Xây dựng chính quyền đô thị là đòi hỏi của thực tiễn

Xây dựng chính quyền đô thị là đòi hỏi của thực tiễn
TP - Việc TP Đà Nẵng đề xuất xây dựng chính quyền đô thị nhắc đến vấn đề lớn hơn, đòi hỏi những cơ chế mới cho việc xây dựng chính quyền địa phương phù hợp xu hướng phát triển.

> Đề án 'Chính quyền đô thị' của Đà Nẵng được đánh giá cao

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật & Phát triển (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) cho biết như vậy. 

TS Hoàng Ngọc Giao
TS Hoàng Ngọc Giao.

Mới đây UBND TP Đà Nẵng đề xuất cần có những quy định mới và cụ thể về mô hình chính quyền địa phương, trong đó phân biệt chính quyền đô thị với nhiều đặc trưng. Ông đánh giá thế nào?

Câu chuyện này tôi nghĩ không chỉ là đề xuất của Đà Nẵng về xây dựng chính quyền đô thị, mà nhìn rộng hơn, vấn đề đặt ra là về việc xây dựng chính quyền địa phương theo cơ chế mới trên tinh thần hoàn thiện bộ máy nhà nước. Cụ thể, nó liên quan vấn đề quyền hạn của chính quyền địa phương và mức độ phân cấp, phân quyền của trung ương sẵn sàng như thế nào cho địa phương.

Thực tiễn cho thấy, tất cả những thành phố lớn như Đà Nẵng ngày càng phát triển nhanh nên cách thức tổ chức bộ máy chính quyền cũng đang đòi hỏi phải có sự thay đổi. TPHCM từng nghiên cứu và có những ý tưởng đề xuất như vậy và ngay như chuyện Hà Nội muốn có Luật Thủ đô cũng phản ánh những đòi hỏi tương tự. Vì vậy, đề xuất của Đà Nẵng không nằm ngoài đòi hỏi thực tiễn.

Theo ông, đâu là những khó khăn mà Đà Nẵng sẽ đối mặt trong quá trình thực hiện đề án chính quyền đô thị?

Đầu tiên là nhân lực, chúng ta phải làm sao để cấp cơ sở, cấp phường, xã có năng lực mạnh mẽ, từ đó tính đến chuyện phân cấp, phân quyền cho họ rõ ràng hơn. Điều này chắc chắn sẽ bớt được sự cồng kềnh của bộ máy rất nhiều.

Về phía cơ quan dân cử, việc bỏ HĐND cấp cơ sở cũng xuất phát từ thực tế là chúng ta thấy HĐND ở các cấp dưới có thể nói là hoạt động rất hình thức, mặc dù ý tưởng là thông qua HĐND để giám sát hoạt động của UBND, nhưng trên thực tế điều đó không đạt được.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, đề xuất chỉ cần HĐND cấp tỉnh, thành phố trước mắt là có thể nhưng vai trò của HĐND cấp tỉnh, thành phố cũng phải mạnh lên, giám sát, theo dõi UBND cần phải mạnh mẽ hơn mà ở đây như Đà Nẵng đề xuất là HĐND có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với thị trưởng.

Ở chỗ này, điều quan trọng nhất là tất cả quyền hạn, trình tự thủ tục để bỏ phiếu tín nhiệm hoặc bất tín nhiệm đối với thị trưởng phải công khai, minh bạch. Còn nếu không thì ý tưởng này cũng chỉ dừng lại ở quyết tâm chính trị mà thôi. Vì vậy, những tranh luận này, tôi nghĩ cần phải có thêm sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước.

Sửa đổi Hiến pháp

Có một thực tế là thời gian qua, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương cũng gây ra nhiều lo ngại liên quan cấp phép sân golf, khai thác khoáng sản, cho thuê đất trồng rừng… ông nghĩ sao?

Nhiều người vẫn lập luận là nếu bên dưới chưa đủ năng lực thì làm sao phân cấp, phân quyền được, hoặc lo ngại nếu phân cấp, phân quyền nhiều thì với cơ chế kiểm soát như của chúng ta hiện nay, rất có thể xảy ra sự lạm quyền. Nhưng theo tôi, lỗi là ở chỗ chúng ta phân cấp, phân quyền không cụ thể và quy trình kiểm tra, giám sát bên trong và bên ngoài không có hoặc là rất yếu.

Còn chuyện năng lực của cán bộ ở cấp địa phương thì không thể vì lo người ta năng lực yếu mà không phân cấp, phân quyền. Trung ương chưa cho họ cơ hội thể hiện thì làm sao lại nói ngay là các địa phương đó không có đủ năng lực được.

Về mặt nội dung, cũng phải xác định những mảng, lĩnh vực nào thì thành phố có thẩm quyền quyết, những lĩnh vực nào thì trung ương quyết. Cùng là ngân sách cả nhưng cấp thành phố quyết định ngân sách cho những vấn đề gì, cấp phường quyết những vấn đề gì hay cùng là việc phát triển đầu tư, hạ tầng kinh tế xã hội… thì việc phân cấp, phân quyền cũng phải hết sức rõ ràng.

Một yêu cầu nữa là phải có cơ chế theo dõi, đánh giá, kiểm soát bên trong và bên ngoài. Bên trong là dọc theo hệ thống chính quyền của Nhà nước, các cơ quan thanh tra. Bên ngoài là các tổ chức xã hội, báo chí và cơ quan dân cử…

Hiến pháp và các văn bản chưa phân định rõ địa vị pháp lý giữa chính quyền đô thị và chính quyền địa phương. Ông nghĩ sao về vướng mắc này?

Chúng ta muốn tổ chức lại chính quyền địa phương thì rõ ràng câu chuyện nằm trong cả Hiến pháp. Tôi hy vọng lần này một trong nhiều điểm cần phải sửa đổi trong Hiến pháp sắp tới sẽ có câu chuyện về chính quyền địa phương. Kết quả của việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường cũng sẽ là căn cứ quan trọng để nghiên cứu và áp dụng trong quá trình sửa đổi Hiến pháp tới đây.

Nhiều học giả đã bắt đầu bàn đến câu chuyện Hiến pháp có thể phải chỉ rõ chính quyền địa phương chỉ cần hai cấp thôi, chỉ rõ thiết chế HĐND sẽ như thế nào…Trong thực tế hiện nay, HĐND mặc dù là cơ quan dân cử nhưng HĐND và UBND vẫn là cơ quan chính quyền địa phương, như vậy vẫn đặt dưới sự theo dõi và lãnh đạo của Chính phủ, điều này xem ra là “có vấn đề”.

Tôi cũng mong rằng, những điều chỉnh về tổ chức bộ máy cũng như thẩm quyền của chính quyền địa phương thể hiện trong Hiến pháp sửa đổi sắp tới sẽ giúp tăng tính trách nhiệm và tính chất minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương.

Cảm ơn ông.

Cao Nhật

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG