Ngày 24/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Diễn đàn khoa học “Đánh giá kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016: Đo lường từ sự hài lòng của người dân”.
Theo TS. Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, trong cải cách thủ tục hành chính hiện còn nhiều vấn đề.
“Thông qua cơ chế một cửa phải tăng cường sự quản lý, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Nếu chưa làm tốt được việc này thì tiếng kêu của người dân sẽ vẫn còn”, ông Phan nói.
PGS.TS Phạm Bích San, Viện Nghiên cứu và tư vấn về phát triển nhận định, tuy cải cách nhưng thủ tục lại càng ngày càng nhiều hơn, dẫn đến tình trạng càng rối hơn.
TS Phạm Bích San cũng đề cập tới hiện tượng giải quyết công việc bằng... phong bì. "Có nhiều việc tưởng khó nhưng lại rất đơn giản, chỉ cần có phong bì là xong”, ông San nêu.
TS Phạm Bích San cho rằng, hiện nay số người muốn vào làm trong bộ máy nhà nước không những không giảm mà còn tăng. "Chính vì thế mới có tình trạng một Sở ở Hà Nội có 100 suất biên chế nhưng có đến 2.000 người chen nhau”, ông San dẫn chứng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc lo ngại về tốc độ cải cách hành chính: "Cải cách hành chính của chúng ta còn quá chậm. Bây giờ phải lấy thực tiễn làm trọng tâm, chứ văn bản thì nhiều lắm, mấy nghìn văn bản sẽ khiến chúng ta sẽ rơi vào "ma trận", tự ta làm khó ta”, ông Phúc nói, đồng thời cho rằng, nhà nước chỉ cần làm đúng việc của mình, còn lại chuyển giao cho xã hội, như vậy bộ máy sẽ tinh giảm. "Như vậy tự nhiên bộ máy sẽ giảm đi, còn nếu cái gì Nhà nước cũng muốn nắm từ trên xuống, không phân cấp phân quyền thì sẽ không giảm được bộ máy", ông Phúc nói.