Chuyện ông Bộ trưởng “giọng Quảng”
Có một chuyện về giọng Mỹ Lợi từ chừng 20 năm trước. Hồi đó, tại nghị trường Quốc hội thường xuất hiện một vị Bộ trưởng người gầy, tóc bạc nói “giọng Quảng” đăng đàn trả lời những vấn đề nóng bỏng về đầu tư, phát triển kinh tế thời ấy. Nam - cậu thanh niên người Vinh Hưng (vùng khu 3 huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) lên phố học nghề máy gầm ô tô hay sang nhà xem tivi mỗi chập tối. Một tối, vị Bộ trưởng kia lại xuất hiện trên tivi trong chương trình thời sự. Ðang xem, Nam nói với mấy người xung quanh, ông Bộ trưởng kia có gốc gác cạnh làng cậu ta. Một vài người nghe vậy bực mình cự cãi. Rõ ràng ông Bộ trưởng nói giọng Quảng rành rành ra thế kia, vậy mà cậu thanh niên người Phú Lộc thấy “người sang” cứ nhận “vơ” là đồng hương.
Rồi tranh cãi, cá cược xảy ra. Sau cùng, chưa biết lấy gì “đối chứng” để quyết định thắng thua, thì có cậu thanh niên người Bắc bước đến chỗ tôi: - Anh làm báo chắc biết ông Bộ trưởng đó quê đâu chứ? “Thì ông ấy là người làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên chứ có chi mà tranh cãi”, nghe tôi nói vậy, đám thanh niên không “cùng phe” với Nam vùng vằng bỏ về, quyết không chịu chung chi cữ rượu đế thua độ vì… giọng Quảng của ông Bộ trưởng. Chúng cứ nghi tôi nói láo, bênh đồng hương.
Tôi quê Phú Lộc nhưng ở vùng khu 1 dọc Quốc lộ 1, còn Nam ở khu 3 thuộc tuyến biển nằm bên kia đầm phá, nơi có làng Mỹ Lợi nổi tiếng. Thuở nhỏ, tôi từng gặp những người Mỹ Lợi hay đi đò vượt phá Cầu Hai sang làng tôi buôn bán. Trong ký ức trẻ thơ tôi hồi đó, họ là những người cần cù, siêng năng, chất phát, dễ gần, chỉ có tiếng nói là lạ tai như từ đất Quảng ra, nhưng nghe bè bẹ, trài trại. Mạ tôi nói đó là giọng Mỹ Lợi!
Lớn lên làm báo, tôi có dịp tiếp xúc nhiều hơn với những người Mỹ Lợi, trong đó có Tuấn - một đồng nghiệp. Tuấn nói “giọng Quảng”, nhưng dần dà tôi để ý có những điểm lạ, như “phía trên”, “mần răng”, “đi mô” thì nói thành “ở côi”, “làm sao”, “đi đâu”…; rồi những “sao, vậy, kìa…” khác với “răng, ri, mô, rứa, tê, nớ” rặt chất người miền Trung thường nói xưa nay.
Bí ẩn cội nguồn giọng Mỹ Lợi
Một lần theo về quê Mỹ Lợi “sao vậy kìa” của Tuấn chơi. Tôi lấy làm lạ. Mỹ Lợi cách thôn Lương Viện, xã Vinh Hưng mỗi con đường nhỏ, không cách sông trở đò, nhưng giọng hai làng không hề pha trộn. Ngay như trong xã Vinh Mỹ (làng Mỹ Lợi xưa), từ thôn 1 đến thôn 4 nói giọng “Quảng”, nhưng đến thôn 5 nằm bên kia đường bê tông chưa đầy 3 mét lại là giọng Huế. Hàng trăm năm nay vẫn vậy. “Từ bao đời nay vậy rồi anh ạ, không pha trộn. Nếu đi sâu vào các thôn 1 và 2 của làng Mỹ Lợi xưa, giọng Mỹ Lợi càng đậm đặc và nguyên chất hơn”, Tuấn bày tỏ.
Chợt nhớ có lần tình cờ gặp ông Huỳnh Ðược (64 tuổi, người làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ ), tôi nghe người này kể hay đi công chuyện Sài Gòn, Hà Nội, Ðắk Lắk, vẫn dùng “ngôn ngữ Mỹ Lợi” để giao tiếp mà không hề tự ti, e ngại. Theo ông Ðược, làng Mỹ Lợi có giọng nói rất riêng, tựa tiếng Quảng Nam nhưng cũng có nhiều điểm khác. “Từ khi lúc sinh ra, lớn lên, tôi đã mang tiếng nói riêng này, nó bắt nguồn từ đâu thì là “hậu sinh” như tôi cũng không thể biết. Chỉ nghe những người đi trước nói rằng, người ở làng này hầu hết gốc ở Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa”, ông Ðược kể.
Tôi hỏi Tuấn có “gặp khó” gì không về “giọng Quảng” giữa bốn bề tiếng Huế. “Ðúng là giọng Mỹ Lợi gây khó, hồi bé từng làm em ngại giao tiếp. Nhưng theo thời gian sinh hoạt, giao lưu, mình phát âm cho nhẹ hơn so với “bản gốc” để mọi người nghe dễ hiểu hơn. Còn tại làng Mỹ Lợi, giọng vẫn đậm như xưa vậy. Người Mỹ Lợi dù đi tới đâu, thậm chí sang đến Mỹ, hễ cất tiếng chào là nhận ra nhau ngay. Ðây là nét văn hóa, nét duyên mà con em làng Mỹ Lợi rất đỗi tự hào khi nhắc đến con người và quê hương mình”, Tuấn bộc bạch.
Ðề cập về gốc gác giọng nói, có những người làng Mỹ Lợi từng cho rằng, tổ tiên họ sau khi về Mỹ Lợi cư ngụ đã có thời gian dài vào xứ Quảng mưu sinh, rồi quay trở lại nên nói lai tiếng Quảng. Cách lý giải này, theo giới nghiên cứu xem ra vẫn chưa ngã ngũ. Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, công tác tại Hội Nhà báo TT-Huế, cho rằng, chất giọng “Quảng” như ở Mỹ Lợi có thể theo vệt di dân từ Thanh Hóa tiến xuống phía Nam thời chúa Nguyễn. “Có một vùng ở Thanh Hóa nói thứ “giọng Quảng” này, rồi vùng Cảnh Dương - Quảng Bình cũng vậy, nó cách rất xa Quảng Nam. Kế đến là Mỹ Lợi của Thừa Thiên Huế. Giọng cứ na ná nhau. Cho nên, đây có thể là giọng gốc từ phía Bắc di chuyển vào, chứ không phải lai từ Quảng Nam ra”, ông Thu phân tích.
Còn trong cuốn “Ðịa chí văn hóa làng Mỹ Lợi”, các nhà nghiên cứu cũng không đồng tình với giải thích hiện tượng ngôn ngữ làng Mỹ Lợi lai từ đất Quảng. “Ðể thay đổi tiếng nói (ngữ âm), thì ít ra cũng phải đến thế hệ thứ hai, thứ ba; các ngài khai canh Mỹ Toàn (tên xưa làng Mỹ Lợi) nếu vào Quảng Nam thì tuổi đã già, khó thay đổi tập quán ngôn ngữ” (Ðịa chí văn hóa làng Mỹ Lợi). Nhà văn Hồng Nhu khi đề cập về giọng Mỹ Lợi trên báo chí cũng từng đưa ra ý kiến: rất có thể giọng Mỹ Lợi quê ông ngày nay còn giữ nguyên chất giọng của gốc tổ Lương Niệm ở Sầm Sơn, Thanh Hóa xưa.
Làng “VIP”!
Theo Ðịa chí văn hóa làng Mỹ Lợi, nơi đây tiền thân là phường Mỹ Toàn, ra đời chính thức năm 1562 thời chúa Nguyễn Hoàng. Cư dân Mỹ Lợi có gốc gác từ xã Lương Niệm, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, theo đoàn quân của Nguyễn Hoàng vào Nam. Sau khi xong quân vụ đã khai khẩn đất đai, xin thành lập phường Mỹ Toàn, thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa; nay là xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Không chỉ có giọng nói đặc biệt, Mỹ Lợi được xem là ngôi làng “địa linh nhân kiệt”, và là nơi lưu giữ nhiều di vật văn hóa quý báu. Cuối năm 2009, tại làng Mỹ Lợi, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh này bàn giao văn bản chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cho Bộ Ngoại giao Việt Nam. Ðây là văn bản quý, viết bằng chữ Hán trên giấy dó, rất có giá trị về lịch sử, được làng Mỹ Lợi lưu giữ như báu vật từ hơn 250 năm nay. Sau này, tiếp theo danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang và Bằng có công với nước, năm 2011, làng Mỹ Lợi vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Ngược dòng thời gian, làng Mỹ Lợi từng có nhiều người đỗ đạt khoa cử, ra làm quan dưới thời phong kiến như Hoàng Văn Tuyển (1824-1879) đậu tiến sĩ khoa Tân Hợi (1851) từng làm Tổng đốc Bình Ðịnh và Thượng thư bộ Công; Hoàng Trọng Nhu đỗ cử nhân khoa Kỷ Dậu (1909) năm 38 tuổi, Huỳnh Văn Tích đỗ tú tài, sau làm Tri huyện Hoà Ða (Bình Ðịnh). Ðặc biệt, Mỹ Lợi cũng là nơi sinh ra bà Hoàng Thị Cúc, sau này là Ðoan Huy Hoàng thái hậu (tức Ðức Từ Cung), mẹ vua Bảo Ðại - vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn…