Theo TS. Lê Mai Lan, Phó chủ tịch tập đoàn Vingroup, các ĐH nổi tiếng thế giới tuyển chọn sinh viên rất ngặt nghèo. Bà Lan lấy ví dụ như với 8 ĐH Ivy Langue của Mỹ (cả 8 trường này đều có mặt trong top 15 trường có xếp hạng cao nhất Hoa Kỳ), tỷ lệ sinh viên đỗ vào các trường này rất thấp và ngày càng giảm.
Năm học này, ĐH Harvard có 39.041 đơn xin nhập học nhưng chỉ được chấp nhận 2037 đơn, ĐH Cornell có 44.966 ứng viên nhưng chỉ có 6.277 ứng viên đặt chân được vào ngôi trường này.
Các trường ĐH nổi tiếng đánh giá ứng viên bằng tiêu chí: học thuật và con người ứng viên. Mỗi tiêu chí này chiếm tỷ trọng 50%. Về học thuật sẽ là điểm số của các bài thi SAT, ACT và kết quả học tập. Tuy nhiên, có trường hiện nay đã hạ số điểm thi SAT hoặc ACT và tăng chỉ số nghệ thuật.
Yếu tố cá nhân con người được các trường đặc biệt coi trọng. Nó được thể hiện qua bản giới thiệu về bản thân, qua thư giới thiệu, qua phỏng vấn…Bà Lê Mai Lan khẳng định, đối với những ĐH tinh hoa của Mỹ thì điều quan trọng nhất đối với họ khi đi tìm ứng viên là tính sáng tạo và sự đa dạng. Họ tìm những người trẻ, có tầm nhận thức cao. Bà Mai Lan cho biết những trường này học phí không thấp, tuy nhiên nó mới chỉ chiếm gần 50% chi phí đào tạo. Còn đóng góp của Chính phủ khoảng 25%, từ nghiên cứu khoa học khoảng 9% và từ các nguồn tài trợ chừng 20%.
Khó chọn người tài
Chia sẻ tại hội thảo, nhà báo Anh Ngọc cho biết, cách đây 20 năm đang là sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội, anh nhận được học bổng sang du học tại trường ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Lúc đó, NTU chưa nổi tiếng như hiện nay.
Tuy nhiên, anh thấy học ở NTU 6 tháng bằng học ở Việt Nam 5 năm. Sinh viên lên lớp chỉ để nghe giảng viên hướng dẫn những thứ cần thiết, ví dụ giảng viên sẽ đưa ra một danh sách khoảng 40 đầu sách, sinh viên sẽ phải đọc, nghiên cứu trong 6 tháng. Còn lại, tất cả đều được giao bằng các bài tập thực tế.
Nói về những thách thức khi đào tạo người tài, phát triển ĐH tinh hoa tại Việt Nam, GS. Mai Trọng Nhuận, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, ở các nước phát triển, làm việc này rất tốt nhưng làm thế nào để “nhúng” tất cả vào trường văn hóa của Việt Nam. “Ở nước ta, phàm cái gì mới, lại ít thì càng khó triển khai” – GS. Mai Trọng Nhuận nói.
Theo ông, giữ chân người tài tlà chuyện khôn đơn giản. Ở Việt Nam, học phí càng cao lại càng khó chọn người tài. Hơn nữa, không phải chỉ đào tạo để họ trở thành người tài, mà quan trọng là phải dạy cho họ biết làm thế nào để bảo vệ được“mình khi ra ngoài cuộc sống. “Để người tài ra phát huy được là cả câu chuyện về thể chế, môi trường.
Vì thế, ĐH tinh hoa ở Việt Nam cũng cần đào tạo cho sinh viên kỹ năng không để mình bị thui chột trong mọi hoàn cảnh. Tài năng sẽ bị bóp chết trong môi trường bị đè nén. Thiếu môi trường tinh hoa sẽ không có sản phẩm tinh hoa” – GS. Mai Trọng Nhuận nhắc nhở.
ThS. Lê Đình Hiếu, Thủ khoa người Việt đầu tiên tại ĐH UCLA,Mỹ cho rằng, từ trải nghiệm của bản thân có thể thấy, các trường ĐH nước ngoài đã xây dựng được cho sinh viên môi trường an toàn để mọi người dám thừa nhận sự yếu kém, dám thử nhiều điều. Còn ở Việt Nam chưa xây dựng được điều này trong các trường ĐH.