Theo TS Vũ Công Giao, những quy định mới được sửa đổi trong Hiến pháp năm 2013 cho thấy cố gắng của các nhà lập hiến trong việc tạo lập khuôn khổ mới cho việc quản trị quốc gia. Cụ thể tại Điều 2 bổ sung vấn đề kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; Điều 55 và Điều 112 bổ sung vấn đề phân quyền giữa trung ương và địa phương theo mô hình phát triển, cho phép chính quyền địa phương có ngân sách riêng; Điều 117, 118 quy định về việc thiết lập 2 cơ quan hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước; Điều 9 làm rõ hơn vai trò phản biện của Mặt trận và các tổ chức thành viên...
“Những điểm mới này sẽ hứa hẹn thúc đẩy những cải cách theo hướng xây dựng một nền quản trị quốc gia minh bạch, hiệu quả và có trách nhiệm giải trình, đáp ứng được những yêu cầu phát sinh từ quá trình dân chủ hóa, hội nhập quốc tế của Việt Nam” - TS Giao nêu rõ.
Phục vụ nhân dân
Bàn về vị trí chính quyền địa phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS Đinh Xuân Thảo cho rằng, Hiến pháp sửa đổi có nhiều điểm thay đổi rất lớn so với Hiến pháp năm 1992. Trong Hiến pháp sửa đổi, chúng ta có một chương Chính quyền địa phương (thay tên gọi Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trước đây). Đây là sự thay đổi hợp lý, phù hợp với lịch sử lập hiến.
Với tiêu đề tham luận “chính quyền dưới sức ép phục vụ nhân dân”, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (Đại học Kinh tế TPHCM) đưa ra so sánh: Giống như phân khúc thị trường, chính quyền từng cấp cần quản trị nguồn lực của mình một cách tương ứng để phục vụ người dân tốt nhất.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, nhiệm vụ quan trọng là tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, bảo đảm cho từng nội dung của Hiến pháp thật sự đi vào đời sống, tạo sự chuyển biến sâu rộng và tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.