Phát triển con người toàn diện
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đủ phẩm chất, năng lực làm chủ bản thân, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc... tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng Chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất trên thế giới, cụ thể: năm 2019: 0,703; năm 2020: 0,706; năm 2021: 0,726 và năm 2022: 0,73711. Điều đó cho thấy, sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày càng vì sự phát triển của con người.
Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tiếp tục khẳng định việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, với bốn giá trị cốt lõi là trí - đức - thể - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong xây dựng văn hóa, phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm”.
Đảng, Nhà nước định hướng về phát triển con người Việt Nam toàn diện. Ảnh: Như Ý |
Con người Việt Nam thời kỳ đổi mới rất cần một môi trường văn hóa phù hợp để phát triển. Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng môi trường văn hóa cơ sở giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch đề cập các nhiệm vụ chủ yếu gồm: tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, khu dân cư, nông thôn, đô thị, cơ quan công sở, doanh nghiệp… lành mạnh, phong phú với những giá trị nhân văn, tiến bộ.
Lãnh đạo Bộ VHTTDL nhấn mạnh việc nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa hệ giá trị gia đình phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Ảnh: Nhật Minh. |
Tháng 5/2024, Bộ VHTTDL tiếp tục ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp thực hiện tuyên truyền về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người việt nam trong thời kỳ mới. Văn bản nhấn mạnh nhiệm vụ của từng đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL.
Cuối năm 2024, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại một số địa phương về đẩy mạnh các giải pháp thực hiện, tuyên truyền triển khai về các hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Lương Đức Thắng nhấn mạnh, công tác xây dựng văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Để triển khai thực hiện hiệu quả các hệ giá trị cũng như công tác tuyên truyền, ông Lương Đức Thắng cho biết cần làm rõ nội hàm của các hệ giá trị. Cùng với đó, phát triển những thành tố của hệ giá trị sao cho phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
Môi trường văn hóa làm nên con người văn hóa
PGS.TS. Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - phân tích, ở mọi thời đại, mọi quốc gia, dân tộc và mọi nền văn hóa, sự phát triển hay diệt vong đều có nguồn gốc từ yếu tố con người.
Con người là chủ thể sáng tạo, là trung tâm, là yếu tố quyết định các giá trị do chính con người tạo lập và cũng chính con người là tác nhân hủy hoại những giá trị đó. Vì vậy, xây dựng văn hóa con người Việt Nam là yếu tố then chốt, sống còn, lâu bền trong chiến lược xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Bối cảnh đương đại là xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ do sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách mạng này tạo ra những thách thức chưa từng có đối với mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và với mỗi cá nhân.
Văn hóa con người Việt Nam từ trước đến nay đã được nhận diện và khái quát thành hệ giá trị con người Việt Nam với những đặc tính ưu việt là: yêu nước, cần cù sáng tạo trong lao động, đoàn kết trong đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ, khéo léo, dễ thích ứng trong lao động và hội nhập... Tuy nhiên, những giá trị trên mang tính phổ quát nhiều hơn.
Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập cần cụ thể hóa bằng việc gắn những giá trị chuẩn mực phù hợp của gia đình, quốc gia, kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại. Đó là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phải được cụ thể hóa trong cuộc sống bằng những yêu cầu về chuẩn mực hành vi của mỗi công dân với trách nhiệm xây dựng đất nước, xây dựng hình ảnh văn hóa con người Việt.
Văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ảnh: Duy Phạm |
PGS.TS Phạm Văn Dương nhấn mạnh: “Đảng và Nhà nước phải trở thành nhân tố then chốt - quyết định trong việc hình thành và phát triển hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam, làm động lực nội sinh mạnh mẽ cho việc thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam phải được cụ thể hóa thành các tiêu chí, mục tiêu phấn đấu của mỗi con người, mỗi cộng đồng, tộc người, trở thành niềm kiêu hãnh, sức mạnh và khả năng đề kháng, miễn dịch trước những tác động của toàn cầu hóa và nô dịch văn hóa”.
Theo chuyên gia, con người Việt Nam trong bối cảnh mới cần có năng lực và bản lĩnh song hành để có thể đương đầu với những thách thức, khó khăn trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Để có sự thay đổi căn bản, triệt để, lâu dài trong xây dựng hệ giá trị, thì giải pháp căn cốt nhất phải chính từ phía Nhà nước, từ các thể chế quan trọng đang chi phối, điều tiết, vận hành xã hội và quốc gia.
Hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam là sản phẩm trực tiếp của môi trường sống liên quan đến tổng thể các điều kiện kinh tế, văn hóa, giáo dục, pháp luật, tôn giáo... Do vậy, trước hết cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - "nền tảng vật chất" của kiến trúc thượng tầng, trong đó có văn hóa và cùng với đó là hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị con người.
Gia đình là môi trường đầu tiên vô cùng quan trọng đưa con người vào quá trình nhập thân văn hóa, tạo dựng nhân cách con người. Các giá trị trong gia đình được xác lập tốt, thì hệ giá trị toàn xã hội mới tốt. Cần củng cố các giá trị trong gia đình qua nền nếp, gia phong, truyền thống gia đình, qua hành vi, ứng xử, nếp sống, qua tấm gương của ông bà, cha mẹ đối với con, cháu. Không được phó mặc, khoán trắng việc dạy dỗ con cái cho nhà trường và xã hội.
Nhà trường cũng là một môi trường quan trọng có ảnh hưởng đến việc giáo dục và xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người. Do vậy, cần tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hành động về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm hình thành những con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó chú trọng cả "dạy chữ" và "dạy người", kết hợp tốt việc "dạy người" thông qua việc "dạy chữ" và "dạy nghề", tập trung là dạy các giá trị văn hóa và rèn luyện các giá trị con người.
Con người Việt Nam trong bối cảnh mới cần có năng lực và bản lĩnh song hành để có thể đương đầu với những thách thức, khó khăn trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Ảnh: Dương Triều |
Giải pháp đồng thời được đề xuất là chú trọng giáo dục trí, đức lồng ghép với giáo dục nghệ thuật, giáo dục thể chất. Người dạy phải là tấm gương, người học phải thực hành các giá trị văn hóa, con người, nhất là về đạo đức, lối sống, góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái văn hóa học đường hiện nay. Trường học phải trở thành nơi học để "làm người" và "thành người".
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Tạ Quang Đông khẳng định, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là nền tảng để phát triển xã hội, phát huy sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam. Vì vậy trước hết đầu tiên rất cần có vai trò điều tiết của các cơ quan quản lý văn hóa.
“Bộ VHTTDL đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để hiện thực hóa các quan điểm, hoàn thiện thể chế, tháo nút thắt trong quản lý các lĩnh vực VHTTDL, đồng thời tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều Chiến lược phát triển văn hóa, các luật chuyên ngành”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.