Tại hội thảo khoa học nhân 45 năm sự kiện "Điện Biên Phủ trên không" do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng nay, thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Trợ lý tên lửa Cục tác chiến, kể lại đêm đầu Hà Nội đối mặt với B52 trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972.
Cuối năm 1972, nhiều tin tức tình báo quân sự cho thấy Mỹ đang tập trung lực lượng để thực hiện các cuộc tấn công nhằm nắm thế chủ động trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.Tình hình căng thẳng, Cục tác chiến được yêu cầu trực 24/24h ở dưới hầm T1. Căn hầm nằm sâu trong hoàng thành Thăng Long, là nơi đầu tiên tiếp nhận thông tin quân sự. Giữa mùa đông giá rét, hầm vẫn "nóng hầm hập" vì tin tình báo từ các chiến trường liên tục gửi về.
Tướng Ninh kể lại đêm đầu tiên trọng trận "Điện Biên Phủ trên không".
Tướng Ninh kể, trong chiến dịch Linebacker (tháng 4-10/1972), lần đầu tiên Hải Phòng bị B52 rải thảm vào ngày 16/4. Các trung đoàn tên lửa bắn 93 phát nhưng không trúng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất lo, gọi Tư lệnh Quân chủng Phòng không Lê Văn Tri lên giao nhiệm vụ "Sắp tới B52 sẽ đánh mạnh. Ta cần tổ chức hiệp đồng binh chủng lớn" và giao Bộ Tổng tham mưu họp chuyên đề riêng, tìm cách đánh B52.
Đến tháng 9/1972, qua thời gian nghiên cứu, Quân chủng tìm ra cách đánh B52 và tổ chức huấn luyện cho kíp chiến đấu chỉ một tháng sau đó. Song, thắng lợi của cuộc chiến cũng phải nhờ đến tin tức chính xác của lực lượng tình báo.
Trưa 18/12, cơ quan tình báo phát hiện ở phía đông Philippines, hàng chục máy bay tiếp dầu cho B52. Tin tình báo báo về B52 cùng các máy bay chiến thuật khác sẽ đánh vào Hà Nội ngay trong buổi tối.
Gần 19h ngày 18/12, trạm radar của Trung đoàn 291 đóng ở phía tây Nghệ An là nơi đầu tiên phát hiện B52 bay vào, phát tín hiệu về trung tâm tác chiến. Thông báo nêu rõ "B52 đang hướng Hà Nội bay tới".
Cùng lúc, cán bộ Cục tình báo hớt hải chạy sang "Ninh ơi, B52 nhiều tốp từ Guam bắt đầu bay vào rồi, chúng hướng miền Bắc". Ông Ninh điếng người, nghĩ đến B52 hơn 80 tấn mỗi chiếc, mỗi quả bom ném xuống đào được cái hố to hơn cả giếng làng. Trời rét mà người ông vã mồ hôi vì ớn lạnh.
Khoảng 19h cùng ngày, ông nhấc điện thoại trực tuyến, cảm thấy "nhiều năm đánh Pháp, đánh Mỹ cộng lại cũng chưa bao giờ hai vai nặng trĩu như lúc này". Báo cáo xong với Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông xin phép kéo còi báo động cho thành phố sớm hơn quy định.
Tướng Giáp giao ông báo tin ngay cho Quân chủng Phòng không Không quân, các quân khu và báo động phòng không cho nhân dân toàn thành phố biết. Cứ 5 phút một lần, kíp trực phải báo cáo tình hình cho Bộ Tổng tham mưu. Trực ban trưởng Trần Độ thông báo cho lãnh đạo Bộ Chính trị bên Hầm D67 qua hệ thống micro trực tuyến.
Còn ông Ninh đến góc phòng trực ban tác chiến, ấn chiếc còi báo động màu đỏ. Chiếc còi kết nối với hệ thống còi lớn đặt trên nóc Hội trường Ba Đình. Nhận được tín hiệu, còi báo động phòng không ở Nhà hát lớn, Bưu điện, nhà ga... đồng loạt rú vang, nhắc nhở người dân nhanh chóng xuống hầm trú ẩn.
"Lúc đó, tôi dùng hết sức để nhấn chiếc còi, trong lòng như có lửa đốt, muốn hét to Đồng bào ơi, đồng bào ơi, xuống hầm nhanh", ông Ninh nhớ lại.
Còi ấn xong, một loạt điện thoại trong hầm T1 réo vang. Có lãnh đạo cấp cao hỏi "Tập hay báo động thật?". Tổ trực ban chỉ kịp trả lời "Mời đồng chí xuống hầm", rồi cúp máy.
Ông Ninh nhớ lại, tình hình khẩn trương đến mức các lãnh đạo Bộ Chính trị trực tiếp xuống hầm chỉ huy giao nhiệm vụ. Liên lạc giữa hai hầm Tác chiến T1 và Hầm chỉ huy D67 thông suốt từ chập tối hôm đó đến sáng hôm sau.
19h40, dàn pháo đài bay B52 đồng loạt trút bom xuống Hà Nội và vùng phụ cận. Cả thủ đô rung chuyển. Các khu công nghiệp, kho tàng, khu đông dân cư, trận địa phòng không ở Đông Anh, Yên Viên, kho xăng Đức Giang, Bệnh viện Bạch Mai, Đài Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì… đều bị trúng bom.
Bom ném xuống, pháo cao xạ, tên lửa bắn lên, lưới lửa phòng không sáng rực cả bầu trời Hà Nội. Trong hầm, điện thoại réo vang. Ai nấy mồ hôi ướt đầm, thấp thỏm vì chưa nhận được tin tức về B52.
Còi báo động phòng không những năm Mỹ ném bom Hà Nội
Khoảng 20h18, đài quan sát trên đỉnh Cột cờ báo có đám cháy lớn ở phía bắc. Cùng lúc đó, kíp trực nhận được thông tin pháo phòng không bắn rơi một chiếc B52 ở Đông Anh. Căn hầm như muốn nổ tung vì vui sướng. Nhưng Cục trưởng Tác chiến Hữu Long nói to "Phải kiểm tra lại đã, đừng đưa tin B52 bị bắn rơi vội". Cục Tác chiến còn có nhiệm vụ xác định máy bay rơi, công bố lên đài.
Ông Phùng Thế Tài bảo với ông Ninh, bây giờ trời tối đen, đang lo đánh mà đi thì cũng không thấy gì. Sáng mai mấy anh em đi thật sớm xác định rồi về báo cáo Bộ Chính trị.
Sáng hôm sau, chiếc Mi-8 đưa 4 người sang Phủ Lỗ. Khi trực thăng đáp xuống cánh đồng, người dân đang túm tụm xem xác máy bay. Khi trông thấy phù hiệu B52, cả nhóm kiểm tra thật kỹ rồi về báo cáo Bộ Chính trị, còn không kịp lấy mảnh xác máy bay nào.
Theo tướng Ninh, sau này thống kê từ đêm 18/12 đến rạng sáng hôm sau, 90 lần chiếc B52 và 135 lần máy bay chiến thuật của không quân Mỹ đã đánh ba đợt vào Hà Nội, 28 lần máy bay chiến thuật của Hải quân Mỹ rải bom Hải Phòng và vùng lân cận. Tên lửa Hà Nội bắn rơi ba chiếc B52, trong đó hai chiếc rơi tại chỗ.
Tháng 12/1972, đàm phán bốn bên tại Hội nghị Paris bế tắc. Tổng thống Mỹ Nixon dọa "sẽ đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá".
Từ tối 18 đến 29/12, Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker 2, đánh thẳng vào trung tâm đầu não của Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Không quân và Hải quân Mỹ huy động 193 máy bay chiến lược B52 và gần 1.000 máy bay chiến thuật các loại. Liên tục 12 ngày đêm, B52 rải hơn 20.000 tấn bom nhằm hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc.
Cuộc không kích không làm thay đổi được lập trường của lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa về nội dung Hiệp định Paris. Ngày 30/12/1972, Nixon đã phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch, nối lại đàm phán Paris.
Theo thống kê từ phía Việt Nam, 34 chiếc B52 của Mỹ bị bắn hạ trong tổng số 81 máy bay rơi, 43 phi công chết, 44 người bị bắt làm tù binh. Cuộc không kích khiến 2.380 dân thường thiệt mạng, hơn 1.300 người bị thương.