Hơn 4 nghìn hộ dân “khát” nước sạch do nước sông chuyển màu

Hơn 4 nghìn hộ dân “khát” nước sạch do nước sông chuyển màu
TPO - Nước sông chuyển màu đỏ sẫm, bốc mùi sau mưa lũ khiến nhà máy nước phải ngừng hoạt động làm hơn 4 nghìn hộ dân của 5 xã “khát” nước sạch trong nhiều ngày qua.

Ngày 14/9, tại thôn Nguyên, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), người dân tập trung từng nhóm từ 3 đến 5 người tại một số gia đình cùng nhau sửa máy, lắp ống dẫn để lấy nước từ giếng làng về sử dụng. Do nguồn nước máy mất từ ba ngày qua khiến cuộc sống người dân ở đây bị đảo lộn.

Hơn 4 nghìn hộ dân “khát” nước sạch do nước sông chuyển màu ảnh 1 Người dân thôn Nguyên, xã Thạch Liên sửa ống và máy bơm để lấy nước từ giếng làng.

“Nước máy mất nhiều ngày nay nên người dân phải làm ống và máy bơm nước từ giếng làng về dùng. Do lâu ngày không sử dụng nước giếng làng nên hệ thống ống, máy bị hư hỏng, nguồn nước bị đục”, anh Nguyễn Viết Bình, thôn Nguyên, xã Thạch Liên cho biết.

Hơn 4 nghìn hộ dân “khát” nước sạch do nước sông chuyển màu ảnh 2 Nước sông Già ô nhiễm, bốc mùi thối nồng nặc.

Tại thôn Nguyên, nhiều gia đình có sẵn giếng khoan để phục vụ cho việc tưới tiêu nay cũng phải sử dụng nguồn nước này để ăn uống và sinh hoạt. “Sử dụng nước giếng khoan ăn uống là việc bất đắc dĩ. Mong nhà máy sớm cấp nước trở lại để người dân yên tâm”, bà Nguyễn Thị Minh, thôn Nguyên nói.

Hơn 4 nghìn hộ dân “khát” nước sạch do nước sông chuyển màu ảnh 3 Nhiều loài cá chết do nguồn nước ô nhiễm.

Anh Từ Bá Danh, thôn Tri Lễ, xã Thạch Kênh cho biết, chưa bao giờ thấy nước sông Già chuyển màu và bốc mùi hôi thối như mấy ngày qua. “Nước ô nhiễm nặng khiến nhiều loài cá chết nổi khắp khu vực sông. Chưa biết đến bao giờ nước sông mới sạch trở lại”, anh Từ Bá Danh nói.

Hơn 4 nghìn hộ dân “khát” nước sạch do nước sông chuyển màu ảnh 4 Anh Từ Bá Danh lo lắng nguồn nước bị ô nhiễm chưa biết bao giờ sạch trở lại.

Phó chủ tịch UBND xã Thạch Kênh, ông Nguyễn Duy Hoàng cho biết, xã có hơn 1.300 hộ dân, trong đó có 1.270 đăng ký sử dụng nước sạch. “Những ngày qua, địa phương phối hợp ngành chức năng huyện Thạch Hà tổ chức đi dọc tuyến sông Già để xử lý bèo tây giúp khơi thông dòng chảy góp phần giảm thiểu ô nhiêm trên sông”, ông Hoàng nói.

Hơn 4 nghìn hộ dân “khát” nước sạch do nước sông chuyển màu ảnh 5 Cả khúc sông nước đỏ ngầu.

Có mặt tại khúc sông Già đoạn qua xã Thạch Liên, đi từ xa mùi thối nồng nặc. Tại các mép sông, nhiều loài cá chết nằm rải rác, nước sông màu đỏ đục. “Mấy ngày trước cá chết nổi khắp khúc sông này. Người dân ở đây hết sức lo lắng khi nhiều ngày qua nước sông vẫn đỏ đục”, bác Nguyễn Huy Sinh, xã Thạch Liên cho biết.

Hơn 4 nghìn hộ dân “khát” nước sạch do nước sông chuyển màu ảnh 6 Bèo Tây, tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước sau mưa lũ.

Về nguyên nhân gây nên nước sông bị ô nhiễm nặng, người dân cho rằng, mưa lũ lâu ngày nên hệ thống thảm thực vật như lúa, bèo… bị ngâm trong nước lâu ngày vẩn đục.

Hơn 4 nghìn hộ dân “khát” nước sạch do nước sông chuyển màu ảnh 7 Nước tại nhiều cảnh đồng trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn đục do rơm rạ bị ngâm nước lâu ngày chảy xuống các dòng sông.

Ông Nguyễn Đình Quân, phụ trách Nhà máy Xử lý nước sạch cụm Bắc Thạch Hà (Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị cấp nước sạch cho 5 xã gồm Thạch Kênh, Việt Xuyên, Phù Việt, Thạch Liên (huyện Thạch Hà) và Quang Lộc (huyện Can Lộc), với hơn 4 nghìn hộ dân. “Hiện nước giữ trữ đã hết trong khi nguồn nước sông bị ô nhiễm nặng nên nhà máy dừng hoạt động”, ông Nguyễn Đình Quân nói.

Theo ông Lê Viết Thân Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMT nông thôn tỉnh Hà Tĩnh, với tình trạng ô nhiễm như hiện nay thì chưa biết bao giờ cấp nước trở lại. “Chúng tôi liên hệ làm việc với một số đơn vị khác có kinh nghiệm trong việc xử lý việc ô nhiễm do thảm thực vật gây ra sau mưa lũ nhưng họ cũng không có cách nào. Hiện đơn vị đang làm việc với Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh để tiến hành thau rửa nguồn nước bị ô nhiễm”, ông Lê Viết Thân cho biết.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết, sau mưa lũ, nước sông một số khu vực bị ô nhiễm nặng nên đơn vị đang tiến hành thau rửa nguồn nước.

MỚI - NÓNG