Đội vốn, dư thừa biên chế
Theo Bộ Tài chính, những năm gần đây chi thường xuyên luôn chiếm tới 70% chi ngân sách hàng năm. Trong khi đó, để có vốn chi đầu tư phát triển ngân sách phải đi vay qua trái phiếu, vốn nước ngoài; thậm chí có vốn nhưng giải ngân không đạt mục tiêu đề ra, còn những dự án thực hiện lại đội vốn lớn. Cùng đó, dù chủ trương chung là tinh giảm biên chế, nhưng biên chế nhà nước vẫn tăng và dư thừa...
Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước được Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày tại Quốc hội chiều 21/5 cho thấy, bức tranh đầu tư công đang có vấn đề. Nhiều dự án đầu tư công phải điều chỉnh tăng vốn vượt kế hoạch nhiều lần, như Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (Ninh Bình) điều chỉnh vốn tăng 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng); Dự án Cảng nhập than Trung tâm điện lực Vĩnh Tân điều chỉnh 3 lần tăng 3.020 tỷ đồng; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn 1, điều chỉnh 2 lần tăng 10.322 tỷ đồng...
Còn theo kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng công chức, viên chức, lao động hợp đồng và quỹ lương nhà nước năm 2016 tại 13 bộ ngành, 47 địa phương chỉ rõ: Có 11 bộ ngành, địa phương giao vượt 5.069 biên chế so với con số Bộ Nội vụ phê duyệt (TPHCM giao thừa 3.456 người, Bình Dương thừa 678, Quảng Ninh thừa 372...); có 5 địa phương giao 905 chỉ tiêu biên chế cho các cơ quan hành chính không đúng quy định; có 34 bộ ngành, địa phương sử dụng lao động tại các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập vượt quy định tới 63.279 người... Việc giao thừa, giao sai chỉ tiêu biên chế khiến quỹ lương ngân sách nhà nước năm 2016 tăng tới 859 tỷ đồng so với kế hoạch.
Hàng năm thu ngân sách nhà nước dù vượt mục tiêu nhưng không đủ bù chi. Cụ thể, năm 2015 thu ngân sách vượt 8,6% dự toán; năm 2016 vượt 7,8% dự toán; năm 2017 vượt 5,9% dự toán. Dù vậy, để có vốn đầu tư phát triển, nhà nước phải phát hành trái phiếu, vay vốn nước ngoài để có nguồn chi.
Nhiều dự án ngàn tỷ đắp chiếu...
Báo cáo Đánh giá Chi tiêu công của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cuối năm 2017 cho thấy, chi ngân sách của Việt Nam liên tục tăng cao. Trong đó, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn (với 70% tổng chi ngân sách hàng năm). “Chi thường xuyên lớn do chi lương và phụ cấp tăng nhanh, khoản chi này (đến nay) đã chiếm tới 20% tổng chi ngân sách. Quỹ lương tăng chủ yếu do tăng biên chế, điều này đi ngược lại chủ trương cắt giảm biên chế nhà nước. Tăng biên chế có năm rất mạnh ở cả cấp trung ương và địa phương, thậm chí cao hơn tăng dân số”, báo cáo đánh giá. Báo cáo so sánh, chi lương khu vực công của Việt Nam cao gấp 3 lần Singapore, gấp 2 lần Indonesia và Hàn Quốc. Từ đó, WB nhận định, với tốc độ tăng biên chế nhà nước hiện nay, biên chế khu vực công của Việt Nam có thể vượt mức bình quân của các quốc gia có thu nhập trung bình trong vài năm tới. Ngoài ra, việc sử dụng tài sản công lãng phí cũng là vấn đề Việt Nam gặp phải và gây sức ép lên ngân sách, trong khi đầu tư công còn dàn trải, lãng phí…
Trao đổi với Tiền Phong, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng, tình trạng ngân sách thất thoát, lãng phí còn rất lớn. Theo ông, hàng chục nghìn tỷ đồng đang bị thất thoát do tham nhũng, đầu tư không hiệu quả, như việc Mobifone mua AVG với giá “trên trời”, nhiều dự án hàng nghỉn tỷ đồng “đắp chiếu”; chi ngân sách cho hội hè, bộ máy quá lớn; chi xe công mỗi năm lên tới 12.000 tỷ đồng... “Tất cả đó đều là tiền của người dân chắt chiu đóng góp cho nhà nước qua thuế, nhưng việc sử dụng từng đồng tiền thuế lại không hiệu quả, nhìn vào ai cũng xót xa”, ông Đào nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận định, chi ngân sách nhà nước hiện tồn tại vấn đề rất lớn. Theo đó, có trên 70% chi ngân sách dành cho chi thường xuyên, 15% chi trả nợ vay, chỉ còn khoảng 10-15% cho chi đầu tư phát triển. “Cơ cấu chi ngân sách như vậy hoàn toàn không lành mạnh, muốn lành mạnh chi đầu tư phải lớn hơn. Người dân đóng thuế chỉ mong tiền của mình được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và vì lợi ích người dân. Nhưng thực tế không phải vậy, điều này khiến mỗi khi đề xuất tăng khoản thu ngân sách nào đó được đưa ra đều bị người dân phản ứng dữ dội”, ông Châu nói.