Bài 1: Mưu sinh đầu sóng

Ra khơi mùa biển động

Một góc bến Cầu Cảng.
Một góc bến Cầu Cảng.
TP - Không phải vợ nhặt trong tác phẩm văn học nổi tiếng của nhà văn Kim Lân, mà câu chuyện anh Tài (40 tuổi) “nhặt vợ” là chị Tám (50 tuổi) tại khu vực bến Cầu Cảng thuộc xã Hưng Thạnh, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TPHCM khiến ai từng nghe qua đều không khỏi chạnh lòng. Ba ngày đêm theo chân họ ra khơi, được nghe họ kể về cuộc đời mình tưởng chừng câu chuyện đó chỉ xuất hiện trong phim ảnh.

Đồng cảm với số phận nghèo khổ, vợ chồng chị Tám không làm lễ cưới hỏi mà rủ nhau về sống chung trên chiếc thuyền đánh cá cũ mèm. Xem bốn bể là nhà. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng chẳng bao giờ họ cạn tình cảm.

Ra khơi đêm     

Nhá nhem tối. Mặt trời đỏ rực ở một góc trời. Thời khắc này khu vực bến Cầu Cảng kẻ bán người mua hải sản cười nói rôm rả, tấp nập những đoàn thuyền ra khơi bám biển liên tục cập bến trở về. Tại vựa thu mua hải sản của bến, chúng tôi tìm gặp từng chủ thuyền để ngỏ ý, thậm chí năn nỉ họ để cho ra khơi, nhưng đáp lại là những cái lắc đầu, xua tay...bởi, các ngư dân sợ chúng tôi không chịu đựng nổi sóng gió ở mùa biển động, mưa to sóng lớn. Nghề đánh bắt hải sản thật tréo ngoe. Những đợt biển động lại thường giúp ngư dân trúng những mẻ lưới nặng trĩu cá, mực hơn là trời yên biển lặng. Ấy vậy, họ tranh thủ giong thuyền ra khơi thời điểm này với mong muốn kiếm thêm thu nhập.  

Ra khơi mùa biển động ảnh 1 Vợ chồng chị Tám gỡ những con cá còn sót lại ở những thớt lưới không bị sóng cuốn trôi.

Tại một góc khuất ở bến Cầu Cảng, chúng tôi vô tình bắt gặp chị Tám, một phụ nữ có dáng người mảnh khảnh đang mang các nhu yếu phẩm lên thuyền. Thấy có người thăm hỏi, chị Tám cười nói: “Chú quê ở xứ Nẫu à (Nẫu - ý chỉ Bình Định), mời xuống ghe uống chén trà”. Có lẽ vì cái tình đồng hương ấy mà vợ chồng chị Tám mới đồng ý cho chúng tôi theo chân ra khơi.

2 giờ sáng, khu vực bến Cầu Cảng đã sôi động. Tiếng bước chân hối hả của ngư dân, tiếng cười nói của những người vợ tiễn chồng, tiếng máy nổ gầm rú của những chiếc thuyền rời bến xé tan màn đêm tĩnh mịch. Chuyến ra khơi của vợ chồng chị  Tám mang theo rất đơn giản, ngoài chiếc thuyền gỗ đã xuống cấp còn lại là các mành lưới, thùng xốp chứa đá lạnh để ướp cá, một can dầu chạy máy và một ít nước uống. Cứ thế, chiếc thuyền cứ lầm lũi cưỡi sóng vượt gió trong đêm ra khơi.

Ánh sáng duy nhất trên thuyền là một bóng đèn điện liên tục chớp nháy nằm ở mũi thuyền để tàu thuyền lưu thông hướng ngược lại xác định mà né tránh. Chạy khoảng 5 hải lý (khoảng 9 km), thuyền bỏ lại phía sau các dãy nhà nhấp nháy ánh đèn, các cồn và đảo nhỏ ở phía sau. Trên thuyền dõi xa bốn hướng lúc tờ mờ sáng vẫn chỉ là một màu đen tối như mực. Bóng đêm bao trùm, không có điểm tựa để xác định đâu là bờ, mọi thứ chìm vào tĩnh lặng! Thứ cảm giác và âm thanh duy nhất mà chúng tôi cảm nhận lúc này là tiếng máy nổ cùng tiếng sóng vỗ mỗi khi đập mạnh vào hai bên mạn thuyền. Mặc dù, chúng tôi khoác bên ngoài chiếc áo ấm dày cộm nhưng vẫn không ít lần phải rùng mình trước những cơn gió biển mang hơi lạnh, nồng vị muối mặn chát táp vào mặt.

Mưu sinh nơi đầu sóng                            

Gần 5 giờ 30 phút, khi thuyền ra tới khu vực biển Bù Đen, huyện Cần Giờ, cách nơi xuất phát khoảng 40 km thì anh Tài cho thuyền giảm tốc độ, chạy chầm chậm, còn chị Tám nhanh chóng thả cọc phao tiêu đánh dấu khu vực cùng những tấm lưới dài hơn một km xuống biển. Tì vai bên mạn thuyền để khỏi bị xô ngã bởi những con sóng lớn mỗi khi ập tới, chúng tôi cố gắng ghi nhận những thước phim về người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn, gương mặt khắc khổ đang mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió. Chòng chành trên con thuyền gỗ đã xuống cấp dài gần 6 m, rộng 2 m, trông bà Tám quá nhỏ bé so với đại dương mênh mông, trước những con sóng đang gầm gào cuồn cuộn lao tới như muốn “ăn tươi nuốt sống” con thuyền!

Công việc thả lưới hoàn tất cũng là lúc mặt trời nhô lên ở đằng Đông như một quả cầu lửa thiêu cháy cả một góc trời. Đứng bên mạn thuyền, dõi theo những tia nắng ban mai đang dần xua tan các lớp sương mù đặc quánh, phản chiếu rất nhiều màu sắc rực rỡ… Cảnh sắc ấy kỳ vĩ, thực hư như trong cổ tích. Trời sáng hẳn. Lúc này chúng tôi mới nhìn thấy rõ nhân diện của vợ chồng chị Tám sau hơn 4 giờ đồng hồ theo chân họ lênh đênh trên biển.

Trong thời gian đợi cá vướng lưới, anh Tài cho thuyền ngưng hoạt động để tiết kiệm dầu, rồi cùng vợ thả những cọc neo xuống biển để con thuyền không bị trôi dạt. Bữa ăn trên biển của ngư dân rất đơn giản, không theo giờ giấc nhất định. Xong việc lúc nào là họ ăn lúc đó. Lót dạ buổi sáng bằng cơm trắng nấu ở đất liền mang theo, còn thức ăn thì được chế biến từ những con cá, con mực vừa dính lưới.

Ra khơi mùa biển động ảnh 2 Sau 4 giờ ra khơi, vợ chồng chị Tám thả lưới ở vùng biển Bù Đen lúc bình minh.

Theo chị Tám, gần cuối năm nay thời tiết mưa gió, bão tố thất thường, nên mỗi chuyến ra khơi rất vất vả và nguy hiểm thường lệ. Chị không nhớ rõ bao nhiêu lần cùng chồng chống chọi trước mưa to, sóng lớn và gió mạnh trên biển. Những ngày mới về sống chung, theo chồng ra khơi, và không ít lần bị say sóng. Chị từng bị sóng hất văng ra khỏi thuyền khiến anh Tài không khỏi thót tim.

Khi chúng tôi thắc mắc về việc tại sao không nghỉ ngơi vào những hôm biển động, chị Tám nói rằng: “Nghề này ráo mồ hôi là khô nồi. Xa biển ngày nào đói cơm ngày đó. Với lại cái nghề làm bạn với đại dương cũng thật trái ngoeo. Những hôm biển động, sóng lớn ngư dân bắt được nhiều cá cua bán được giá hơn”.

Đồng cam cộng khổ    

Thuyền dập dềnh theo nhịp sóng, vén tà áo lau vội những giọt mồ hôi ướt sũng hai bên gò má, chị Tám kể về cuộc đời mình như đám lục bình trôi giữa dòng nước xoáy. Chị Tám sinh ra trong gia đình thuần nông nghèo khó ở một làng quê thuộc miền đất võ. Để no cái bụng, ở tuổi trăng tròn, quãng đời đẹp nhất đời con gái là chị theo dòng người ở miền xuôi lên Tây Nguyên kiếm kế sinh nhai. Tại trung tâm tỉnh Đắk Nông, chị mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm một thời gian rồi lập gia đình với một người đàn ông bản địa.

Chị vốn mang trong người căn bệnh khó sinh con. Ngày cậu con trai chào đời, chị Tám hạnh phúc tột cùng. Nghe chị tâm sự, chúng tôi mường tượng, có lẽ, chỉ có những ai đã và đang làm cha, làm mẹ mới thấu hiểu hết được cảm xúc dâng trào của người phụ nữ này! Nhưng niềm vui ấy chưa kéo dài được bao lâu thì bà mẹ trẻ phải tiếp nhận bi kịch nối tiếp bi kịch. Theo chị Tám, ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào tính tình người chồng thay đổi, nhậu nhẹt bê tha, triền miên. Mỗi lần bị ma men dẫn lối là chồng về nhà chửi bới, đánh đập vợ con.

Bị bạo hành, chị chẳng biết cầu cứu với ai, bởi căn nhà xảy ra những trận đòn roi ấy lại nằm lọt thỏm giữa chốn đại ngàn. “Mỗi lần biết anh ấy đi nhậu là tinh thần tôi suy sụp, trái tim như muốn vỡ vụn! Giờ nghĩ lại tôi cũng không nhớ rõ bao nhiêu lần tôi phải van xin anh ấy dừng tay…để gia đình hạnh phúc, nhưng anh ấy cứ như một con ác quỷ lao vào vợ con “cấu xé”, thượng cẳng tay hạ cẳng chân”, chị Tám nghẹn ngào. Những phao lưới cứ dập dềnh sụp sùi cùng con sóng. Câu chuyện của chị Tám dừng lại giữa chừng. Những sản vật đại dương đang hên xui ẩn mình trong tay lưới. Những cơn sóng dềnh mùa biển động khiến con thuyền nhỏ như đời chị chả được yên…             

(Còn nữa)

Bữa ăn trên biển của ngư dân rất đơn giản, không theo giờ giấc nhất định. Xong việc lúc nào là họ ăn lúc đó. Lót dạ buổi sáng bằng cơm trắng nấu ở đất liền mang theo, còn thức ăn thì được chế biến từ những con cá, con mực vừa dính lưới.

MỚI - NÓNG