Xây dựng, thực hiện nhiều chuyên đề chiến lược phát triển giao thông Hà Nội đồng bộ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Song song với công tác tổ chức, điều tiết giao thông vận tải và phát triển hạ tầng, trong năm 2023 Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) đã xây dựng, tham mưu và trình UBND thành phố nhiều chuyên đề phát triển giao thông mang tính chiến lược, định hướng và đồng bộ.
Xây dựng, thực hiện nhiều chuyên đề chiến lược phát triển giao thông Hà Nội đồng bộ ảnh 1

Giao thông vận tải Hà Nội đang xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ. Ảnh: Như Ý

8 chuyên đề giải pháp đồng bộ GTVT

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, năm 2023 Sở GTVT Hà Nội đã thực hiện nhiều nhiệm vụ theo chuyên ngành và nhiệm vụ đột xuất UBND thành phố giao, trong đó đã hoàn thành 1.129 tương đương 97,6% nhiệm vụ, còn 36 nhiệm vụ đang tiếp tục thực hiện. Đã tiếp nhận hơn 374 nghìn hồ sơ của công dân và đã giải quyết đúng hạn hơn 373 nghìn hồ sơ đạt 99,9%, các hồ sơ còn lại đang tiếp tục được xem xét và giải quyết…

Với công nhiệm vụ phát triển GTVT, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin, Sở đã xây dựng, tham mưu và báo cáo thành phố 8 chuyên đề lớn, mang tính chiến lược, định hướng lâu dài. Bao gồm: Báo cáo chuyên đề phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) phục vụ đầu tư phát triển mạng lưới đường sắt đô thị của Thành phố Hà Nội theo quy hoạch; Công tác triển khai thực hiện Quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo đồ án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030; tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt; Công tác Quy hoạch, đầu tư và quản lý, khai thác bến xe, bãi đỗ xe, điểm trông giữ xe tạm thời trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Định hướng phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) phục vụ công tác quản lý và điều hành giao thông tại Thành phố Hà Nội;

Báo cáo chuyên đề về hoạt động “xe dù, bến cóc” và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách trên địa bàn Thành phố; Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện đồ án quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Kết quả rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các định hướng triển khai thực hiện trong thời gian tới; Một số cơ chế, chính sách lớn đặc thù liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đề xuất đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) - Kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh theo đến năm 2050.

Với nhóm chuyên đề số 8, trong đó có nội dung xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh theo đến năm 2050 theo yêu cầu của Chính phủ, Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng xong kế hoạch, lộ trình thực hiện báo cáo thành phố, trong đó đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2035 toàn bộ phương tiện VTHKCC trên địa bàn thành phố 100% sử dụng động cơ năng lượng xanh, hoàn thành trước thời điểm Chính phủ yêu cầu 15 năm.

Xây dựng, thực hiện nhiều chuyên đề chiến lược phát triển giao thông Hà Nội đồng bộ ảnh 2

Hà Nội đang rà soát, điều chỉnh và phát triển VTHKCC theo hướng xanh hóa

Cải tạo hạ tầng, xử lý trên 40% điểm ùn tắc

Trên lĩnh vực quản lý, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã ban hành và thực hiện 91 phương án phân luồng, điều chỉnh tổ chức giao thông trên các tuyến phố, nút giao thông và tại khu vực có công trường thi công các công trình giao thông, công trình trọng điểm của thành phố. Thực hiện cải tạo, mở rộng lòng đường, nút giao trên hàng chục tuyến phố nhằm giảm xung đột, ùn tắc giao thông. Nhờ vậy tính đến hết tháng 12, từ 37 điểm ùn tắc giao thông thường xuyên vào giờ cao điểm trên địa bàn toàn thành phố, Sở GTVT đã cùng với các đơn vị có liên quan xử lý, giải quyết được 15 điểm ùn tắc - tương đương 40,5%.

Tuy nhiên cũng do lưu lượng phương tiện gia tăng, số lượng các công trình, hàng rào thi công nhiều trên đường nên cũng trong năm 2023, toàn thành phố đã phát sinh thêm 11 điểm ùn tắc mới. Do vậy, mặc dù giải quyết được 15 điểm ùn tắc nhưng trên địa bàn thành phố trong năm 2023 vẫn còn 33 điểm ùn tắc.

Công tác quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, để giảm sự đi lại, giải quyết tốt nhu cầu của người dân đồng thời tránh quá tải cho 2 điểm giao dịch một cửa của Sở GTVT, trong năm 2023, Sở GTVT đã tham mưu để thành phố chấp thuận giao quyền tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX cho một số huyện, thị xã được tiếp nhận, giải quyết thủ tục cấp, đổi GPLX. Sở GTVT thực hiện giám sát 100% các kỳ sát hạch bằng hệ thống camera được lắp đặt tại Trung tâm sát hạch và truyền dữ liệu trực tuyến về Cục Đường bộ Việt Nam, đã tổ chức 1.684 kỳ sát hạch xe máy, ô tô; cấp mới 173.015 GPLX…

Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 14.879 trường hợp, số tiền xử phạt VPHC 54.256.100.000 đồng, tạm giữ 161 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn 1.542 trường hợp.

Tăng loại hình, hiệu quả vận hành vận tải công cộng

Trên lĩnh vực vận tải khách, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đào Việt Long cho biết, với chủ trương phát triển vận tải hành khách để giảm xe cá nhân, giải quyết ùn tắc, năm 2023 Sở GTVT đã xây dựng, thực hiện nhiều nội dung có tính thực tế, quy mô và đồng bộ. Trong đó, về kế hoạch thực hiện lâu dài đã xây dựng 2 chuyên đề nhằm quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải khách trong bối cảnh mới, gồm: Chuyên đề hoạt động “xe dù, bến cóc” và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách trên địa bàn thành phố; Rà soát, đánh giá tổng thể mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội và các định hướng triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Cùng với đó, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, do hệ thống vận tải khối lớn như đường sắt đô thị, buýt BRT chưa thể hoàn thành các tuyến theo quy hoạch đề ra, toàn thành phố hiện chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, 1 tuyến buýt BRT nên hiện nay xe buýt vẫn là chủ công trên lĩnh vực VTHKCC tại Hà Nội, do vậy trong năm 2023, Sở GTVT cũng thực hiện tổng rà soát về mạng lưới tuyến, lượt hoạt động, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả vận hành.

Cụ thể, với chủ trương hợp lý hóa luồng tuyến xe buýt, tránh chồng chéo, chạy rỗng, vắng khách… năm 2023 Sở GTVT đã thực hiện rà soát giai đoạn 1 đối với 71/132 tuyến buýt có trợ giá. Kết quả, đã điều chỉnh lộ trình 10 tuyến, điều chỉnh tần suất 43 tuyến; đặc biệt đã có 6 tuyến buýt phải dừng hoạt động do có sản lượng khách ít, dẫn đến mức trợ giá từ ngân sách cao.

Triển khai ứng dụng thẻ vé thanh toán liên thông trên 15 tuyến buýt đầu tiên, tạo ra những tiện ích, văn minh cho người sử dụng; giúp công tác quản lý, giám sát của nhà nước được sát sao, rõ ràng và minh bạch. Từ thực tế này, năm 2024, Sở GTVT Hà Nội đặt phấn đấu nhân rộng thẻ vé thanh toán liên thông trên tất cả mạng 132 tuyến buýt có trợ giá.

Với kết quả hoạt động của VTHKCC trong năm 2023, lãnh đạo Sở GTVT thông tin, nhờ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và rà soát, điều chỉnh ngắn và dài hạn, trong năm 2023 mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt (gồm 155 tuyến, trong đó có 132 tuyến buýt có trợ giá; 8 tuyến không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 03 tuyến City tour, 1 tuyến đường sắt đô thị…) đã vận chuyển được tổng số lượng hành khách 487,6 triệu, tăng 43,4% so với thực hiện cùng kỳ 2022 - mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua), tổng doanh thu toàn mạng buýt đạt 571,2 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ 2022.

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.