Lãng phí, sai phạm trong sử dụng đất đai
Theo ông Hồ Đức Phớc, những hạn chế về quản lý đất đai đã được nghị quyết trung ương chỉ rõ, điển hình như việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong lĩnh vực quản lý đất đai còn lớn.
Tổng kiểm toán lấy ví dụ về sự bất cập của chính sách trong áp dụng phương pháp xác định giá đất. Theo quy định hiện hành có 5 phương pháp xác định giá đất nhưng lại không bắt buộc áp dụng phương pháp nào, do đó các cơ quan quản lý tùy tiện áp dụng các phương pháp khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau. Các phương pháp khác nhau chênh lệch nhau hàng chục lần giá trị. Vì vậy đây là lỗ hổng dễ bị lợi dụng để trục lợi làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Ông Phớc nhấn mạnh: Việc hoàn thiện pháp luật về đất đai rất quan trọng, trong đó hoàn thiện phương pháp xây dựng giá đất là vấn đề cốt lõi để bịt chỗ hổng thất thoát lãng phí.
Ông Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và hải quan (Học viện Tài chính) cho rằng, thực tế giá đất được quy định trong khung giá đất và giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định quá thấp, không phù hợp với giá thực tế trên thị trường và trái với nguyên tắc xác định giá đất theo Luật Đất đai 2013. Ông dẫn chứng, giá đất tối thiểu theo khung giá đất tại Hà Nội và TPHCM là 1,5 triệu đồng/m2 và tối đa 162 triệu đồng/m2. Trong khi thực tế giá giao dịch thị trường tại 2 thành phố này cao hơn gấp nhiều lần, có mảnh đất được rao giá 1 tỷ đồng/m2.
Ngăn chặn cách nào?
Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn 2014 - 2018, dù Luật Đất đai 2013 ra đời, song sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp ở hầu hết các nội dung và cấp quản lý. Các mức độ vi phạm diễn ra từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, kéo dài và chậm bị xử lý gây hậu quả lớn về kinh tế và xã hội. Điển hình như vụ việc Út “trọc”, Vũ “nhôm”, Thủ Thiêm… Và tới đây chắc sẽ còn nhiều vụ án nữa liên quan tới đất đai.
Ông Ánh cho rằng, những sai phạm nằm trong 10 hành vi nêu tại Luật Đất đai đều là sự cố tình chứ không có nguyên nhân khách quan. Trong đó, có ba nhóm sai phạm diễn ra nặng nề nhất theo ông Ánh là sử dụng, giao đất không đúng mục đích và không qua đấu giá.
TS Vũ Đình Ánh đánh giá việc sử dụng đất kinh doanh trái pháp luật, tự ý chuyển đổi quyền sử dụng đất, xác định giá chưa đúng là những sai phạm gây tổn thất nhiều nhất cho phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Giải pháp ngăn chặn các sai phạm đang tồn tại, theo TS Vũ Đình Ánh, cần bịt những lỗ hổng pháp lý đã và đang tạo điều kiện phát sinh vi phạm, thậm chí tránh né sự trừng phạt của pháp luật.