Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam về việc có người dương tính với COVID-19. Vào 0h đêm qua, UBND xã Bình Nghĩa (Bình Lục) đã thực hiện việc cách ly thôn, nơi bệnh nhân sinh sống.
Trước đó, khoảng 18h ngày 7/4, Chủ tịch UBND xã Bình Nghĩa Phạm Quang Thắng nhận được thông báo từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam về việc trên địa bàn thôn Ngô Khê 3 có công dân dương tính với COVID-19. Sau khi nhận được thông tin này, chính quyễn xã Bình Nghĩa đã dựng hàng rào cách ly thôn Ngô Khê 3.
Ngoài việc dựng hàng rào, chính quyễn xã Bình Nghĩa đã phát thông tin trên lao phóng thanh đề nghị người dân cẩn trọng với tình hình dịch bệnh nhưng không nên hoang mang lo lắng.
Theo thông tin từ Bộ Y tế: Ca bệnh 251 (BN251): Bệnh nhân nam, quốc tịch Việt Nam, 64 tuổi, trú tại Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam. Từ ngày 20/3 đến nay, bệnh nhân điều trị tại Khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, con trai và con dâu từ Hà Nội về chăm. Ngày 6/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm. Ngày 7/4, xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được điều trị, cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam. Trường hợp này đang được tiếp tục điều tra nguồn lây.
Tại cuộc họp khẩn tối 7/4, PGS-TS Lê Quang Minh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nam cho biết về bệnh nhân 251: Bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu lúc 21h15 phút ngày 20/3/2020 do tiêu chảy nhiều lần. Sau đó được chuyển lên khoa Tiêu hóa điều trị từ 20/3 đến nay.
Vào ngày 5/4, bệnh nhân có biểu hiện sốt. Đến 6/4, bệnh nhân được chụp X.Q phổi, phát hiện phổi mờ không đồng đều thùy phổi bên phải, có tổn thương phổi kẽ nên lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2.
Theo ông Minh, bệnh nhân không có yếu tố dịch tễ nhưng có nhiều bệnh nền phức tạp như gout, xơ gan… Nhưng do nằm viện dài ngày, tiếp xúc với nhiều đối tượng, vì thế nguy cơ lây nhiễm bệnh sang người khác rất lớn. Hiện vẫn chưa xác định được trường hợp F0 trong tình huống này.
Xác định đây là ca bệnh phức tạp, thuộc 25% đối tượng nhiễm COVID-19 nặng nên việc điều trị cho bệnh nhân cần thận trọng.
Như vậy, cho đến nay, Việt Nam đã xuất hiện nhiều bệnh nhân chưa xác định được nguồn lây nhiễm (F0) như bệnh nhân 237, bệnh nhân 251.