Sáng 9/12 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI của Mỹ giao dịch mức 72 USD/thùng, dầu Brent giao dịch mức 76,1 USD/thùng, mức thấp nhất trong năm. So với tuần trước, giá dầu thế giới đã giảm khoảng 10 USD/thùng, với 6 phiên giảm liên tiếp.
Dữ liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, trên thị trường Singapore, giá xăng A92 là 87,26 USD/thùng, xăng A95 là 91,3 USD/thùng, dầu diesel là 115,8 USD/thùng. Mức giá này thấp hơn bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá 21/11 và 1/12 (ở mức 89,3 USD/thùng với xăng RON92 (dùng để pha chế xăng E5RON92), 94 USD/thùng xăng RON95 và 117,6 USD/thùng dầu diesel).
Theo các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, nếu đà giảm của giá xăng dầu thế giới tiếp tục duy trì, trong kỳ điều hành ngày 11/12, cơ quan quản lý chắc chắn sẽ giảm giá bán lẻ xăng, dầu trong nước. Mức giảm tùy thuộc vào việc trích lập quỹ bình ổn giá (BOG) và diễn biến giá dầu thế giới trước ngày điều chỉnh. Nếu đúng dự báo, xăng dầu có lần giảm giá thứ 3 liên tiếp.
Giá xăng dầu trong nước dự báo giảm trong thời kỳ điều hành sắp tới? |
Tại cuộc họp về Công tác chuẩn bị Tết và Bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023 ngày 8/12, thông tin về tình hình nguồn cung xăng dầu trong dịp Tết, ông Trịnh Quang Khanh - Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - cho biết, đến nay Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sản xuất bình thường và đáp ứng được hợp đồng kinh tế với thương nhân đầu mối. Cộng thêm nguồn nhập khẩu được các doanh nghiệp tuân thủ theo đúng hạn ngạch được phân giao, cơ bản nguồn hàng được đảm bảo trong dịp Tết.
"Qua các kênh thông tin với doanh nghiệp, việc tổ chức bán hàng tại các cửa hàng xăng dầu vào dịp Tết sẽ được duy trì bán hàng bình thường. Một số cửa hàng đã có báo cáo và xin nghỉ bán hàng trong đêm và sáng mùng 1 Tết âm lịch nhưng sẽ mở cửa sau 11h. Các đơn vị cũng đã có phương án đảm bảo phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho người dân chơi Tết”, ông Khanh nói.
Dù nguồn cung năm nay tạm yên tâm, song theo ông Trần Phước Hiền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ thực hiện bảo dưỡng lớn vào năm sau nên dự kiến sẽ giảm sản lượng từ 1-1,2 triệu m3. Nhà máy hiện chạy công suất trên 110%, có thể cung ứng đến hết quý 1/2023, nhưng lo ngại nhất là nguồn đầu vào, nhập khẩu nguồn dầu thô phục vụ sản xuất trong nước đang rất khó khăn.
Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng, hiện các nước châu Âu áp giá trần với xăng dầu của Nga nên có thể dẫn tới giảm sản lượng, nguồn cung và việc nhập khẩu khó khăn hơn. Trong khi Việt Nam chỉ nhập khoảng 20 - 25% nguồn xăng dầu từ bên ngoài, nên không được các nước ưu tiên trong cung cấp nguồn hàng.
"Mặc dù nguồn cung được đảm bảo vào cuối năm nhưng chúng ta bị phụ thuộc nhập khẩu, nên trong đầu năm tới các doanh nghiệp cần hết sức chú ý, cần có phương án chuẩn bị, đặc biệt khi các nhà máy xăng dầu bảo dưỡng theo định kỳ", ông Hải nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt dự trữ, lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao. Dự kiến tháng 5, tháng 6 Lọc dầu Bình Sơn bảo dưỡng định kỳ nên phải có kế hoạch nhập khẩu.
Năm 2023, Bộ Công Thương sẽ áp dụng công nghệ quản lý, kết nối từ doanh nghiệp đầu mối đến phân phối, cửa hàng bán lẻ... để kiểm soát tình hình kinh doanh xăng dầu từ Bộ tới cơ sở bán lẻ.