Nhằm Ngày gia đình Việt Nam 28/6, Bộ VHTTDL tổ chức hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em”. Bà Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) nêu thực trạng xâm hại trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng, gây ra hệ lụy nghiêm trọng cho nạn nhân, gia đình và xã hội.
Xu hướng tăng
Trong 75 quốc gia thống kê số vụ xâm hại tình dục (XHTD), Việt Nam xếp thứ 49 sau một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Myanmar. Châu Á-Thái Bình Dương cũng có tỷ lệ trẻ bị XHTD cao, nếu quy ra gánh nặng tổn hại sức khỏe và các hành vi nguy hại cho sức khỏe gây thiệt hại khoảng 209 tỷ USD, tương đương 2% GDP của khu vực.
Một số vụ XHTD gây bức xúc gần đây: Bé 11 tuổi bị cha đẻ và ông nội xâm hại; bé 13 tuổi ở Cà Mau tự tử sau khi bị hàng xóm xâm hại nhiều lần; loạt trẻ bị dâm ô ở Bà Rịa-Vũng Tàu… Gần nhất là vụ Nguyễn Hữu Linh “nựng” bé gái trong thang máy.
Thống kê cho thấy năm 2017-2018, nước ta có hơn 3 nghìn trẻ bị bạo hành, xâm hại trong đó hơn 2.600 trẻ bị XHTD. Ba tháng đầu năm 2019 có 325 trẻ bị bạo hành, xâm hại. Lãnh đạo Vụ Gia đình cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều.
Đồng quan điểm, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) phân tích: Việt Nam và một số quốc gia đang phát triển có hiện tượng nổi dần của tảng băng chìm trong các vụ XHTD. “Nếu trước đây chúng ta ví các vụ bạo lực xâm hại chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, sắp tới phần chìm sẽ nổi dần lên”, ông Nam nói.
Lí giải xu hướng các vụ XHTD trẻ em lộ sáng nhiều hơn, Cục trưởng Cục trẻ em nhắc tới các yếu tố: Do nhận thức xã hội tốt và đầy đủ hơn, người dân dũng cảm lên tiếng mạnh mẽ hơn để tố giác thủ phạm là người thân, người quen biết. Thực tế 86% thủ phạm các vụ XHTD trẻ em do người thân, quen gây ra. Hiện nay pháp luật bảo mật thông tin cho người tố cáo được hoàn thiện hơn, các dịch vụ công tốt hơn-một trong số đó là tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 giúp bảo mật thông tin và xử lý đồng bộ hơn.
Hàng rào bảo vệ ở đâu?
Từ những vụ việc đau lòng, các nhà quản lý và chuyên gia mổ xẻ nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp phòng, chống XHTD trẻ em. Nhiều người đặt vấn đề tại sao có tới 22 cơ quan, tổ chức, cá nhân bảo vệ trẻ em theo Luật Trẻ em nhưng số lượng trẻ bị XHTD vẫn tăng. Trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ em bị xâm hại hiện nay, các nhà quản lý tập trung mổ xẻ yếu tố tới từ vai trò của gia đình.
TS Đặng Bích Thủy (Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới-Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tập trung phân tích về vai trò của gia đình trong phòng chống xâm hại trẻ em. Bà Thủy nhấn mạnh: “Gia đình là chủ thể chịu trách nhiệm chính trong thực hiện các quyền liên quan đến bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bị bạo lực, xâm hại”, và “bảo vệ trẻ em khỏi mọi hành vi xâm hại là một trong những chức năng thiết yếu của gia đình”.
Bà Đặng Kim Thoa (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia) nói rằng, cuộc sống hiện đại khiến quỹ thời gian cha mẹ dành cho con cái ngày càng ít. “Bố mẹ là hàng rào đầu tiên và hàng rào cuối cùng bảo vệ con cái. Cha mẹ cần làm gương cho con cái, từ sinh hoạt, ứng xử trong cuộc sống”, bà nói.
Cho rằng quy định của pháp luật hiện hành tương đối đầy đủ và nghiêm khắc, bà Mai Thị Phương Hoa (đại biểu Quốc hội) lo ngại thực hiện pháp luật và giám sát của các tổ chức xã hội, người dân còn khoảng trống. Soi lại các vụ trẻ bị XHTD, bà Phương Hoa nêu nhiều vụ việc ý thức của các thành viên gia đình chưa cao. “Các cháu bị xâm hại nhưng gia đình hoặc không muốn làm to chuyện, hoặc không trình báo ngay nên không giữ được tang, vật chứng, gây khó cho cơ quan điều tra”, bà Hoa nói.
Chị Nguyễn Thị Anh Thư, Chủ nhiệm CLB Cỏ 4 lá, Trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội sau quá trình tuyên truyền, tập huấn phòng chống XHTD trẻ em cho hơn 6 nghìn phụ huynh, nhận thấy: Phần lớn các bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về XHTD trẻ em, dẫn tới trẻ thiếu kỹ năng phòng chống. Cha mẹ cho con đi học kỹ năng ở nhiều trung tâm, nhưng những kiến thức về “vùng đồ bơi”, “nguyên tắc 5 ngón tay” trẻ được dạy lại không được thực hiện ở nhà. Chính vì thế trẻ khó hình thành thói quen và phản xạ phòng vệ khi gặp tình huống. Cha mẹ Việt còn mang tâm lý ngại đề cập chuyện nhạy cảm khi giáo dục giới tính cho con.
Lắng nghe hơn 20 ý kiến, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho rằng các nhà quản lý, chuyên gia thêm dịp nhìn thấy rõ hơn bức tranh toàn cảnh và thực trạng XHTD trẻ em. Ông Tạ Quang Đông cho rằng, trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, việc XHTD trẻ em đa dạng, nhiều hình thái khác nhau, càng cần xác định vai trò của gia đình. Trong các giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm, lãnh đạo Bộ nhấn mạnh: cần có sự chuyển hướng từ cha mẹ, cơ quan thực thi, sự liên kết chặt chẽ hơn giữa gia đình-nhà trường và các cơ quan đoàn thể khác.
Với vai trò quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL, lãnh đạo Bộ sau khi lắng nghe ý kiến sẽ tham mưu Chính phủ đưa ra nhiều văn bản quản lý nhà nước về gia đình, trong đó nhấn mạnh vai trò của gia đình trong phòng, chống XHTD trẻ em.
Một số kỹ năng dành cho cha mẹ
Các chuyên gia Cục Trẻ em đưa loạt lời khuyên: Cha mẹ không né tránh việc giải thích cho trẻ về xâm hại. Dạy trẻ gọi tên chuẩn xác từng bộ phận trên cơ thể. Không chạm vào vùng nhạy cảm của người khác. Trò chuyện, chia sẻ với trẻ và động viên trẻ không giữ kín bí mật. Giúp con tạo nên một “mạng lưới an toàn” gồm 3-4 người lớn trẻ tin tưởng nhất có thể chia sẻ. Ðặt tình huống giả định cho trẻ giải quyết. Cha mẹ cần nắm chắc những dấu hiệu của một đứa trẻ bị xâm hại tình dục. Dạy trẻ tránh xa những người lạ mặt cố làm thân, không cho người lạ mặt vào nhà. Báo ngay với người lớn khi bị đe dọa, hoặc khi trẻ không thích bất kỳ người nào.