Trước đó, trong buổi chiều ngày 5/6, ĐB Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) đặt câu hỏi, trong báo cáo gửi QH, Bộ VHTT&DL không thừa nhận khái niệm du lịch tâm linh.
“Vậy Bộ trưởng cho biết quan điểm về thương mại hóa trong việc xây dựng một số công trình tâm linh mà tôi tạm gọi là chùa BOT. Có việc một số quan chức đóng cổ phần vào việc xây dựng chùa để kiếm lời hay không?”, ông Bộ nói.
Ông Bộ cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Công an và Bộ trưởng VHTT&DL về giải pháp xử lý các hoạt động lệch chuẩn, vi phạm pháp luật của một số ít công dân Việt Nam lợi dụng hoạt động tôn giáo, tâm linh để vi phạm pháp luật.
Khi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không có khái niệm chùa BOT, và không nên dùng từ ngữ như vậy liên quan đến tôn giáo, tâm linh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiện nay có 4 loại du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch đô thị. Tuy nhiên, khái niêm này còn tương đối vì còn có du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm, hội nghị...
Ông Thiện cho biết, khái niệm du lịch tâm linh nằm trong du lịch văn hóa đồng thời nêu quan điểm, đối với một số khu du lịch hiện nay bên trong có cơ sở tín ngưỡng tôn giáo cùng với nhiều hạ tầng khác như sân golf, nghỉ dưỡng... thì cũng không được gọi là du lịch tâm linh.
Bộ trưởng Thiện cho biết, việc thương mại hóa các công trình tâm linh, thu lợi bất chính, thực hiện mê tín dị đoan là vi phạm pháp luật, cần phải lên án và xử lý theo quy định.
Ông Thiện cũng cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý văn hóa, ông chưa có thông tin về việc quan chức đóng góp xây dựng chùa. "Nếu ĐBQH có thông tin gì thì cung cấp cho QH để xử lý theo quy định của pháp luật", ông Thiện nói.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời thêm.
Sáng 6/6, trả lời vấn đề này, ông Tân cho biết, chưa phát hiện trường hợp cán bộ, công chức nào đóng góp tiền xây chùa với mục đích thu lợi.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, ĐBQH đoàn Hà Nội, với vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng khẳng định, tất cả chùa đều do Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý. Tiền xây chùa là do Giáo hội và các địa phương, người dân đóng góp.
Ông Nghiêm cũng khẳng định, không có việc chùa BOT như ĐBQH phản ánh. “Không có bất kỳ chùa nào có sự góp vốn đầu tư xây dựng từ những cá nhân, công chức tập thể với mục đích kinh doanh mà đại biểu nêu dưới cụm từ rất mới, rất lạ là BOT”, ông Nghiêm nói.