Làm công trình tiền tỷ để… tưới cỏ
Năm 2010, Dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam được khởi công xây dựng tại xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc, TT-Huế), do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Dự án có tổng vốn đầu tư trên 654 tỷ đồng, bằng vốn trái phiếu Chính phủ.
Đến năm 2017, dự án hoàn thành các hạng mục chính như hồ chứa Thủy Yên, đập chính, tràn xả lũ, cùng với các công trình phụ trợ như nhà điều hành, hệ thống kênh dẫn phục vụ cấp nước tưới cho các vùng hạ du. Riêng hệ thống kênh dẫn đầu mối được xây dựng sau cùng, do Cty Cổ phần 1/5 thầu thi công, gồm kênh Chính Đông và Chính Tây.
Theo tìm hiểu của PV, từ khi hoàn thành, bàn giao từng phần cho Cty quản lý thủy lợi đưa vào vận hành, sử dụng, hồ thủy lợi Thủy Yên nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như xuất hiện mạch rò nước ngầm chân đập chính, hồ chứa chặn luôn lối vào rừng thu hoạch lâm sản của dân… Mới đây, nông dân Lộc Thủy lại bức xúc phản ánh, họ chịu cảnh bỏ hoang ruộng đồng khô khát do hệ thống kênh dẫn Chính Tây thấp hơn mặt ruộng. Nước dẫn từ hồ chứa có dung tích hàng chục triệu m3 đưa về nhánh kênh này chủ yếu để tưới cho… cỏ dại.
Theo chân ông Nguyễn Văn Tuyên, trưởng thôn Nam Phước (xã Lộc Thủy) ra thăm nhánh kênh Chính Tây chạy dọc núi Phước Tượng, chúng tôi không còn nhận ra đây là con kênh dẫn vừa được đầu tư gần 12 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng trong một vụ lúa. Đoạn cuối nhánh kênh tiền tỷ hiện bị ngập chìm hoàn toàn trong bùn cát, cỏ dại.
Những đoạn kênh khác thuộc nhánh Chính Tây còn lộ bờ tường bê tông trên mặt đất thì chứa đầy bùn cát, dù đơn vị quản lý công trình thủy lợi nhiều lần tổ chức nạo vét, khơi thông. Cũng tại đoạn kênh cuối dài gần cả cây số của nhánh dẫn Chính Tây, đáy kênh bị xì bục tại rất nhiều vị trí, khiến bùn cát ngày đêm sủi ngược lên trên gây tắc dòng, ảnh hưởng chất lượng vận hành.
Ông Nguyễn Văn Tuyên cho biết, thực trạng kênh dẫn tiền tỷ không phát huy tác dụng, ruộng đồng phải bỏ hoang, công trình có dấu hiệu làm dối, lỗi thiết kế do mặt kênh xây thấp hơn ruộng, đáy kênh bị xì bục… đã được người dân, xã viên, nông dân phản ánh đến các cấp có thẩm quyền qua các lần tiếp xúc cử tri, nhưng đến nay, chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm khắc phục dứt điểm những sự cố nêu trên.
Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy - bà Trần Thị Thanh Bình cho rằng, ý kiến phản ánh của bà con nông dân là xác đáng. Tuy nhiên, sự việc vượt quá thẩm quyền xử lý của địa phương, nên đề nghị tỉnh, huyện sớm quan tâm giải quyết, bảo đảm an toàn và hiệu quả cấp nước cho bà con.
Chưa có ý kiến gì vì… chưa đi kiểm tra
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Cty Quản lý & Khai thác Công trình Thủy lợi (QLKTCTTL) TT-Huế cho biết, đơn vị chỉ tiếp nhận công trình nên không rõ quá trình thiết kế, thi công. Vị này cho rằng, kênh dẫn Chính Tây hiện hoạt động có vấn đề, gây khó khăn vận hành cấp nước tưới.
Dù công tác bàn giao công trình chưa xong, nhưng thời gian qua, công ty đã cùng nông dân tổ chức khắc phục tình trạng bồi lấp, khơi thông dòng do bùn cát từ bên ngoài xâm nhập vào.
Cũng theo ông Đính, do kinh phí có hạn nên chưa thể xử lý, nạo vét, trả về nguyên trạng những đoạn kênh đã “biến mất” trong cỏ dại, ngập sâu giữa bùn cát. Nhiều đoạn kênh dù nhiều lần nạo vét vẫn tiếp tục bị cát xâm nhập do bị xì bục đáy và nằm “âm” dưới mặt ruộng.
Trao đổi với báo chí về thực trạng kênh dẫn thấp hơn ruộng, bị vùi lấp nghiêm trọng, ông Trương Văn Giang, Giám đốc BQL Dự án hồ chứa nước Thủy Cam - Thủy Yên cho rằng, đây là thiết kế có ý đồ. “Đoạn cuối nhánh kênh dẫn sở dĩ thấp hơn mặt ruộng như hiện nay là nhằm để bảo đảm dẫn nước tưới cho những vùng ruộng xa hơn, rộng hơn về sau này... Còn báo chí thích viết gì thì cứ viết”, ông Giang nói.
Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở NN&PTNT TT-Huế, cho biết, do chưa đi kiểm tra thực tế công trình nên chưa có ý kiến gì. Trong khi, theo ông Đỗ Văn Đính, sự cố tắc dòng tại kênh dẫn Chính Tây đã được công ty nhiều lần kiến nghị đến cấp có thẩm quyền xem xét, nhưng chưa được xử lý. Mặt khác, cử tri xã Lộc Thủy cũng không ít lần lên tiếng về con kênh tiền tỷ dùng tưới cỏ này, nhưng cứ rơi vào điệp khúc “dân cần, quan chưa vội” (!).