Hà Nội xây dựng nông thôn mới: Nhiều công trình tiền tỷ bỏ hoang

Nhà máy cấp nước tưới xã Thụy Hương bỏ hoang.
Nhà máy cấp nước tưới xã Thụy Hương bỏ hoang.
TP - Dù được đầu tư cả chục tỷ đồng nhưng nhiều công trình xây dựng trong chương trình nông thôn mới tại Hà Nội vẫn bị bỏ hoang hoặc hiệu quả rất hạn chế. Chưa biết đến khi nào những công trình này mới có thể đi vào sử dụng để cải thiện cuộc sống người dân.

Nhiều công trình nước sạch bỏ hoang

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến hai trạm cung cấp nước tưới được đầu tư hàng chục tỷ đồng tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Mặc dù đã được công nhận xã điểm nông thôn mới toàn quốc từ nhiều năm qua nhưng ít có ai ngờ rằng cũng ngay tại đây đang còn tới hai nhà máy cấp nước đang…chờ người sử dụng! Trước mắt chúng tôi, khu nhà máy cấp nước cỏ hoang bao quanh rậm rạp, đường ống nước hoen gỉ.

Theo vợ chồng anh Dân (đội 5 thôn Tân An, xã Thụy Hương), ống nước mà nhà nước đầu tư mấy năm trước đã không còn sử dụng được, có chỗ chôn nông quá, người dân làm ruộng bị vướng nên chặt bỏ vứt đi. Rốt cuộc các hộ phải tự bỏ tiền đào giếng chứ nhà máy nước này chưa hoạt động ngày nào.

Ông Đặng Đình Vườn (60 tuổi), chỉ vào nhà máy nước lắc đầu ngao ngán: “Trạm cấp nước đầu tư hàng chục tỷ đồng mà không phục vụ dân được ngày nào. Các hộ phải tự bỏ tiền đào giếng, lấy nước tưới hoa màu”. Theo ông Vườn, ban đầu nghe có mô hình trạm bơm nước tưới đến xã, ai cũng ủng hộ. Nhưng khi làm không ai hỏi ý kiến dân, không đánh giá đầy đủ dẫn đến làm xong lại bỏ hoang, rất lãng phí. “Giá mà hàng chục tỷ đó cho nông dân vay vốn để làm ăn, chắc người dân sẽ không bỏ đi làm công ty nhiều như bây giờ”, ông Vườn chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Lam, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn xã Thụy Hương cho biết, tổng diện tích trồng rau của HTX khoảng 5 ha nhưng việc tiêu thụ rất khó khăn. Rau vẫn được tưới bằng hệ thống nước từ trạm bơm số 1, nhưng phải thay đường ống riêng bởi đường ống cũ hỏng, không sử dụng được. Quy hoạch rau ban đầu của xã Thụy Hương là 79,5 ha, do đó mới xây 2 trạm bơm nước. Nhưng nay do người dân không chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch nên chỉ còn một trạm bơm nước hoạt động. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương cho hay: 2 trạm bơm nước do thành phố Hà Nội đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, bao gồm: xây dựng trạm, đường điện, ống bơm… “Hiện nay, các ống nước vẫn đang ở dưới đất, tuy nhiên, trạm chưa có đối tượng phục vụ do nhân dân không cần sử dụng nước từ nhà máy. Nếu dân cần thì trạm bơm vẫn có thể phục vụ được”, ông Thắng cho hay.

Nhà máy nước sạch tại thôn Bảo Lộc (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) khánh thành cách đây 5 năm với tổng số vốn đầu tư khoảng 9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của TP Hà Nội. Tuy nhiên cũng từng ấy năm, nhà máy cung cấp nước sạch này “đắp chiếu” do thiếu cán bộ chuyên môn quản lý vận hành. Đại diện lãnh đạo UBND xã Võng Xuyên cho biết từ đầu năm 2017, trạm cấp nước sạch mới bàn giao cho đơn vị quản lý theo hướng xã hội hoá, đầu tư thêm trang thiết bị nhưng vẫn hoạt động cầm chừng vì mới có khoảng 20% số người dân khu vực lân cận nhà máy sử dụng.

Thành phố đã chỉ đạo khắc phục

Trao đổi với PV Tiền Phong về tình trạng một số công trình có dấu hiệu lãng phí nêu trên, ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: “Đây là 2 trạm xây dựng để cấp nước theo hình thức tưới phun bây giờ bỏ hoang lãng phí trong khi nhiều nơi khác tôi đi thực tế thì mơ cũng không có. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã giao UBND huyện Chương Mỹ phải chỉ đạo xã Thụy Hương sớm có giải pháp đưa hai trạm nước tưới vào phục vụ sản xuất. Đương nhiên khi đó phải có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng của khu vực thì mới sử dụng được hai trạm nước tưới này và đây là khâu khó nhất. Để xảy ra hậu quả này chính là do trước đây đã đầu tư kiểu quy hoạch đi trước sớm quá nên người dân không sử dụng”.

Cũng theo ông Cương, trên địa bàn thành phố vẫn còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản khi xây dựng nông thôn mới. Ngay tại xã điểm về nông thôn mới của toàn quốc là Thụy Hương là xã có số nợ đọng lớn nhất lên tới khoảng gần 30 tỷ đồng và rất khó giải quyết. Nguyên nhân do lúc đầu duyệt phương án thì các nguồn vốn đều đủ cả nhưng sau đó đấu giá đất chậm dẫn đến giá đất giảm mạnh, không có tiền trả các nhà thầu. Chưa tính số nợ của xã Thụy Hương, tổng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới của Hà Nội hiện còn khoảng gần 120 tỷ đồng và tập trung tại hai huyện Quốc Oai, Ba Vì.

Về trạm cấp nước sạch tại xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, ông Cương cho rằng gặp khó khăn do nhận thức của người dân, thu nhập của người dân còn thấp. Nước sạch là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới và trong quyết định của thành phố thì đến cuối năm 2020 toàn thành phố phải được sử dụng nước sạch. Nhà nước đã đầu tư nhà máy, đường ống dẫn nước theo các trục đường giao thông nhưng phần thiết bị đưa nước vào trong nhà thì người dân phải đóng góp. Trong khi đó nhiều người vẫn suy nghĩ là mình có nước mưa, nước giếng không mất tiền thì không cần nước máy.

Hiện nay thành phố đang xem xét các yếu tố như phần đầu tư dẫn nước vào các hộ dân, tính toán giá nước, chi phí quản lý vận hành nhà máy. Trước đây có khá nhiều trạm cung cấp nước sạch rơi vào tình trạng “để hoang” nhưng nay đã khắc phục được khá nhiều.

Một chuyện thật tưởng như đùa đó là tại xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ mặc dù đã có trạm y tế quy mô khá lớn nhưng không hiểu sao lại được đầu tư thêm 1 trạm y tế nữa gần khu vực Miếu Môn. Sau gần chục năm bỏ hoang, giữa tháng 4/2017, trạm y tế số 2 của xã mới khai trương hoạt động. Do bỏ hoang nhiều năm, nhiều hạng mục xuống cấp, phải đầu tư thêm tới 3 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp mới có thể vận hành. “Do trạm thứ 2 đặt tại nơi dân cư thưa thớt nên hàng ngày có rất ít người đến khám bệnh”, một cán bộ có trách nhiệm của xã Trần Phú cho hay.

MỚI - NÓNG