Xây dựng đô thị kiểu 'mỡ nó rán nó'

Những năm tới sẽ đẩy mạnh đấu giá đất, lấy tiền phát triển đô thị
Những năm tới sẽ đẩy mạnh đấu giá đất, lấy tiền phát triển đô thị
TP - Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng “Chương trình phát triển đô thị Quốc gia 2011 - 2020”, với tổng vốn đầu tư gần 50 tỷ USD. Nguồn tiền này lấy từ đâu ra? Ông Đỗ Viết Chiến - Cục phó Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) trả lời phỏng vấn Tiền Phong.

> Hà Nội huy động mọi nguồn lực cho quy hoạch
> Đô thị hóa ngược & đô thị 'xốp'

Những năm tới sẽ đẩy mạnh đấu giá đất, lấy tiền phát triển đô thị
Những năm tới sẽ đẩy mạnh đấu giá đất, lấy tiền phát triển đô thị.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Ông Chiến cho biết: “Chương trình phát triển đô thị Quốc gia 2011 - 2020” dựa trên Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt. Hiện nay, cả nước có 755 đô thị, chiếm 30% diện tích của cả nước nhưng GDP đóng góp tới 70%. Như vậy vai trò của đô thị rất quan trọng nhưng phân bố không đồng đều và phát triển tập trung ở các đô thị lớn của các thành phố lớn.

Chính điều này dẫn đến một lúc nào đó những đô thị này sẽ trở thành những siêu đô thị (phát triển lệch), trong đó sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn ngày một xa, đặc biệt là vùng miền, giữa phát triển tập trung với vùng sâu vùng xa, ngày càng chênh lệch lớn. Đó là điều không đúng với định hướng phát triển KT-XH, nên phải có kế hoạch phân bố, cân đối đồng đều trên địa bàn cả nước.

Tổng vốn đầu tư cho chương trình tới 50 tỷ USD, nguồn vốn này được huy động thế nào, thưa ông?

Đây là con số dự báo sơ bộ thôi. Nói về nguồn lực để xây dựng đô thị theo phương châm là lấy đô thị nuôi đô thị, huy động mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng đô thị chứ không thể trông cậy như thời bao cấp là nguồn vốn duy nhất của Nhà nước. Và huy động như thế nào thì trước hết ta lấy nguồn lực đất đai là đầu tiên, theo cơ chế BT (đổi đất lấy hạ tầng).

Nhưng không phải dự án nào cũng làm được theo lối BT, có những cái BT được như các công trình hạ tầng, kỹ thuật, đầu mối, nhưng các công trình như nhà ở, cải tạo chung cư cũ thì không phải lúc nào cũng huy động BT một cách tại chỗ được.

Ví dụ như: Hà Nội có 23 chung cư đặt vấn đề BT tại chỗ thì vướng vì nằm trong vùng hạn chế phát triển về chiều cao nên không thể khuyến khích BT tại chỗ.

Bên cạnh đó, sẽ thực hiện cơ chế đầu tư kiểu BOT (xây dựng, vận hành sau đó mới chuyển giao). Chủ trương là như thế nhưng tùy điền kiện, dự án và công trình để quyết định phương thức nào hợp lý: BT hay BOT. Có những cái phải huy động kiểu PPT (nhà nước và tư nhân cùng đầu tư).

Kinh nghiệm phát triển đô thị tại Đà Nẵng khá hiệu quả (Nhà nước ứng tiền làm hạ tầng, rồi đấu giá quyền sử dụng đất hai bên đường lấy tiền phát triển đô thị), sao mình không nhân rộng mô hình này trong chương trình?

Thực ra mô hình đô thị đều học của nhau cả nhưng đặc thù mỗi nơi khác nhau. Ví dụ việc cải tạo, phát triển đô thị cũ ở Đà Nẵng không bị khống chế chiều cao như ở Hà Nội. Hà Nội có cái ngặt nghèo là 1.000 năm Thăng Long, mọi thứ nó nằm hết trong lõi Hà Nội: phố cổ, thành cổ đều nằm trong lõi chứ ở Đà Nẵng không có mặc dù cũng là đô thị cổ.

Không chỉ ở Hà Nội và nhiều đô thị khác, nhà nước cũng đầu tư hạ tầng nhưng vì không có nguồn lực nên bán lúa non, tức là giải phóng mặt bằng xong là tổ chức đấu thầu rồi. Cái rất hay nữa là tái sử dụng quỹ đất hai bên đường.

Bây giờ nhà nước bỏ hàng nghìn tỷ đồng ra làm đường rồi người dân hai bên đường được hưởng lợi từ quỹ đất thế là Nhà nước cũng chả được gì ngoài bộ mặt đô thị. Mà bộ mặt đô thị cũng chưa đến đầu đến đuôi là vì dân người ta tự xây mình chưa kiểm soát được. Nhưng cái quan trọng hơn là cái giá trị nhà của người ta.

Trước khi làm đường ông chỉ bán 5 chỉ vàng/m2, bây giờ ra mặt đường thì 5 cây, thậm chí 50 cây vàng/m2. Cái chênh lệch đó phải điều tiết lại cho nhà nước.

Theo chương trình phát triển đô thị đến năm 2020 thì cả nước có tổng số 940 đô thị, làm sao có thể thực thi được chương trình này?

Các đô thị khác cũng phải vận dụng phương châm “lấy mỡ nó rán nó”. Các địa phương phải cụ thể hóa bằng quy hoạch chung của địa phương mình. Trước khi có quy hoạch chung thì phải có quy hoạch vùng, tỉnh, huyện để xác định hệ thống đô thị trong phạm vi mình quản lý và khi có được cái đó rồi thì lập quy hoạch chung. Nhưng để thực thi được, phải lấy cơ chế xã hội hóa đầu tư làm chính.

Chỉ những gì mà tư nhân không đầu tư, như công trình, hạ tầng, kỹ thuật, đầu mối, công trình lợi ích cộng đồng, do không có khả năng thu hồi vốn và sinh lời, thì nhà nước mới đứng ra.

Như vậy, thì các khu đất có tính thương mại cao, phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Cái này phải công khai để tạo nguồn thu cho đô thị, mới có nguồn lực để làm, chứ không thể trông chờ vào tiền ngân sách.

Cảm ơn ông.

Ngọc Mai

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.