Xây dựng hệ sinh thái Toán học Việt Nam

Đội tuyển Olympic Toán học Việt Nam 2020 giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Ảnh:  Nghiêm Huê
Đội tuyển Olympic Toán học Việt Nam 2020 giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Ảnh:  Nghiêm Huê
TP - Sau 10 năm thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học (2010 -2020), các chỉ số liên quan ngành khoa học cơ bản này của Việt Nam có những thay đổi đáng kể, nhưng nguồn nhân lực đang thiếu hụt.

Phát biểu tại buổi lễ tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 - 2020 và kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp Toán (NCCCT), GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, kể lại câu chuyện  vào năm 2007, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Olympic Toán học (IMO). Tại lễ tổng kết kỳ thi, GS Nguyễn Thiện Nhân (khi đó là  Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) bất ngờ khi tại đấu trường IMO, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 3 nhưng ngành Toán của Việt Nam lại đứng ở vị trí thứ 70. Lúc đó, ông đề nghị phải có một chiến lược để phát triển ngành Toán. Sau 3 năm, một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi GS Ngô Bảo Châu, người Việt đầu tiên giành giải thưởng Fields danh giá, Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học ra đời và không lâu sau đó là Viện NCCCT được thành lập.

Báo cáo tổng kết, PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành của Viện NCCCT, cho biết, sau 10 năm triển khai, chương trình đã hoàn thành tốt 5/6 mục tiêu cụ thể. Với nỗ lực của cộng đồng Toán học Việt Nam, đến nay, Toán học Việt Nam được xác định ở vị trí trong khoảng 35-40 trên thế giới và đứng đầu trong khối ASEAN (ở đây chỉ xét đến tiêu chí số lượng công bố quốc tế). Bên cạnh các chỉ số công bố khoa học, việc tổ chức thành công các hội nghị quốc tế lớn, uy tín của Viện NCCCT, sự kiện lần đầu tiên hai ngành Toán học của 2 đại học Việt Nam được vào bảng xếp hạng QS (1 trong 2 bảng xếp hạng uy tín nhất của thế giới), Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) có nhiều thành tích trong nghiên cứu với việc thành lập trung tâm nghiên cứu và đào tạo quốc tế dạng 2 được UNESCO công nhận và bảo trợ... đều góp phần chứng tỏ vị thế của Toán học Việt Nam thời gian qua.

Không những thế, mục tiêu tăng gấp đôi số lượng công trình công bố quốc tế đã đạt được khi trên hệ thống Mathscinet (hệ thống tạp chí thuộc Hội Toán học Hoa Kỳ) kết quả thống kê cho thấy, vào thời điểm 2010, Việt Nam có khoảng 300 bài báo. Đến năm 2019, tổng số công bố đã là 767 bài, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Cả về số lượng lẫn mức độ tăng trưởng, công bố trên các tạp chí thuộc Mathscinet của Việt Nam nhiều hơn các quốc gia ASEAN khác như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines. Một nghiên cứu khác của nhóm Trắc lượng khoa học Việt Nam vào đầu năm 2019 về kết quả công bố quốc tế trên các tạp chí ISI của ngành Toán, số lượng công bố của Việt Nam trong năm 2018 (tính đến tháng 28/10/2018) dẫn đầu các nước ASEAN. Đáng chú ý, Việt Nam liên tục giữ vị trí dẫn đầu các nước ASEAN về chỉ số này từ năm 2014 đến nay, mặc dù trước đó, vị trí này liên tục thuộc về Singapore.

Nguy cơ thiếu hụt đầu vào

PGS.TS Lê Minh Hà cho biết, trong số 6 mục tiêu cụ thể đã đề ra của Chương trình, chỉ duy nhất mục tiêu “Xây dựng Viện Toán học và 1-2 khoa Toán ở các trường ĐH lớn trở thành trung tâm nghiên cứu và đào tạo Toán của khu vực” chưa thực sự được hoàn thành.

Một trong những thách thức của ngành Toán trong thời gian tới chính là nguồn nhân lực. Theo Viện NCCCT, trong kỷ nguyên Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, vai trò Toán học được nâng cao hơn bao giờ hết, nhưng trên thực tế, nhiều môn Toán trong các chương trình đào tạo của các ngành khác bị giản lược hoặc cắt bỏ tại nhiều trường ĐH, CĐ trên cả nước. Rất ít trường ĐH lớn yêu cầu tăng thời lượng môn Toán ở tất cả các chuyên ngành. Việc dạy và học Toán ở các cấp học từ phổ thông đến ĐH cần được tiếp tục cải tiến. Ngày càng ít sinh viên giỏi muốn học các ngành khoa học cơ bản nói chung và môn Toán nói riêng. Số liệu tuyển sinh 10 năm qua ở các trường ĐH cho thấy, một số khoa đào tạo cử nhân về Toán đã không tuyển được sinh viên, dẫn đến khả năng phải giải thể. Trong 5 năm 2014 -2019, tổng số nghiên cứu sinh trong nước ngành Toán thuộc 10 trường ĐH lớn nhất của Việt Nam là 220. Con số này ít hơn số lượng các trường ĐH, học viện đang hoạt động.  Đáng chú ý, 2 năm gần đây, số nghiên cứu sinh giảm 50% so với trước.

GS Nguyễn Thiện Nhân đề xuất một số giải pháp, trong đó cần chú trọng hơn nữa các hoạt động quảng bá, phổ biến Toán học nhằm nâng cao văn hóa, trình độ Toán học chung của học sinh và của người dân, đồng thời xây dựng hệ sinh thái ngành Toán để phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh vai trò đặc biệt của Toán học, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số. Theo ông, cần hình thành đội ngũ giáo viên giỏi Toán trong các trường phổ thông để làm hạt nhân, cốt cán bồi dưỡng, bồi dưỡng lại cho đồng nghiệp, tạo sự lan tỏa bền vững trong toàn hệ thống; tạo điều kiện để đội ngũ này được tiếp cận các nhà khoa học quốc tế có uy tín… Tại lễ tổng kết, GS Ngô Bảo Châu cho rằng, điều cần hướng đến trong 10 năm tới là sự chuẩn bị đồng đều của chất lượng nghiên cứu khoa học, để Toán học Việt Nam ổn định vị trí trên bản đồ thế giới, không chỉ là con số trên bảng xếp hạng mà còn là về nhận thức. Theo GS Ngô Bảo Châu, đội ngũ Toán học phải cố gắng hơn nữa; cần tăng cường hoạt động trải nghiệm Toán học, đẩy mạnh Toán học ứng dụng; duy trì tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi Toán trong bối cảnh các nước trong khu vực và trên thế giới đều có ưu tiên đặc biệt với Toán học...

Ngày 22/12, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình  trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 - 2030.  Một trong những mục tiêu mà chương trình hướng đến là thúc đẩy công bố quốc tế chất lượng cao; đến năm 2030, Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục ĐH có chương trình đào tạo Toán lọt tốp 500 thế giới.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.