Trao đổi với Tiền Phong, Phó giám đốc công ty thủy điện Buôn Kuốp (Đắk Lắk) Nguyễn Đức cho biết, công ty vừa có buổi làm việc với Sở Công thương Đắk Nông về quy trình xả lũ tại các công trình thủy điện. “Tới đây, chúng tôi sẽ bàn bạc với UBND tỉnh Đắk Nông mới có phương án đền bù, hay hỗ trợ cho người dân. Quan điểm của công ty không đền bù, mà chỉ chia sẻ một phần thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng. Nếu vượt quá khả năng tài chính, chúng tôi phải xin cấp trên (Tập đoàn Điện lực Việt Nam-PV)”, ông Đức nói.
Vị này cho biết thêm, trước đây Cty thủy điện Buôn Kuốp cũng cho xả lũ một lần gây thiệt hại cho dân (năm 2016). “Đợt đó, chính quyền địa phương tự hỗ trợ, đền bù cho người dân”, ông Đức nói, đồng thời khẳng định, việc xả lũ tại các công trình thủy điện thuộc quản lý của công ty đều đúng quy trình.
Theo đó, các Nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Sêrêpốk 3 đồng loạt xả lũ với lưu lượng lần lượt là 1.385 m³/s, 180 m³/s và 1.114 m³/s (năm 2016). Lý giải của đơn vị này, việc xả lũ như trên để bảo đảm an toàn cho các công trình. Nước từ thượng nguồn đổ về nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà và tài sản hoa màu của người dân khu vực hạ lưu.
Đầu tháng 12 vừa qua, Cty thủy điện Buôn Kuốp tiếp tục xả lũ (như quy trình của năm 2016) khiến 26 lồng nuôi cá lăng và 25 ha cây trồng của người dân cũng bị xóa sổ. Ước tính thiệt hại ban đầu tại huyện Cư Jút khoảng 7 tỷ đồng.
Trao đổi với Tiền Phong, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai huyện Cư Jút Hồ Sơn cho biết, thủy điện Buôn Kuốp làm sai quy trình về xả lũ và phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại của dân.
Ngoài ra, việc Cty Buôn Kuốp chặn dòng còn làm một số danh lam thắng cảnh tự nhiên cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, thác Gia Long (tại xã Đrây Sáp, huyện Krông Ana) cách đập thủy điện Buôn Kuốp khoảng 1km. Về mùa khô, dòng chảy trên các con suối bị “bóp nghẹt”, làm mất đi vẽ đẹp tự nhiên của thác. Cơ quan chức năng địa phương cho biết, thác Gia Long còn gắn liền với những câu chuyện lịch sử.