Tìm giải pháp chống ngập ở TPHCM: Cần một nhạc trưởng

TP - Nạo vét kênh rạch, làm hồ điều tiết, xây dựng các cống kiểm soát triều, sử dụng máy bơm tại các khu vực thấp trũng và cần có cơ chế chính sách thông thoáng thu hút các nguồn lực xã hội tham gia giải quyết bài toán chống ngập… là đề xuất của các chuyên gia tại Hội thảo “Tìm giải pháp chống ngập ở TPHCM” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 5/12.

Nghìn tỷ trôi sông…  

Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, nạn ngập nước ở TPHCM ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi bản chất, nguyên nhân của hiện tượng có thể vẫn chưa được nhìn nhận một cách toàn diện. Hàng chục năm qua TPHCM đã triển khai hàng loạt dự án chống ngập với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng đến nay ngập nước vẫn còn là nỗi ám ảnh kinh niên của người dân. 

Tìm giải pháp chống ngập ở TPHCM: Cần một nhạc trưởng ảnh 1 Ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong phát biểu tại hội thảo Ảnh: Phạm Thịnh

Ông Lê Xuân Sơn chỉ ra từ năm 1975, TPHCM tiếp quản hạ tầng kỹ thuật hệ thống thoát nước được phát triển dưới thời Pháp và chế độ cũ với chất lượng khá tốt so với nhiều đô thị trong cả nước lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cùng với thời gian, hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn do nạn xả rác và không được nạo vét, duy tu kịp thời. Hàng loạt kênh rạch bị san lấp, lấn chiếm, các ao hồ có chức năng điều tiết nước bị san lấp,… làm tình trạng ngập nước của TPHCM ngày càng nghiêm trọng hơn.

“TPHCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Các cơn mưa cực đoan có lượng mưa cực lớn xuất hiện ngày càng nhiều. Đỉnh triều cường năm sau cao hơn năm trước và hiện nay đã xác lập kỷ lục 1,71 m. Thành phố đang lún với tốc độ từ 3 đến 5 cm mỗi năm. Cơ sở hạ tầng phát triển không đồng bộ, quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập với các cao ốc, chung cư tiếp tục mọc lên ở trung tâm thành phố… càng làm bài toán chống ngập trở nên nan giải”, ông Sơn cho hay.

GS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật Thủy lợi TPHCM cho biết ngày 25/11 vừa qua, TPHCM hứng chịu một trận mưa khủng khiếp rải đều trên toàn thành phố với vũ lượng ngoài tưởng tượng, từ 300 đến hơn 400 mm, gây “ngập lụt thảm họa” trên 40 tuyến đường.
“Sáng 26/11 một cảnh tượng chưa từng thấy xảy ra ở TPHCM. Trên nhiều tuyến đường ô tô bị ngập chết máy nằm rải rác khắp nơi. Đến tối 26/11 mới cơ bản được cứu hộ hết. Tình trạng này làm bộc lộ những mặt kém cỏi của hệ thống chống ngập”, ông Niên nói.

Theo thạc sỹ Lê Văn Thành (Viện nghiên cứu phát triển TPHCM), đã đến lúc cần nhìn nhận và nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc để có những con số cụ thể về thiệt hại của tình trạng ngập nước đối với kinh tế - văn hóa - xã hội, đến tăng trưởng kinh tế và đời sống dân sinh.

Ông Thành cho hay kết quả nghiên cứu của ông chỉ ra nạn ngập nước gây ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 3 triệu người ở TPHCM với nhiều tổn thất hữu hình và vô hình, như cơ sở hạ tầng (kể cả hạ tầng ngầm) bị hư hỏng, nhà dân hư hỏng, công ăn việc làm đình trệ, thất thu trong kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch, tai nạn giao thông, bệnh tật, ô nhiễm…

“Đến nay chưa có ước tính tổn thất do ngập nước theo thời gian. Với tổng số khoảng 200 tỷ, đây cũng chỉ là ước tính mang tính chất gợi ý. Nhưng nó cho thấy một khoảng tổn thất lớn cần điều tra khảo sát để có số liệu chính xác. Ngoài những biện pháp công trình lớn thì hàng năm cần thống kê tính toán các tổn thất của xã hội do ngập gây ra”, ông Thành đề xuất.

Lắp đặt cống thoát nước không cần dựng “lô cốt”

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết, 63% diện tích TPHCM (1.331 km2) có cao độ dưới +1,5m, chịu tác động trực tiếp từ thủy triều biển Đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập. Tập đoàn Trung Nam, nhà đầu tư dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” đang nghiên cứu và sắp tới đề xuất thực hiện việc xây dựng hệ thống cống thoát nước bằng biện pháp thi công thiết bị khoan ngầm. Với giải pháp này, TPHCM sẽ không cần đào đường, dựng rào chắn gây cản trở giao thông như hiện nay. Hệ thống cống ngầm Trung Nam đang nghiên cứu đề xuất triển khai đã được áp dụng rất thành công ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Malaysia, Pháp…

“Cứu” TPHCM bằng nhiều giải pháp

Theo TS Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Môi trường, ngập úng ở TPHCM do nhiều nguyên nhân nhưng “thủ phạm” chính bao gồm thủy triều, lũ thượng nguồn và mưa. Bản chất chống ngập ở TPHCM là cần “dắt mưa ra ngoài và ngăn triều lũ tiến vào”.

“Không có giải pháp nào tối ưu nhất cho chống ngập TPHCM. Một khi chúng ta có những bài toán tổng hợp thiệt hại về kinh tế, xã hội… thì mới có giải pháp phù hợp cho bài toán chống ngập”, TS Lê Xuân Bảo cho hay.

Tìm giải pháp chống ngập ở TPHCM: Cần một nhạc trưởng ảnh 2 Dự án chống ngập 10.000 tỷ đang "chết lâm sàng" Ảnh: Phạm Thịnh

GS Nguyễn Ân Niên cho rằng thoát nước nội thị là yếu tố quyết định trong công tác chống ngập và thoát nước cho thành phố, trong đó không thể thiếu yếu tố bơm đối với những khu vực trũng thấp hoặc bị quá tải. Trong bối cảnh dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 sắp hoàn thành, ngay từ bây giờ TPHCM nên ưu tiên cho thoát nước nội thị và nạo vét kênh, rạch tiêu thoát nước sau các cửa xả.

“Do TPHCM đã quyết về chủ trương đầu tư bổ sung phần bơm cho dự án này nên khi triển khai các dự án nạo vét trục thoát nước không nên mở rộng để tạo dung tích trống dự trữ như trước đây nữa mà chỉ cần tính toán thiết kế theo yêu cầu tiêu thoát nước là đủ”, ông Niên đề xuất.
Chuyên gia này cho rằng với những vùng vẫn bị ngập do mưa dù có vận hành bơm thì cần bố trí thêm máy bơm lớn. Đối với các cống, kênh rạch chảy vào các trục thoát nước trong vùng dự án đã được lắp cửa ngăn triều một chiều thì phải rà soát xem cửa đã lắp có còn cần thiết nữa hay không. Riêng ở những nơi có cống thu gom nước thải để đưa về các trạm, nhà máy xử lý bắt buộc phải có cửa van ngăn triều một chiều.

Theo kỹ sư Nguyễn Trọng Dần, Hội Khoa học Kỹ thuật Máy thủy khí Việt Nam, việc sử dụng thiết bị bơm chống ngập cục bộ cho từng khu vực dân cư hay đường phố cụ thể sẽ là giải pháp tình huống cho giai đoạn trước mắt từ 10 đến 15 năm tới. Với độ cao địa hình TPHCM so với mốc là +1,65m, trong khi mức triều dâng trung bình là +1,35 m nên độ dốc thoát nước khi có triều cường trung bình chỉ còn… 0,3m. Khi triều cường đạt đỉnh +1,67m, độ cao thoát nước có thể âm (-). Những thông số trên còn có thể giảm do TPHCM liên tục bị sụt lún. Các điều kiện cho tiêu úng đều không đáp ứng nên TPHCM xẩy ra ngập úng là đương nhiên.

“Để giải quyết vấn đề ngập úng tại TPHCM, có nhiều ý kiến cho rằng phải nâng cốt nền đường giao thông, trên cơ sở đó sẽ làm tăng độ dốc thoát nước. Tuy nhiên, việc nâng đường không làm tăng độ dốc thoát nước cho khu vực mà còn gây ra các hệ lụy xấu khác như tạo sự phân cách các khu vực trũng thấp, ngăn cản việc tiêu thoát úng bởi các con đường mới tôn cao khu dân sinh sẽ ngập nặng hơn, đường cao hơn nhà, phá vỡ quy hoạch mặt bằng giao thông.. như đã xảy ra tại các tuyến đường Kinh Dương Vương, Nguyễn Văn Quá. Nâng đường và thay đường cống mới nhưng thực trạng vẫn bị ngập do triều cường và mưa lớn. Đây không thể là cách giải quyết chống ngập theo đúng nghĩa! Nâng đường thay cống lớn chỉ giải quyết vấn đề đường không ngập còn khu vực dân cư ngập úng diễn ra trầm trọng hơn”, ông Dần nói.

 “Để giải quyết chống ngập cho TPHCM cần thực hiện nhiều giải pháp đan xen bổ khuyết lẫn nhau. Cần sự chung sức của nhiều ban ngành, sự nhiệt tâm của nhiều nhà chuyên môn và doanh nghiệp trong lĩnh vực thoát nước đô thị. Để giải quyết chống ngập triệt để và lâu dài cho TPHCM sẽ phải là giải pháp tổng thể từ quy hoạch hoàn chỉnh có tính đến các điều kiện tự nhiên và khả năng đầu tư kinh tế kỹ thuật của Việt Nam” - ông Dần nói thêm.

Sinh viên Hà Nội “hiến kế” chống ngập cho TPHCM
Hội thảo đã nhận được tham luận đặc biệt từ một số sinh viên TP Hà Nội tâm huyết gửi đến đề xuất thực hiện một số giải pháp cụ thể để chống ngập cho TPHCM. Trân trọng với đóng góp này, Ban Tổ chức đã cho in ấn và phát hành rộng rãi tài liệu nói trên tại hội thảo.

MỚI - NÓNG