Bà Minh cho biết, trong năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ đọng BHXH và thực hiện hiệu quả các chế độ chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng
Xin bà cho biết những kết quả nổi bật của toàn Ngành BHXH trong năm 2017?
Nhờ sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ ngành, cơ quan đoàn thể và sự cố gắng, nỗ lực của Ngành BHXH, công tác tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã vươn lên một tầm cao mới. Có thể nói, năm 2017 vẫn tiếp tục là một năm thành công của toàn ngành BHXH trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên.
Năm 2017 còn là thời điểm mà nhiều mục tiêu dài hạn, nỗ lực trong nhiều năm của toàn ngành BHXH đã “kết trái ngọt”, được ghi nhận tích cực từ phía doanh nghiệp (DN), người dân tham gia BHXH, BHYT và sự đánh giá cao của các tổ chức có uy tín trong nước và quốc tế.
Về thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, ước tính, đến hết 31/12/2017, cả nước có số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,52 triệu người; BHTN 11,72 triệu người; BHXH tự nguyện 291 nghìn người; BHYT 81 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 86% dân số cả nước, vượt 6 % so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Toàn Ngành ước thu 290 nghìn tỷ đồng, đạt 101,2% so với kế hoạch giao. Số nợ BHXH cũng đã giảm 0,8% so với năm 2016, còn 5.737 tỷ đồng, bằng 3,0% số kế hoạch thu do Thủ tướng Chính phủ giao.
Năm qua đã giải quyết chế độ BHXH cho bao nhiêu người thưa bà?
Năm 2017, toàn ngành đã giải quyết cho 9,9 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH. Trong đó: 141.695 người hưởng BHXH hàng tháng; 717.053 lượt người hưởng BHXH 1 lần; 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe. Thanh toán chi phí KCB BHYT cho 169 triệu lượt người khám, chữa bệnh nội trú và ngoại trú và thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT trên 85 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ mới của ngành BHXH cũng đã đạt kết quả tích cực?
Năm đầu tiên thực hiện chức năng thanh tra lĩnh vực BHXH với đầy đủ các điều kiện pháp lý, ngành BHXH đã tổ chức được trên 6.000 cuộc thanh tra chuyên ngành và liên ngành về thu BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó, BHXH Việt Nam đã tiến hành thanh tra đối với trên 3.000 DN và đơn vị SDLĐ trên phạm vi toàn quốc; tổ chức kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại 4.350 đơn vị. Qua đó, truy thu trốn đóng 66 tỷ đồng; truy thu đóng thiếu mức trên 31 tỷ đồng; truy thu do chậm đóng gần 1.000 tỷ đồng; ra quyết định xử phạt gần 6 tỷ đồng và thu hồi về NSNN trên 1,1 tỷ đồng.
Theo đánh giá của bà, thành tựu nào có ý nghĩa quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay?
Thành tựu có ý nghĩa quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là việc BHXH Việt Nam đã tạo dựng được nền tảng vững chắc về hạ tầng công nghệ, làm cơ sở quan trọng để thực hiện hiện đại hóa quản lý BHXH. Với chức năng, nhiệm vụ bao trùm lĩnh vực quan trọng nhất của chính sách an sinh xã hội, việc hiện đại hóa ngành BHXH sẽ góp phần xây dựng chính phủ điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây cũng là yếu tố tạo nên sức hút, mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, thực hiện thành công mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH cho mọi người lao động mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra.
Vậy còn vấn đề gì mà bà cảm thấy chưa hài lòng trong kết quả thực hiện năm 2017?
Sự chuyển động của cả hệ thống BHXH để đổi mới cả về nghiệp vụ, thủ tục hành chính, tinh thần phục vụ để tạo dựng hình ảnh một cơ quan BHXH cởi mở, thân thiện sẽ cần phải có thời gian. Đâu đó sẽ vẫn còn sự chưa hài lòng của người dân, DN khi đến làm việc với cơ quan BHXH. Tuy nhiên, tôi tin rằng với tinh thần cầu thị, quyết tâm của lãnh đạo ngành, chắc chắn sẽ xây dựng thành công hình ảnh hệ thống BHXH chuyên nghiệp, hiệu quả và thân thiện.
Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp quan trọng
Hiện còn tồn tại, hạn chế nào trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT cần sớm phải khắc phục?
Mặc dù đã đạt được hết quả toàn diện trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, để chính sách BHXH, BHYT được thực hiện đạt hiệu quả cao hơn nữa, có một số tồn tại hạn chế cần phải được khắc phục.
Về cơ chế chính sách, hiện một số văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT chưa rõ, ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện; tính ổn định của chính sách BHXH chưa cao, một số chế độ thường xuyên thay đổi. Về tổ chức thực hiện, công tác phối hợp giữa một số ngành có liên quan và địa phương còn chưa chặt chẽ, thiếu tích cực trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT dẫn tới tỷ lệ bao phủ BHYT trong một số đối tượng chưa cao…
Một số chủ sử dụng lao động cố tình không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động hoặc chỉ tham gia cầm chừng mang tính đối phó, một số khác cố tình chiếm dụng, không trích đóng, để nợ đọng BHXH, BHYT số tiền lớn, thời gian kéo dài.
Để tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và đáp ứng những kỳ vọng của người dân, DN cũng như những đòi hỏi nội tại từ chính quá trình phát triển của sự nghiệp BHXH, BHYT, bà có thể cho biết một số giải pháp chủ yếu mà ngành BHXH đặt ra trong năm 2018 để hoạt động của Ngành đạt hiệu quả tối ưu?
Trong công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN chúng tôi đặt mục tiêu đưa số người tham gia BHXH lên 14,62 triệu người, số người tham gia BHTN là 12,43 triệu người, đồng thời tiếp tục duy trì và gia tăng hơn nữa độ bao phủ BHYT, đảm bảo an toàn quỹ BHXH trong dài hạn và cân đối quỹ KCB BHYT trong năm.
Bên cạnh đó, BHXH Việt nam cũng tiếp tục đặt mục tiêu giảm giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với các doanh nghiệp xuống dưới 48 giờ/năm theo tinh thần Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để đạt được những mục tiêu đó, BHXH Việt Nam đã đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì?
BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện các mục tiêu nêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 26/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia BHYT theo hộ gia đình.
Tiếp tục phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Bộ Tài chính tham mưu xây dựng, sửa đổi bổ sung các Nghị định về lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN trình Chính phủ ban hành; hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố triển khai kịp thời các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật BHXH, BHYT; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng trong việc phát triển đối tượng và thu nợ BHXH, BHYT, BHTN tại các địa phương.
Cảm ơn bà!
“Năm 2017 vẫn tiếp tục là một năm thành công của toàn ngành BHXH trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên”. Bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam