Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến rộng rãi sau gần 3 năm triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bộ Nội vụ cho rằng, mục tiêu tới đây cần đẩy mạnh việc sáp nhập, sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có quy mô diện tích nhỏ, dân số ít nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính các cấp. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đưa ra ba chính sách:
Với nhóm chính sách 1 , ngoài giải pháp giữ nguyên như hiện nay, Bộ Nội vụ cũng đề xuất sửa đổi, quy định các hải đảo, như huyện đảo Hoàng Sa sẽ không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức bộ máy gồm chủ tịch, phó chủ tịch và các ủy viên do chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Đồng thời giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, huyện, bổ sung số lượng thường trực HĐND cấp xã…
Việc giảm số lượng đại biểu HĐND, phó chủ tịch HĐND cấp huyện, xã sẽ giảm chi ngân sách nhà nước cho đội ngũ này. Ngược lại, việc tăng cường đại biểu chuyên trách của HĐND và tăng phó chủ tịch UBND cấp xã, thành lập tổ đại biểu HĐND cấp xã lại có thể làm tăng kinh phí từ ngân sách nhà nước chi trả thêm cho đội ngũ này.
Nhóm chính sách thứ hai, được tập trung vào việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của HĐND, UBND ở từng loại đơn vị hành chính.
Theo phương án này, Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi theo hướng, ở đô thị tăng cường quản lý theo ngành, lĩnh vực. Đối với quận, phường chủ yếu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của chính quyền cấp trên. Còn ở nông thôn sẽ tăng cường quản lý theo lãnh thổ.
Bộ Nội vụ cũng đề xuất quy định một số cơ chế đặc thù đối với chính quyền thành phố Hà Nội và TP HCM. Đồng thời nghiên cứu chuyển nhiệm vụ “Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia thôn, tổ dân phố, đặt tên thôn, tổ dân phố” từ HĐND cấp tỉnh cho HĐND cấp huyện.
Bộ Nội vụ cho rằng, việc phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của HĐND, UBND ở từng loại đơn vị hành chính giúp cho bộ máy chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả hơn, loại bỏ được những thủ tục hành chính không cần thiết góp phần làm giảm chi ngân sách.
Việc không chồng chéo chức năng nhiệm vụ của chính quyền địa phương cũng giúp ích cho người dân và doanh nghiệp khi giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền. Các thủ tục hành chính giảm giúp tiết kiệm thời gian và chi phí của người dân và doanh nghiệp.
Nhóm chính sách 3 là sửa đổi, bổ sung một số quy định về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Theo phương án này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ được giao thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn về đơn vị hành chính để thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời bổ sung quy định thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Nội vụ trong việc xây dựng và trình đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới.
Theo Bộ Nội vụ, phương án này sẽ có tác động tích cực về kinh tế với nhà nước. Quy định rõ tiêu chuẩn nhập đơn vị hành chính sẽ làm căn cứ tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính các cấp trong cả nước. Việc sáp nhập đơn vị hành chính sẽ tiết kiệm rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời việc quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính sẽ giúp cho giải quyết dứt điểm những điểm tranh chấp địa giới đơn vị hành chính hiện nay, tiết kiệm ngân sách nhà nước phải thực hiện nhiều năm đối với công việc này.
Theo Bộ Nội vụ, chính sách này sẽ tác động gián tiếp đến người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm ăn sinh sống. Việc quy định chính sách giúp cho việc nhập và giải quyết tranh chấp địa giới đơn vị hành chính được tiến hành thuận lợi, giúp người dân và doanh nghiệp tại địa bàn dang xảy ra tranh chấp có sinh hoạt, kinh doanh ổn định, được quản lý bởi một chính quyền xác định.