Sáng 8/2, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ họp trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018. Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành, thực hiện nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa được hơn 5 nghìn thủ tục hành chính, giảm 24 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Đồng thời đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều điều kiện kinh doanh trên các lĩnh vực rượu, hóa chất…và đang tiếp tục xây dựng các văn bản để cắt giảm khoảng gần 3 nghìn điều kiện kinh doanh, đảm bảo các quy định theo Luật Đầu tư.
Theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2017 tăng 9 bậc, năm 2018 tăng 14 bậc, như vậy trong 2 năm, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 23 bậc. Năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 – 2018 của Việt Nam được Diễn đàn thế giới xếp hạng tăng 5 bậc so với năm 2016.
Theo ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, trong năm 2017, việc xử lý các văn bản trái pháp luật tiếp tục được đôn đốc, thực hiện quyết liệt, kịp thời hơn nhất là những văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Tư pháp đã kiểm tra 5.848 văn bản, phát hiện và đề nghị xử lý 157 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành. Theo ông Dũng, vẫn còn tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật, thậm chí có chiều hướng gia tăng, số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền được phát hiện tăng 21% so với năm 2016.
Nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ Tư pháp nhấn mạnh đến việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, y tế, lao động thương binh và xã hội. Đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong xây dựng, thực thi pháp luật.
Sau phần báo cáo của Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng lộ lọt bí mật gây ra hậu quả nghiêm trọng, phải hết sức lưu ý về thực trạng này.
Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong năm qua, Hà Nội đã tổ chức nhiều hội nghị lớn, đi tiên phong trong việc thu hút đầu tư. Mặc dù có một số vụ việc nổi cộm, gây bức xúc dư luận (như vụ xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu - PV), song theo ông Sửu, từ việc ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ công chức viên chức, tình hình đã có chuyển biến rõ rệt.
Cùng với đó, Hà Nội cũng làm tốt hơn việc nâng cao chất lượng cán bộ công chức, siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh khoán xe công… Đáng lưu ý, Hà Nội đề nghị cần quan tâm hơn tới đời sống, thu nhập của cán bộ công chức, trên cơ sở giao cho địa phương tự chủ trong việc trả lương theo đề án vị trí việc làm.
Nói về vai trò cải cách hành chính, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh bày tỏ, nếu không cải cách, chính ngành mình sẽ “chết trước”. Bởi trước đây ngành bảo hiểm phải làm cả thứ bảy, chủ nhật, nhiều người phải xin ra khỏi ngành vì không chịu nổi.
Song đến bây giờ, sau khi cải cách hành chính, kết quả đạt được theo đánh giá của ngành bảo hiểm là “rất ngỡ ngàng”. Thấy rõ nhất là đã giải phóng được sức lao động, chỉ phải làm thứ bảy, còn chủ nhật nghỉ thay vì phải làm như trước đây.
Nói về vai trò cải cách hành chính, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh bày tỏ, nếu không cải cách, chính ngành mình sẽ “chết trước”. Bởi trước đây ngành bảo hiểm phải làm cả thứ bảy, chủ nhật, nhiều người phải xin ra khỏi ngành vì không chịu nổi.