Hàng nghìn huyện, xã có thể sáp nhập

Bộ Nội vụ cho rằng, việc sắp xếp phải bảo đảm công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri
Bộ Nội vụ cho rằng, việc sắp xếp phải bảo đảm công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri
TPO - Sáng 10/7, Bộ Nội vụ tổ chức hội thảo góp ý kiến xây dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay đến năm 2021.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương Phan Văn Hùng, từ 1986 - 2016, số đơn vị hành chính cấp huyện đã tăng hơn 270, từ 431 lên 713 đơn vị. Cùng với đó, số đơn vị hành chính cấp xã tăng cũng tăng hơn 1.500 đơn vị, từ 9.657 lên 11.162.

Thực tế trên dẫn đến bộ máy các cơ quan nhà nước ngày càng cồng kềnh, tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức. Kéo theo đó, chi ngân sách nhà nước tăng, do tăng biên chế, xây dựng trụ sở, mua sắm mới trang thiết bị làm việc, tăng chi thường xuyên.

Dựa vào tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã theo Nghị quyết 1211/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hiện có 259 huyện, 6.191 xã trong cả nước chưa đạt 50% tiêu chuẩn. Huyện chưa đủ chuẩn 259/713 đơn vị, chiếm 36,33%, trong đó có 199 huyện, 21 quận, 23 TP thuộc tỉnh và 16 thị xã.

Nghị quyết 18 Trung ương 6 yêu cầu, đến năm 2021 sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; từ năm 2022 - 2030, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo tiêu chuẩn quy định. Chính bởi vậy, các đơn vị hành chính cấp huyện, xã chưa đạt tiêu chuẩn sẽ phải sắp xếp lại.

Về nguyên tắc, Bộ Nội vụ cho rằng, việc sắp xếp phải bảo đảm công khai, dân chủ, lấy ý kiến cử tri của địa phương; thực hiện đúng quy trình, thủ tục. Trong đó ưu tiên sáp nhập nguyên trạng một đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn vào một đơn vị hành chính cùng cấp liền kề.

Về lộ trình thực hiện, trong năm nay, các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ xây dựng xong đề án. Năm 2019, bố trí nguồn kinh phí cần thiết cho việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Trong đó có việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư do sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính.

Sang năm 2020, hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích tự nhiên, dân số; sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư.

Cũng theo đánh giá của Bộ Nội vụ, sau gần 3 năm thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp đã dần đi vào ổn định, hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, trong thực tiễn hoạt động của chính quyền địa phương, HĐND và UBND các cấp đã bộc lộ những điểm không phù hợp.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, số lượng phó chủ tịch UBND cấp huyện, xã giảm, đặc biệt ở cấp xã loại 2, 3 chỉ có 1 phó chủ tịch đã ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ ở nhiều địa phương. Quy định thường trực HĐND cấp xã chỉ có 2 người là chủ tịch và 1 phó chủ tịch là chưa hợp lý. Đáng lưu ý, việc quy định 2 phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và phó trưởng ban của HĐND cấp tỉnh, huyện hoạt động chuyên trách dẫn đến tăng biên chế ở các địa phương.

Bộ Nội vụ cho rằng, mục tiêu tới đây cần đẩy mạnh việc sáp nhập, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có quy mô diện tích nhỏ, dân số ít nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính các cấp. Đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, của HĐND và UBND các cấp. Bên cạnh đó, phải quy định rõ hơn về phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

MỚI - NÓNG