Không nhượng bộ
Toàn bộ 18 bức tranh vòm cầu thực hiện trên phố Phùng Hưng là dự án hợp tác giữa UBND quận Hoàn Kiếm, Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc và Chương trình định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) thực hiện. Nếu suôn sẻ số tranh này hoàn tất cuối tháng 11, tuy nhiên chỉ có các nghệ sĩ Hàn Quốc kịp hoàn tất tác phẩm và kịp trở về nước theo đúng thời hạn thị thực. Giữa tháng 11, dư luận xôn xao với ý kiến hội đồng nghệ thuật “phê” tác phẩm Nhà số 63 Phùng Hưng của nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Trần Hậu Yên Thế rằng tác phẩm nghệ thuật không được “xé xoạc”. Họa sĩ Việt Nam cũng ngưng trệ công việc, chờ chủ nhiệm dự án, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn về nước.
Một tuần nay, nghệ sĩ Việt mới bắt tay trở lại thực hiện công việc dang dở ở phố bích họa Phùng Hưng, tuy nhiên nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn cho hay chưa hoàn toàn đồng thuận giữa hội đồng và nghệ sĩ. Liên hệ với Trần Hậu Yên Thế, anh “đang cân nhắc suy nghĩ nhưng khả năng cao sẽ không thay đổi tác phẩm theo góp ý của hội đồng”. Ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội từng đề xuất nghệ sĩ có thể thay nhà số 63 bằng cách vẽ nhà 105-di tích Cách mạng. Ý đồ của Trần Hậu Yên Thế là tái hiện ngôi nhà 63 Phùng Hưng với kiến trúc Pháp cổ rất đẹp, nhưng nay đã không còn do nhiều lần sửa chữa và thay đổi.
“Vấn đề ở chỗ lãnh đạo quận Hoàn Kiếm nói rằng không tìm được tư liệu trước kia của ngôi nhà này, dù đây là di tích Cách mạng”, Trần Hậu Yên Thế nói. Anh cũng khẳng định không chấp nhận bỏ lớp xé trên bức tranh. “Xé xoạc ở đây chỉ là ngôn ngữ nghệ thuật, không có gì ý không lành mạnh. Theo ngôn ngữ phương Tây, đó là cách chụp cắt lớp tác phẩm nghệ thuật. Tôi chỉ diễn ngôn khoa học sang hình thức thị giác để người xem dễ cảm nhận”, anh giải thích. Cho rằng tới thời điểm này vẫn chưa tìm được giải pháp nào tốt hơn, Trần Hậu Yên Thế khẳng định nếu tiếp tục tham gia phố bích họa sẽ bảo toàn tác phẩm.
Không riêng tác phẩm của Trần Hậu Yên Thế, hội đồng nghệ thuật cũng yêu cầu chỉnh sửa trên một số tác phẩm khác. Nguyễn Thế Sơn không để hội đồng có thể “can thiệp thô bạo”. Ý kiến hội đồng chỉ để tham khảo và tuỳ nghệ sĩ điều chỉnh lại chút ít, chẳng hạn tác phẩm không vượt quá giới hạn an toàn giao thông. Những người thực hiện đem công sức, trí tuệ cống hiến cho dự án này không đòi hỏi kinh phí và quyền lợi, vì lẽ đó họ muốn công chúng đón nhận tác phẩm và phản hồi sau. “Dự án của chúng tôi không phải tranh tường thông thường, không phải tranh hoành tráng mà ở đây đề cao tính tương tác. Tác phẩm có sự đồng bộ ý tưởng của nghệ sĩ nên rất khó thay đổi”, Thế Sơn nói. Anh nói thêm, tác phẩm mang ý nghĩa văn hoá, lịch sử chứ không đơn thuần là tranh tường trang trí “quán bar, nhà trẻ”.
Sân chơi mới
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, vừa qua nghệ sĩ vừa làm vừa thử nghiệm, để đánh giá màu vẽ, nước sơn có phù hợp với khí hậu Việt Nam hay không. “Khu vực phố Phùng Hưng nằm trong khu vực di sản đô thị, là đoạn đường dẫn lên cầu Long Biên và kề cận khu phố cổ, di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long nên chúng tôi nghiên cứu kỹ kinh nghiệm nhiều thành phố trên thế giới. Chủ đề của các tác phẩm chính là những ký ức về Hà Nội đã mất”, ông Long nói. Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm muốn coi đây là bước đầu để lôi kéo công chúng quan tâm tới khu phố Phùng Hưng. Trong tương lai khu vực này sẽ trở thành không gian đi bộ, sân chơi nghệ thuật cho người trẻ.
Các nghệ sĩ mong muốn tác phẩm ở khu vực Phùng Hưng tạo ra sự tương tác, đúng ý nghĩa nghệ thuật công cộng chứ không phải tranh tường đơn thuần. Lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội từng lo ngại vấn đề quản lý, bảo quản những tác phẩm này. “Sau khi hoàn thiện cuối tháng 12, chúng tôi sẽ bàn giao cho UBND quận Hoàn Kiếm. Được biết họ sẵn phương án quản lý, hướng dẫn người dân tương tác với tác phẩm”, Thế Sơn nói. Ông Phạm Tuấn Long cho biết sẽ có quy chế quản lý riêng, quận giao cho Phường phụ trách. “Chính bất cập về vệ sinh nên chúng tôi thực hiện dự án này, để đô thị sáng và sạch lên. Bên cạnh giá trị nghệ thuật, giá trị cốt lõi của dự án là nâng cao nhận thức của cộng đồng, đảm bảo trật tự đô thị và giữ gìn khu vực công cộng sao cho văn minh hơn”, ông Long khẳng định.
“Tác phẩm trước hết phải trở thành một phần của cộng đồng, nghệ sĩ phải vẽ về câu chuyện của con phố đó thì họ mới hiểu, yêu và giữ được tác phẩm. Nếu chúng ta vẽ cái gì đó xa lạ với cuộc sống, không có phần ký ức của người dân ở đó thì họ hững hờ, đi đến quên lãng rất nhanh”, Trần Hậu Yên Thế nhận xét. Trưởng nhóm nghệ sĩ thực hiện dự án bích họa cũng cho rằng trừ một số ít trường hợp thiếu ý thức, không ai lại đi phá hoại tác phẩm nghệ thuật công cộng này. Không chỉ là tranh tường, nghệ sĩ đem đến ý tưởng tương tác: Máy nước công cộng, chợ xe máy cũ, sân khấu rối Lạc Việt.
“Phố bích họa Phùng Hưng là sân chơi đầu tiên cho giới trẻ trong lĩnh vực nghệ thuật công cộng ở Hà Nội. Năm 2011 tôi từng làm nghệ thuật công cộng tại Festival Huế ở phố đi bộ ven sông Hương. Với kỳ vọng sau này Phùng Hưng sẽ trở thành phố đi bộ, phố nghệ thuật, cho nên đây chính là sân khấu cho bạn trẻ, những người hoạt động nghệ thuật mở ra nhiều hoạt động nghệ thuật khác”, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn nói. Quận Hoàn Kiếm cũng có dự án chỉnh trang khu vực chợ Đồng Xuân và không gian phụ cận, tăng kết nối và tạo thêm không gian cho du lịch, sân chơi công cộng cho người dân.