“Con sẽ trở về”
“Ngày nó đi, nó hứa với mẹ là sau 3 năm nghĩa vụ sẽ về, lấy vợ, sinh con nhưng nào ngờ... Ngày nhận được giấy báo tử trên tay, mẹ không tin. Bà Lưu Thị Linh (87 tuổi, ở xóm 10, xã Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) - mẹ của liệt sĩ Hồ Văn Nuôi, nói trong nước mắt. Đã 33 năm qua nhưng chưa bao giờ lòng bà Linh nguôi nỗi nhớ con. Thi thoảng, bà lại đưa chiếc hộp đỏ đựng giấy báo tử cùng kỷ vật của con ra xem. Gặp chúng tôi, vừa nghe nhắc đến chuyện Gạc Ma, nước mắt bà lăn dài trên đôi mắt nhăn nheo, mờ đục.
Bà Linh kể, năm 1985, cũng như bao thanh niên trai tráng khác, Hồ Văn Nuôi nhập ngũ đi nghĩa vụ quân sự khi vừa tròn 18 tuổi. Suốt gần 3 năm đi bộ đội, mặc dù nhớ mẹ, thương cha nhưng vì nhiệm vụ đất nước, anh chẳng một lần được về thăm quê. Trong khoảng thời gian nhập ngũ, anh Nuôi đều đặn viết thư gửi về nhà. Khoảng thời gian cuối năm 1987, bà Linh động viên anh thu xếp nghỉ phép về nhà lấy vợ, nhưng anh không đồng ý. “Nó bảo, con chưa có người yêu, để con hoàn thành nhiệm vụ rồi mới nghĩ đến chuyện riêng tư”, mẹ liệt sĩ nói.Thế rồi sau lá thư đó, cả gia đình không nhận được tin anh nữa. Đầu năm 1988, khi chuẩn bị được đi vào Nha Trang để học sĩ quan, Hồ Văn Nuôi lại được nhận lệnh tăng cường vào bảo vệ đảo Trường Sa. Nào ngờ lần ấy, anh lại một đi không trở lại.Anh đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ đảo Gạc Ma.“Hôm tôi nằm ở giường, nghe trên đài thông báo, nghe tên con trai Hồ Văn Nuôi hy sinh, chân tay tôi rụng rời”, bà Linh nghẹn ngào.
Cầm giấy báo tử của con trên tay, bà Linh như chết lặng. Kể từ ngày đó, lời hứa “con sẽ trở về” của đứa con lúc lên đường nhập ngũ vẫn luôn thường trực và ám ảnh tâm trí người mẹ già. Bà đau nỗi đau mất con, song vẫn luôn tự hào khi con bà đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Nâng niu tấm ảnh cuối cùng của con, bà xúc động nói không nên lời: “Mấy chục năm rồi, trong giấc mơ của mẹ lúc nào cũng xuất hiện hình bóng về nó”.
“Có một phần máu thịt của con tôi”
Trong trận chiến bảo vệ chủ quyền biển đảo khiến 64 chiến sỹ hy sinh, có đến 8 người quê ở Nghệ An. Cũng như bà Linh, bà Nguyễn Thị Nhị (79 tuổi, ở phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ An) - mẹ liệt sĩ Lê Bá Giang nói rằng, trong suốt 33 năm qua, nhiều đêm bà nằm khóc một mình chỉ vì thương nhớ con. “Lúc đó Giang chỉ vừa tròn 20 tuổi. Còn trẻ quá cháu ạ. Nó còn chưa kịp có người yêu… Mất con ai chẳng đau. Đau nhưng tự hào lắm. Bởi, nơi Trường Sa ấy có một phần máu thịt của con tôi”, bà Nhị gạt nước mắt, nói. Bà sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái, Lê Bá Giang là con thứ hai. Sau khi học xong lớp 10 (hệ 10/10), tháng 3/1987 anh Giang nhập ngũ. Sau ít tháng huấn luyện tại Quảng Ninh, anh được nghỉ phép một tuần để về thăm gia đình. “Về, chỉ quanh quẩn ở nhà, giúp bố mẹ làm cái này cái kia. Ở nhà được mấy ngày thì được lệnh trở lại đơn vị để chuẩn bị hành quân vào Nam. Thế rồi đi mãi đến bây giờ…”, bà Nhị nghẹn lại.
Từ ngày đó, trên bàn thờ, ngoài di ảnh của người em trai liệt sĩ của bà Nhị, có thêm tấm ảnh của Lê Bá Giang. Cùng với giấy báo tử là chiếc ba lô đã theo người chiến sỹ suốt những chặng đường hành quân. Trong chiếc ba lô nhỏ thân thương, chiếc áo len người mẹ đan cho con vẫn được gói ghém cẩn thận. “Đó là chiếc áo len mà tôi tự tay đan cho con trai trước khi nhập ngũ. Chỉ mong con luôn giữ ấm cơ thể, đảm bảo sức khoẻ tốt nhất khi thực hiện nhiệm vụ. Tôi còn nhớ cái lần Giang được nghỉ phép về nhà, khoe mặc áo mẹ đan đẹp lắm, vừa vặn mà ấm nữa. Tôi vui, còn nói với con ít hôm nữa sẽ đan thêm áo và gửi cho con”, bà Nhị tâm sự.
Lần đầu tiên đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma dâng hương, bà Võ Thị Xuân Anh (73 tuổi, ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) không cầm được nước mắt khi xem những kỷ vật, di ảnh của 64 chiến sĩ Gạc Ma. Là cô gái giao liên thời kháng chiến chống Mỹ khi mới 13 tuổi, bà Anh ý thức rõ sự tàn khốc của chiến tranh: “Cuộc chiến nào cũng mất mát, đau thương”. Bà Anh dù tuổi đã cao, nhưng thường xuyên đọc những bài báo viết về sự kiện Gạc Ma. Sau khi xem xong, bà “bắt” con gái (cán bộ công đoàn huyện Cam Lâm) phải đưa mình đến khu tưởng niệm để tận mắt chứng kiến “ngôi nhà chung” của các anh khang trang, sạch đẹp, sinh động... thế nào. “Trước khi đi, tôi rủ thêm bà thông gia. Bà ấy ở ngoài Diên Khánh nhưng cũng vui vẻ nhận lời đi cùng đến dâng hương, tưởng nhớ các anh”, bà Anh tâm sự. Lữ hồ