau, chiếc thứ hai xuất hiện, cũng đầy gỗ, máy nổ bành bạch bươn chạy trên con đường bê tông liên xã. Theo người dân bản địa, những chiếc xe đầu tiên này có nhiệm vụ tiền trạm để thông báo cho những chiếc sau, xuất phát chủ yếu từ 3-4 giờ sáng. Đúng như người dân thông báo, từ 22h đến gần 2 giờ sáng, dù căng mắt mật phục, chúng tôi không thấy thêm chiếc xe nào đi qua xã Ia Piơ.

Đến 2 giờ sáng, “tập đoàn” xe gỗ lậu xuất hiện, nối đuôi nhau chạy. Theo ghi nhận của chúng tôi, dẫn đầu là hai xe gỗ bám sát nhau, lao đi trong đêm. Vì khuya đường vắng, xe công nông thản nhiên băng băng trên đường bê-tông như đi vào chốn không người. Khoảng 5 phút sau, một chiếc xe công nông khác chở đầy gỗ lại đi qua. Chúng tôi thi thoảng bắt gặp một vài chiếc xe máy đi sau các xe gỗ, đây là người được thuê để bốc gỗ khi ở trên rừng. 10 phút sau, 3 xe gỗ đi liền nhau, tiếng nổ của công nông độ chế xé toạc màn đêm yên tĩnh. Không lâu khi 3 xe này mất hút vào bóng đêm, hai xe gỗ khác lại trờ tới. Trong đêm 23 đến rạng sáng 24/9, chúng tôi đếm được tất thảy 24 xe gỗ từ rừng về. Tất cả các xe này đều có chung đích đến là một xưởng gỗ, ngụy trang bằng tấm bảng đặt bên ngoài ghi “Xưởng thu mua nông sản, mua bán phân bón, cân xe trọng tải” ở xã Ia Lâu. Việc chở gỗ kéo dài đến 4 giờ sáng hôm sau thì kết thúc. Điều bất thường ở đây, không hề thấy một bóng dáng cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

Cơ quan chức năng ở đâu?

“Chúng tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý ngay”, ông Vũ Đình Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông nói sau khi PV Tiền Phong cung cấp thông tin. Ông Hạnh cho biết, lâu nay công tác quản lý bảo vệ rừng ở huyện được chỉ đạo thường xuyên, lực lượng tuần tra hàng tuần. Tuy nhiên, với hình ảnh xe gỗ lậu đi xuyên đêm, ông Hạnh cho biết “có thể vì Chư Prông địa bàn rộng nên tình hình bảo vệ rừng còn phức tạp”.

Ông Trần Cao Linh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Prông thừa nhận: “Xe chở gỗ trên địa bàn là có, chủ yếu lén lút vào ban đêm”. Tuy nhiên, theo ông này, chỉ có “1 hoặc 2 xe, chở củi về đun”. Chỉ khi PV cung cấp xe chở gỗ đi từng đoàn, ông Linh mới lúng túng cho biết ngay khi UBND huyện chỉ đạo, Hạt Kiểm lâm đã tổ chức lực lượng cùng với các xã Ia Mơ, Ia Piơr, Ia Lâu tiến hành kiểm tra, truy quét.

Liên quan tới tình trạng này, ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Ia Piơr, xác nhận có việc xe gỗ đi ngang qua địa bàn, xã cũng từng truy quét. “Tuy nhiên, cái khó ở đây là người đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, cơ cực phải vào rừng nhặt củi để bán và cũng không tránh khỏi việc chặt cây rừng”, ông Tiến trao đổi. Thực tế theo người dân phản ánh với PV, các xe gỗ này đã chạy nhiều ngày liền, diễn ra cả tháng nay.

Trả lời PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết sẽ yêu cầu các cán bộ cấp trực thuộc giải trình vì để xảy ra sự vụ.

Theo Quyết định số 2198-CNR của Bộ Lâm Nghiệp (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) với bảng các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước thì gỗ dầu thuộc nhóm V; gỗ cà chít thuộc nhóm IV; gỗ căm xe thuộc nhóm II và gỗ bằng lăng nước thuộc nhóm III. Theo một cán bộ Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, các loại cây, gỗ thuộc rừng phòng hộ như Tiền Phong phản ánh chụp ảnh được là loại bị cấm khai thác. Nếu khai thác từ 13m3 (gỗ xẻ) hoặc 20m3 gỗ tròn sẽ bị khởi tố hình sự.

MỚI - NÓNG