Điểm đáng lưu ý, công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong nhiệm kỳ qua đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thống kê tại dự thảo văn kiện cho thấy, trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng. Trong đó, có 110 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu. Trong đó, có 24 Ủy viên Trung ương Đảng và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 3 Ủy viên Bộ Chính trị; 26 sĩ quan cấp tướng trong Quân đội, Công an.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng có kết quả tích cực qua từng năm. Nếu như năm 2016, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt 26%, thì đến năm 2019, con số này đã nâng lên 47,32%. Riêng các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản hơn 59.000 tỷ đồng.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho rằng, trong phòng, chống tham nhũng, không phải lúc nào cũng dễ dàng, bởi tham nhũng như “vòi bạch tuộc”, với nhiều mối quan hệ phức tạp. Do vậy, đòi hỏi những người làm công tác phòng, chống tham nhũng phải trong sạch, bản lĩnh, dũng cảm, không ngại va chạm. Điều quan trọng tới đây là phải tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong phòng chống tham nhũng, không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Ông Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh: Nhiệm kỳ khóa XIII tới đây, cần tiếp tục phát huy những kết quả và bài học quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, suy thoái, tiêu cực mà nhiệm kỳ XII đạt được. Cần có những giải pháp để tạo ra những chuyển biến căn bản, hướng đến mục tiêu: “Không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng và không thể tham nhũng”.