Một bên là sự sát hại động vật công khai, dã man; một bên là tín ngưỡng, truyền thống văn hóa. Các lễ hội kiểu này khiến dư luận hoang mang. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chỉ ra bản chất của hiện tượng: “Chúng ta đã trót phục dựng quá nhiều lễ hội không còn phù hợp với ngày nay nữa…
Đặc biệt, khi các nhà khoa học đều cổ súy phải tôn trọng ý kiến của chủ thể văn hóa, của cộng đồng thì còn gì để nói! Xã hội buộc phải chấp nhận những hành vi vốn rất thịnh hành ở thời trung cổ, thời phong kiến.” Lại nhớ vài thập kỷ trước, dân ta chả kiêng dè gì phá đền chùa, nay bỗng dưng quay ngoắt một mực tuân theo những tục lệ cổ xưa. Hai cách ứng xử xem ra đều nhuốm màu cực đoan.
Con người vẫn mắc kẹt giữa hai thế giới âm và dương. Kiệu mà không bay thì thánh lại không thiêng (?) Thiêng quá thánh lại đâm… mang tiếng. Quanh chuyện nhằm kính ô tô mà đâm, một người dân Xuân Đỉnh, Hà Nội phát biểu qua báo chí: “Đã là thánh thần thì phải mang điều tốt đẹp tới cho người dân chứ… Tôi nghĩ, một số người đã lợi dụng lễ hội, lợi dụng tâm linh để làm việc không hay”.
Cõi nào có luật của cõi đấy. Rước kiệu phá hỏng đồ dân, ban tổ chức lễ hội phải đền là lẽ đương nhiên. “Chơi” với cõi vô hình không đơn giản, vì người trần không thể phân biệt đâu là thánh, đâu là ma. Luôn là liều lĩnh khi tự tước bỏ quyền làm chủ cõi sống của mình, để thế lực vô hình điều khiển. Mới đây, một bà mẹ ở TPHCM đã “vô tình” giết con trong buổi hành lễ tại gia. Vì bà và những người tham gia tin cậu bé 15 tuổi sẽ được thánh làm sống lại sau khi bị 4 người dùng dây siết cổ.