Người dân Nam Ô đòi lại sân bóng

Sáng 31/3, đông đảo người dân Nam Ô đã có mặt tại khu vực lối dẫn xuống ghềnh đá để theo dõi việc tháo dỡ rào chắn và yêu cầu trả lại diện tích sân bóng đã bị vây Ảnh Nguyễn Thành
Sáng 31/3, đông đảo người dân Nam Ô đã có mặt tại khu vực lối dẫn xuống ghềnh đá để theo dõi việc tháo dỡ rào chắn và yêu cầu trả lại diện tích sân bóng đã bị vây Ảnh Nguyễn Thành
TPO - Ngày 31/3, đông đảo người dân Nam Ô có mặt tại khu vực ghềnh đá Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) để theo dõi việc tháo dỡ rào chắn tại dự án khu du lịch sinh thái Nam Ô. Đồng thời, người dân cũng yêu cầu trả lại sân bóng vốn là nơi thanh niên trong làng sinh hoạt, tập luyện thể thao.

 Tháo dỡ rào chắn tại khu vực ghềnh đá Nam Ô. Clip : Nguyễn Thành

 
Người dân Nam Ô đòi lại sân bóng ảnh 1

Bảo vệ và người của chủ đầu tư dự án tiến hành tháo dỡ các tấm tôn vây dự án tại khu vực Nam Ô 2 - Ảnh Nguyễn Thành

Về diện tích đất tại khu vực được cho là sân bóng, bà Nguyễn Thị Tố Nga (tổ 150, phường Hòa Hiệp Nam), cho biết: Đây được gọi là sân bóng Nguyễn Văn Trỗi. Sân bóng này do thanh niên và người dân trong vùng góp công góp sức san ủi tạo lập nên từ năm 1976 để sinh hoạt, luyện tập thể dục thể thao. Nhưng nay thành phố giao luôn phần diện tích sân bóng này cho dự án, người dân yêu cầu trả lại sân bóng cho thanh niên, con cháu sinh hoạt. Nếu giao sân bóng cho dự án phải có ý kiến với người dân".

Người dân Nam Ô đòi lại sân bóng ảnh 2  Một bảo vệ tháo vít, gỡ tôn rào chắn quanh dự án. Ảnh: Nguyễn Thành

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết: Trong hai ngày 30 và 31/3, lãnh đạo quận đã trực tiếp đi kiểm tra và yêu cầu công ty mở toang cổng rào, ủi đất tạo lối xuống biển tại khu vực cuối đường Nguyễn Tất Thành để phục vụ người dân và du khách. Những lối xuống biển tạm đã được mở tạm phải san ủi bằng phẳng để người dân đi xuống biển thuận lợi. Riêng đường ra ghềnh đá Nam Ô, trong khi chờ chủ trương của thành phố về dự án này, quận yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ hàng rào và mở đường 4m để du khách xuống ghềnh thuận lợi hơn. Ngoài ra, quận cũng yêu cầu phường huy động đoàn viên thanh niên tổng dọn vệ sinh khu vực bãi biển, ghềnh đá và các di tích tâm linh trong vùng dự án. 

“Trong bản vẽ quy hoạch của dự án không có lối xuống biển cho dân. Hiện nay, quận đang chờ chủ trương của thành phố. Khi nào thành phố và chủ đầu tư thống nhất được việc điều chỉnh quy hoạch thì địa phương sẽ triển khai và hỗ trợ doanh nghiệp đúng như vậy”, ông Thiết cho biết.

Người dân Nam Ô đòi lại sân bóng ảnh 3 Bản quy hoạch dự án không có lối xuống biển cho dân - Ảnh Nguyễn Thành 

Riêng 10ha đất thành phố đã bán cho Công ty CP Trung Thủy với giá 63 tỷ đồng (sau khi giảm 10% tiền sử dụng đất), ông Thiết cho biết: không nắm được diện tích này nằm ở đâu trên bản vẽ. Làng chài, ghềnh đá Nam Ô có nằm lọt trong 10 ha này hay không thì ông Thiết cũng không rõ.

“10ha đó phải hỏi chủ đầu tư. Quận chỉ giải tỏa đền bù theo sơ đồ quy hoạch dự án. Việc giao đất như thế nào là của thành phố”,  ông Thiết cho hay.

Riêng về phần diện tích sân bóng, theo ông Thiết hiện nay quận Liên Chiểu đã yêu cầu công ty tháo dỡ rào chắn. Và quận đã giao cho phường và các đoàn thể vận động giải thích cho người dân. “Lối xuống biển tạm thời quận yêu cầu công ty phải mở, san ủi cho dân đi lại thuận tiện và thoải mái. Nhưng quy hoạch lối xuống biển khi dự án hoàn thành như thế nào thì phải chờ chủ trương thành phố”, ông Thiết cho biết.

Ngày 30/3, Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng đã có thông cáo gửi các cơ quan báo chí, trong đó, liên quan đến việc rào chắn và lối xuống biển, công ty này cho biết, việc rào chắn là “để giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của xà bần, khói bụi và rác thải phát sinh từ công tác giải phóng mặt bằng, cải tạo vệ sinh khu đất đến sinh hoạt của các hộ dân”. Đồng thời, cũng cho biết: không chặn đường xuống biển như thông tin đang phổ biến trên mạng xã hội, mà vẫn giữ lại 5 lối đi xuống biển và còn dọn sạch để các lối đi này an toàn và thông thoáng hơn cho người dân xuống tắm biển.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, chỉ sau khi người dân có ý kiến thì công ty mới mở các lối xuống biển tạm.  

MỚI - NÓNG