Thí điểm cấm xe máy: Cần một lộ trình hợp lý, khoa học

Xe buýt nhanh BRT bị những phương tiện cá nhân khác bủa vây vào giờ cao điểm hằng ngày trên đường Lê Văn Lương - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu
Xe buýt nhanh BRT bị những phương tiện cá nhân khác bủa vây vào giờ cao điểm hằng ngày trên đường Lê Văn Lương - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu
TP - “Muốn hạn chế phương tiện cá nhân thì nhất thiết phải làm cho người dân thực sự hài lòng, thỏa mãn với loại hình vận tải công cộng”, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa chia sẻ với PV Tiền Phong khi nói về chủ trương cấm xe gắn máy trên một số tuyến đường ở Hà Nội.

Là người từng đi giám sát về việc thi hành Luật Thủ đô, ông thấy chủ trương thí điểm cấm xe máy một trên hai tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương ra sao?

Có thể nói thực trạng tai nạn, ùn tắc giao thông ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM luôn là vấn đề rất nan giải, bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân chính ở đây là do hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học và các phương tiện cá nhân. Chính vì vậy, việc Hà Nội thí điểm cấm phương tiện cá nhân vào nội đô là cần thiết và hợp lý. Trong quá trình giám sát việc thi hành Luật Thủ đô, chúng tôi càng thấm thía việc này.

Tuy nhiên, đi kèm với đó nhất thiết Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác phải phát triển mạnh loại hình giao thông công cộng ở trên cao, dưới lòng đất như các nước đã làm. Bên cạnh việc mở rộng đường, Hà Nội cần đặc biệt lưu ý đến giải pháp giãn dân ra ngoại thành, hạn chế tối đa việc xây chung cư cao tầng ở khu vực nội đô. Nhân đây, tôi cũng rất ủng hộ phương án dừng đăng ký xe máy ở các khu vực nội thành mà ngành giao thông Hà Nội đưa ra.

Thí điểm cấm xe máy: Cần một lộ trình hợp lý, khoa học ảnh 1 Ông Phạm Văn Hòa

Nhiều người vẫn lo ngại việc thí điểm cấm xe máy trên hai tuyến đường này sẽ gây nhiều khó khăn, bất cập cho người dân, bởi lâu nay xe gắn máy vẫn luôn là phương tiện mưu sinh của nhiều người, ông nghĩ sao?

Đúng là khi thí điểm chủ trương này thì trước mắt sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí gây xáo trộn cho người dân. Bởi xe gắn máy phần lớn vẫn là phương tiện mưu sinh, gắn liền với người lao động, và cả những công chức bình thường trong xã hội. Trong khi đó, loại hình phương tiện công cộng lại chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Nhưng tôi vẫn cho rằng, hạn chế và cấm phương tiện cá nhân tại các thành phố lớn là điều cần thiết. Vấn đề ở chỗ cần đưa ra lộ trình cụ thể, khoa học và có tổng kết, đánh giá, đúc rút kinh nghiệm sau khi thí điểm. Nếu thấy hiệu quả thì xem xét nhân rộng, còn nếu xảy ra bất cập thì điều chỉnh cho phù hợp. Nếu không có giải pháp căn cơ thì tắc đường ở những thành phố lớn sẽ luôn là vấn đề muôn thuở.

“Nên nhớ, mục tiêu cao nhất của chúng ta là động viên, khuyến khích người dân bỏ xe cá nhân, đi phương tiên công cộng. Vấn đề ở chỗ, phải làm sao để người dân thực sự hài lòng với phương tiện công cộng”.   

Ông Phạm Văn Hòa

Đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương có đường sắt trên cao và buýt nhanh BRT. Tuy nhiên dân không mặn mà với BRT, đường sắt trên cao thì chưa hoạt động. Liệu hai loại hình công cộng trên có giải quyết được nhu cầu đi lại của dân khi bỏ xe máy?

Không quản được thì cấm luôn là vấn đề gây bức xúc trong xã hội và không bao giờ nhận được sự đồng thuận trong nhân dân. Nhưng nói như vậy quả cũng khó cho ngành giao thông. Nên nhớ, mục tiêu cao nhất của chúng ta là động viên, khuyến khích người dân bỏ xe cá nhân, đi phương tiên công cộng. Vấn đề ở chỗ, phải làm sao để người dân thực sự hài lòng với phương tiện công cộng.

Chính vì vậy, nếu chưa đáp ứng nhu cầu, thì phải điều chỉnh và làm thật tốt loại hình BRT và đường sắt trên cao ở hai tuyến đường này. Qua đó, phải chú ý đảm bảo về giờ giấc và thái độ phục vụ, đặc biệt giá cả phải thực sự hợp lý. Theo tôi, trước mắt nhà nước cần hỗ trợ một phần về giá cả để tạo sự hài lòng cũng như sự đồng thuận trong nhân dân.

Nghĩa là để giải quyết được bài toán nan giải này, phải làm sao để người dân thực sự thỏa mãn, ưa thích loại hình công cộng một cách rất tự nhiên chứ không phải là cưỡng bức. Trong quản lý nói chung, nếu cứ cưỡng bức, ép buộc thì người dân sẽ quay lưng lại.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.