Thử nghiệm mô hình xe cấp cứu 2 bánh ở TPHCM

TPO - Trong 20 ngày thí điểm mô hình xe cấp cứu 2 bánh, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đã 26 lần xuất xe đi cấp cứu, chiếm tỉ lệ hơn 38%.

Chiều 27/11, tại BV Đa khoa Sài Gòn đã tổ chức họp tổng kết sau 2 tuần thực hiện thí điểm xe cấp cứu 2 bánh. Cuộc họp có sự tham gia của đại diện Sở Y tế TPHCM và Trung tâm Cấp cứu 115.

Theo BS Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Sài Gòn cho biết trong 20 ngày thí điểm mô hình xe cấp cứu 2 bánh, BV đã xuất 26 lần xe 2 bánh đi cấp cứu (tổng số lượt cấp cứu ngoại viện là 76 ca).

BS Vui cho biết trong những ca đầu cấp cứu ngoại viện bằng xe 2 bánh, nhiều bệnh nhân và người nhà khá bỡ ngỡ khi thấy BS đến nhà cấp cứu bằng xe 2 bánh. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bệnh nhân hài lòng với mô hình cấp cứu này. “Có trường hợp điển hình là người dân gọi nói thằng cần xe 2 bánh đến cấp cứu cơn đau cao huyết áp”, BS Vui cho biết.

Thử nghiệm mô hình xe cấp cứu 2 bánh ở TPHCM ảnh 1 Các nhân viên y tế sẽ đi xe gắn máy 2 bánh đến nơi cấp cứu cho bệnh nhân. ảnh: SYT
Đại diện BV cho biết mỗi cuộc đi cấp cứu ngoại viện đến nhà bệnh nhân nhanh nhất là 5 phút khu vực gần BV, xa từ 10 -15 phút. Việc xuất xe xe cứu thương đi vì người nhà bệnh nhân báo bệnh nặng đột quỵ, hôn mê, khó thở, tai nạn giao thông và nhu cầu người dân cần xe cứu thương… phải vận chuyển đi.

Phát biểu tại cuộc họp, PGS. TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhất trí việc tiếp tục thử nghiệm cấp cứu bằng xe 2 bánh. “Cấp cứu xe 2 bánh tiếp cận nhiều bệnh nhân, nhất là bệnh nội khoa. Do đó, Sở Y tế nhất trí là tiếp tục thử nghiệm. Nhưng bước thứ 2 là phải bài bản, phải có quy trình. Do đó, xe cấp cứu 2 bánh phải đi với tốc độ bình thường, đi trên xe 2 người (1 bác sĩ, 1 điều dưỡng); đi vào giờ cao điểm (không được đi nửa đêm, trời mưa bão nguy hiểm), cần thiết thì đi 2 xe. Phải tập huấn trước cho bác sĩ, điều dưỡng về những câu hỏi cần hỏi bệnh nhân khi tiếp nhận cuộc gọi.”, BS Thượng nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG