Kiểm soát quyền lực để triệt tiêu chạy chức, chạy quyền

TP - Thảo luận tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng về cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, đại biểu đề nghị cần làm rõ việc chạy: như ai chạy và chạy ai. Bên cạnh đó, khi xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, ngoài mục tiêu để không dám “chạy”, không thể “chạy”, thì cũng cần hướng đến 2 mục tiêu khác là: không cần “chạy” và không muốn “chạy”…

Cần xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc kiểm soát quyền lực và ngăn chặn chạy chức chạy quyền là vấn đề bức thiết trong công tác xây dựng Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị của Ban Tổ chức T.Ư trong tham mưu công tác xây dựng Đảng và tổ chức. Theo ông Hùng, cần bổ sung cơ chế kiểm soát quyền lực kèm theo thiết chế. “Ngoài hướng đến mục tiêu để không ai dám “chạy chức, chạy quyền”, không thể “chạy”, thì cũng cần bổ sung thêm 2 mục tiêu nữa để mọi người không cần “chạy” và không muốn “chạy”, ông Hùng nói.

Về giải pháp ngăn chặn những tiêu cực, vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ, ông Hùng cho rằng, khâu nhận xét đánh giá cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử là những khâu có ý nghĩa quan trọng, quyết định chất lượng công tác cán bộ. Do đó cần xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ. Cơ quan làm công tác cán bộ cũng phải theo dõi cán bộ thường xuyên, có hệ thống, không chờ đến khi kiểm điểm cuối năm mới kiểm tra.

Đối với việc giới thiệu, ứng cử và bổ nhiệm cán bộ, ông Hùng đề nghị việc lấy tín nhiệm cán bộ trước khi bổ nhiệm cần thực hiện theo quy trình chặt chẽ, đầy đủ. Theo đó, cần xây dựng tiêu chí tín nhiệm gồm năng lực lãnh đạo, quản lý tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Các tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, sự tín nhiệm về triển vọng phát triển và khả năng đáp ứng nhiệm vụ khi được bổ nhiệm cũng cần quy định rõ. “Khi thực hiện lấy tín nhiệm nên lấy ít nhất từ hai người trở lên trong danh sách đã được quy hoạch để lựa chọn”, ông Hùng nói.

Từ thực tế những vụ việc xảy ra ở Bộ Công Thương thời gian qua, trong đó có những vụ việc như tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ rằng “cần phải nêu cao ý thức phê bình và tự phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh để thấy rõ khuyết điểm, sửa chữa và lấy đó làm bài học cảnh tỉnh, răn đe”. Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, có nguyên nhân chủ quan, mang tính vụ lợi thể hiện qua tính cá nhân trong quy trình cán bộ. Bên cạnh đó có hiện tượng chủ quan, buông lỏng, phó mặc hết cho cơ quan tham mưu, dễ dãi đồng ý với tất cả ý kiến tham mưu, đề xuất, không có thẩm tra, xem xét kỹ.

Kiểm soát quyền lực để triệt tiêu chạy chức, chạy quyền ảnh 1 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng.

Nhiều người vẫn cố tình vượt “đèn đỏ”

Đề cập đến vấn đề chạy chức, chạy quyền, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cho rằng phải đặt vấn đề “ai chạy và chạy ai? Lâu nay chúng ta vẫn nói công tác cán bộ là vấn đề khó nên Ban Tổ chức cần có lời giải”. Cũng theo ông Đọc, trong công tác cán bộ thì đánh giá cán bộ là rất quan trọng, nếu không đánh giá thì khó bố trí đúng. “Trước đây chúng ta “trong số ít chọn số ít”, gần đây là “trong số nhiều chọn số ít”, nhưng theo tôi nên hướng đến số nhiều chọn số ít. Với một chức danh nên chọn nhiều số dư để lựa chọn. Các chức danh chủ chốt nên 1- 2, thậm chí là 3 để đại hội chọn. Đại hội nên bầu trực tiếp bí thư ở cấp cơ sở”, ông Đọc kiến nghị.

Trình bày báo cáo của ngành, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Ban Tổ chức T.Ư cho biết, sẽ tập trung hoàn thiện một số việc cần làm nhằm ngăn chặn, khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, góp phần xóa bỏ những tiêu cực trong cơ chế xin - cho; duyệt - cấp; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, sân sau, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa….

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải cho rằng, những vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chạy chức chạy quyền cũng đều có nguyên nhân. Theo đó, có lúc chúng ta theo đuổi quan điểm đổi mới nhưng có tư duy đổi mới là phải phá cách nhiều, cho rằng thế mới là sáng tạo, thế mới là tư duy đột phá dẫn đến nhiều cái vượt ra khỏi khuôn khổ, quy định, vượt ra khỏi cách chúng ta chỉ đạo dẫn đến bị trượt đi một thời gian dài.

“Khi đó, ta lại xử lý lỏng lẻo, không nghiêm, dung túng, tha thứ nên dẫn đến tật xấu tác động đến cả cán bộ, công chức, thậm chí cả những công chức bên dưới. Đây là cái chúng ta còn để kéo dài nên phải tập trung chấn chỉnh”, ông Hải nói.

Ông Bùi Văn Hải cho rằng cần thực hiện mạnh hơn, quyết liệt hơn khâu kiểm tra, thanh tra, giám sát. “Vừa rồi Trung ương làm rất mạnh nhưng mới chỉ dừng lại ở Ủy ban Kiểm tra T.Ư còn dưới chưa mạnh lắm. Các địa phương tới đây phải đẩy mạnh và quyết liệt hơn việc kiểm tra, giám sát, thanh tra”, ông Hải đề nghị.

Đề cập đến vấn đề phân cấp, phân quyền, ông Hải cho rằng dù đã có quy định nhưng rất nhiều trường hợp biết mà vẫn cố ý làm sai. Như tham gia giao thông, ai cũng biết đèn đỏ phải dừng nhưng có người vẫn cố tình đi. Như vậy phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý. “Không nghiêm thì không được, không thể cứ hô hào. Đi liền với kiểm tra phải xử lý nghiêm minh, chứ xử lý qua quýt thì lại “đâu vào đó”, đóng mác an toàn cho việc kiểm tra”, ông Hải nói. Ông Hải cũng đề nghị cần lắng nghe dư luận phản ánh về vi phạm của quan chức. Và trong trường hợp không bắt được quả tang nhưng dư luận phản ánh “rất xấu” thì cũng phải kiểm tra, xử lý.

Đúng quy trình nhưng... sai người, vì sao?

Phát biểu bế mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho rằng, liên quan tổ chức, nhân sự là rất nhạy cảm mà không có sự lãnh đạo, không làm việc đầy đủ, bài bản thì thiếu thông tin. “Thiếu lãnh đạo cộng với thiếu thông tin thì sẽ dẫn đến đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc”, ông Chính lưu ý và dẫn chứng, vừa qua, làm nhân sự cấp Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các cấp ủy cấp dưới rất nhiều. Đặc biệt khi bố trí lại các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên T.Ư Đảng cũng phải tham khảo ý kiến rất nhiều kênh. “Từ cách làm như vậy cộng với sự công khai minh bạch sẽ tạo ra không khí dân chủ mà không tạo ra sự chạy", ông Chính nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư phân tích thêm việc đưa ra quy trình 5 bước. “Từ đầu khóa đến giờ, T.Ư không có cái “chạy”, không biết việc này chứng minh ra sao, nhưng kết quả bố trí nhiệm vụ cho các đồng chí trong thời gian qua sẽ là minh chứng”, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh.

Về thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu, ông Chính cho biết sẽ được quy định cụ thể, hoàn thiện. Theo đó, những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, lãng phí bị xử lý trách nhiệm, cho thôi, miễn nhiệm cán bộ làm việc kém hiệu quả. Về cơ chế kiểm soát quyền lực, theo ông Chính vừa qua do không đầy đủ công cụ kiểm soát nên bị lợi dụng, tha hóa, biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho. Do đó bây giờ phải xây dựng quy chế, quy định của Đảng, luật pháp hóa, đồng thời công khai, minh bạch. Còn nếu để một vài người sử dụng quyền lực sẽ tha hóa. Khi công cụ có rồi thì phải tìm đối tượng phòng chống, có biện pháp xử lý đối với người chạy và người được chạy, nâng cao trách nhiệm giải trình.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân:

Trung ương “đốt lửa” to, cấp dưới chậm “đốt lửa” nhỏ

Đối với phòng chống suy thoái, tham nhũng, còn hạn chế ở khâu rút kinh nghiệm của Đảng, nhà nước, việc hoàn chỉnh, ban hành quy chế quản lý ở nhiều địa phương. Do định kỳ hàng năm đánh giá chưa toàn diện nên sai phạm cũ chưa được khắc phục đã xuất hiện sai phạm, suy thoái, tham nhũng mới. Đây là nguyên nhân của tình trạng ở cấp trên đốt lửa to, cấp dưới chậm đốt lửa hoặc đốt lửa nhỏ trong khi suy thoái, tham nhũng hàng ngày, hàng giờ huỷ hoại niềm tin của nhân dân, tài sản của nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy  Bình Thuận Nguyễn Mạnh Hùng:

Xót xa công tác cán bộ

Có người nói khi tổ chức cần thì tôi còn trẻ, khi tổ chức cần trẻ thì tôi đã già, khi tổ chức cần đàn bà thì tôi lại là đàn ông, khi tổ chức cần công nông thì tôi lại là trí thức, khi tổ chức cần tri thức đáp ứng cách mạng 4.0 thì tôi nhận được thông báo 5 tháng nữa nghỉ hưu. Nghe rất xót xa. Vì vậy cán bộ nào hội tụ đủ 4 tiêu chí nói trên, với nội dung phương thức thi tuyển thích hợp hãy tạo điều kiện để họ thể hiện rõ tài năng.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành

Nhận diện rõ quyền lực trung ương và địa phương

Chúng ta phải nhận diện quyền lực nằm ở đâu trong công tác tổ chức cán bộ. Trên tinh thần đặt ra có mấy ý là biểu hiện mà tôi thấy rất dễ nhận dạng, từ công tác quy hoạch, bổ nhiệm, tuyển dụng, đề bạt, luân chuyển... Mục tiêu đặt ra “không thể chạy” thì yêu cầu là phải có quy chế, quy định hết sức rành mạch, rõ ràng để không thể lách hay phá rào được. Còn “không dám chạy” tức là phải xử lý nghiêm, “không muốn chạy” thì cần có cơ chế chính sách và tạo điều kiện để cán bộ sống và làm việc được. Tuy nhiên về giải pháp nên nhận diện rõ hơn quyền lực cấp T.Ư và địa phương. Cần phân cấp mạnh mẽ hơn, nhưng phải tăng cường kiểm tra, xác định trách nhiệm người đứng đầu, tôi giao quyền cho anh rồi mà anh không làm được thì phải xử lý.               

V.K

MỚI - NÓNG
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
Khi nào Hà Nội chuyển lạnh trở lại?
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại miền Bắc, Thủ đô Hà Nội trong ít ngày qua duy trì ở ngưỡng nhiệt trung bình cao trên 30 độ C, cảm nhận thực tế nóng oi vào nhiều thời điểm trong ngày. Bộ phận không khí lạnh đang di chuyển về phía Nam dự báo sẽ ảnh hưởng tới khu vực trong dịp đầu tuần (18/11), biến động hạ nhiệt có thể sẽ kéo dài ít ngày.
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
Địa điểm xây ga đường sắt mới ở Đà Nẵng
TPO - Chính quyền thành phố Đà Nẵng có kế hoạch di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải tạo cảnh quan. Theo kế hoạch di dời, phần ga hành khách của ga Đà Nẵng sẽ được dời về khu vực hồ Trung Nghĩa (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).