Trình Quốc hội hai phương án xử lý tài sản chưa rõ nguồn gốc

TP - Đối với việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, ban soạn thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi ) sẽ trình Quốc hội hai phương án
Trình Quốc hội hai phương án xử lý tài sản chưa rõ nguồn gốc ảnh 1 Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo. (Ảnh: TH)
Tại buổi họp báo chiều 18/10, liên quan đến Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) dự kiến được thông qua tại kỳ họp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật cho biết, với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý, lần này sẽ đề xuất 2 phương án trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Cụ thể, phương án 1 được quy định theo hướng, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định. Phương án 2, trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền để thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Theo ông Luật, qua tham khảo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, họ cũng xác định, đây là loại thu nhập tăng thêm và trước tiên người kê khai phải nộp thuế, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào đó để thu. Sau đó, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xác minh nguồn gốc tài sản, thu nhập, nếu do tham nhũng mà có hoặc đó là tài sản bất minh thì sẽ tiếp tục xem xét, xử lý theo Luật Hình sự.

Hai luồng ý kiến cấp hàm giám đốc công an tỉnh

Đối với Luật Công an nhân dân (sửa đổi), theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, hiện dự thảo trình Quốc hội xem xét vẫn có một số quy định còn nhiều ý kiến khác nhau như quy định về công an xã, thị trấn chính quy; về vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là trung tướng; về cấp bậc hàm đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh.

Trong đó, về cấp bậc hàm đối với giám đốc công an cấp tỉnh, hiện nay có 2 loại ý kiến: Thứ nhất, đề nghị quy định giám đốc công an cấp tỉnh (trừ Giám đốc Công an thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh) có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá, vì trong quá trình xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2014 đã thống nhất quy định cấp bậc hàm của công an và quân đội ở cấp tỉnh, huyện là tương đương.

Loại ý kiến thứ hai cơ bản tán thành với quy định của dự thảo luật theo hướng mở hơn vì trong thời gian vừa qua Bộ Công an đã thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, không còn mô hình cấp Tổng cục mà tập trung phân cấp thẩm quyền và bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho công an cấp tỉnh.

MỚI - NÓNG