Hạ Long tương phản - Kỳ cuối: Đau đáu ước mơ lại về với biển

Hạ Long tương phản - Kỳ cuối: Đau đáu ước mơ lại về với biển
TP - Sau những ngày tháng gian truân, quăng quật với cuộc sống mới trên đất liền. Ngư dân làng chài với đủ công việc từ bốc vác, làm thuê, đến quyết tâm đi học chữ để kiếm việc làm ổn định góp phần nuôi dưỡng ước mơ về một hạnh phúc trên bờ. Nhưng cuối cùng, những ước vọng đều tan vỡ, khát vọng cuối cùng của họ là muốn được quay về với biển khơi.
Hạ Long tương phản - Kỳ cuối: Đau đáu ước mơ lại về với biển ảnh 1

Ngư dân vẫn đau đáu muốn quay về với biển.

“Biển mãi bao dung”

Hình ảnh những cụ già ngồi vời vợi chờ đợi con cháu đi biển hàng tháng trời trong những ngôi nhà cấp 4 ở làng chài tái định cư Hà Phong, TP Hạ Long (Quảng Ninh) không phải là ít. Trong làng toàn trẻ nhỏ và người già, chỉ những hôm rằm hoặc lễ tết trong làng mới nhộn nhịp người vào ra.

Khác hoàn toàn với những làng quê khác, kể từ khi được cấp nhà ở, dân trong làng rất ít người biết nhau, thậm chí hàng xóm với nhau nhưng chưa một lần gặp mặt. Phần vì tất cả họ được di dời từ các làng chài khác nhau trên vịnh lên tái định cư. Phần vì khi nhận nhà, ai cũng phải lo toan cuộc sống, chạy đôn chạy đáo lo từng bữa ăn.

Sau hơn 3 năm lên bờ, những va đập nơi phố thị đã ảnh hưởng không nhỏ đến những ngư dân vốn hiền lành, chân chất. Những hệ lụy từ tình trạng thiếu công ăn việc làm khiến cuộc sống của làng chài bị đảo lộn. Thanh niên rượu chè, cờ bạc, gây gổ đánh nhau và xuất hiện những mâu thuẫn xã hội mà trước đó chưa từng xảy ra.

Nhiều gia đình buôn bán thua lỗ vì chưa có kinh nghiệm dẫn đến nợ nần phải gán cả ngôi nhà. Điển hình như câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Văn Tân và chị Nguyễn Thị Hiền khi quyết định vay tiền để buôn bán nhỏ. Ước mơ con cái được học hành, gia đình hạnh phúc đã tan vỡ khi công việc không suôn sẻ như dự định ban đầu. Số tiền vay tính lẫn lãi đã hơn nửa giá trị căn nhà. Sau hơn một năm sinh sống, không thể mưu sinh trên đất liền anh Tân và chị Hiền cùng con cái dắt díu nhau trở về với biển để quay lại cuộc sống trước đây.

Nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần vì trót vay vốn từ những tay “anh chị” với lãi cắt cổ. Không việc làm, không thu nhập, nhiều ngôi nhà tái định cư rơi vào tay những kẻ “ngồi mát”. Mặc dù UBND TP Hạ Long nghiêm cấm việc mua bán nhà tái định cư, nhưng theo một số người dân cho biết, nhờ “tư vấn” của vài cán bộ địa phương, họ vẫn có thể lách luật để gán nợ trao tay ngôi nhà của mình cho kẻ khác một cách hợp pháp.

“Ngày xưa chỉ biết dong thuyền đi bắt con mực, con cá, ít thì để ăn, nhiều thì mang bán chứ đâu có những chuyện “lắt léo” như bây giờ. Sáng mở mắt ra phải nghĩ đến tiền, không có tiền thì phải vay, vay không trả nổi thì phải bán nhà” - bà Lệ Thị Lưu, cư dân làng chài nói.

Tình trạng ngư dân bỏ nhà, lũ lượt kéo nhau quay về với biển đang diễn ra ngày một nhiều. Tại bến cá cũ Cột 5, phường Hồng Hà là nơi tập trung khá đông ngư dân bỏ nhà ra ở thuyền. Như lời của ông Vũ Văn Hùng, nguyên trưởng khu làng chài Vung Viêng trên vịnh Hạ Long tâm sự: “Cuộc sống của họ đang quay về thời kỳ đồ đá. Chú không tin hôm nào rảnh ra đây anh dẫn đi xem một vòng là biết”.

“Dân làng chài này có nghề nghiệp gì mà làm để trả nợ. Giờ người ta vay tầm 50 triệu. Số vay ấy một lãi hai mươi hoặc một lãi ba mươi. Lãi một tháng không trả được thì ba tháng lãi mẹ đẻ lãi con thì nó thành cục nợ khủng chứ làm sao”-  ông Nguyễn Văn Thành, giải thích vì sao nhiều ngư dân phải bán nhà.

“Sống ở trong làng thì quả thực điều kiện hơn hẳn, ai nhìn vào cũng nghĩ là sướng. Nhưng kỳ thực, chúng tôi vẫn chưa sẵn sàng. Biển cả vẫn là nơi có thể bao dung, che chở những người con làng chài. Biển mãi bao dung, nhân ái với con người chú ạ!” - ông Thành tâm sự.

Hạ Long tương phản - Kỳ cuối: Đau đáu ước mơ lại về với biển ảnh 2 Tình trạng trẻ em không đến lớp vẫn diễn ra hàng ngày.

Không thất nghiệp, không đói nghèo?

Sau những ngày về với bà con dân chài, tìm hiểu những góc khuất đằng sau “ánh hào quang” của những đề án, chính sách dành cho hàng nghìn ngư dân trên vịnh Hạ Long, chúng tôi liền tìm đến các cơ quan chức năng để tìm lời giải đáp. Bất ngờ thay, những câu trả lời “vô tư” về một viễn cảnh tươi đẹp của cuộc sống ngư dân làng chài vẫn được những người có chức năng, thẩm quyền lạc quan như được vẽ trên đề án.

Ngày 11/10, phóng viên Tiền Phong có buổi làm việc với đại diện UBND phường Hà Phong, nơi có gần 2 nghìn ngư dân đang sinh sống tại làng chài tái định cư Hà Phong. Ông Nhâm Sỹ Thuộc, Phó chủ tịch UBND phường, phụ trách về mảng văn hóa – xã hội vẫn tỏ ra rất “tươi sáng” trước cuộc sống của cư dân làng chài.

“Hiện dân số làng chài có 1.726 nhân khẩu, hầu hết trẻ em đều được đi học. Phường cũng vận động nhiều người trong làng chài đến lớp học tập trung để xóa mù chữ. Khi mới lên bờ, tỉnh cũng đã mở Hội chợ việc làm, kêu gọi các doanh nghiệp trong tỉnh để giúp đỡ cho ngư dân. Nghề nghiệp chính của họ vẫn là đi biển và có thu nhập khá cao. Nhìn chung cuộc sống của dân làng chài rất tốt” - ông Thuộc nói.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên, số lượng trẻ em đến lớp ngày càng giảm, tình trạng bỏ học diễn ra thường xuyên. Những lớp học xóa mù chữ đang dần không có học viên. Từ số lượng khoảng 30 học viên ban đầu, nay chỉ còn vài người thậm chí lớp đã bị xóa bỏ. Khi được hỏi về số lượng người mù chữ của làng chài, ông Thuộc cho biết: “Chỉ còn khoảng hơn 300 người mù chữ thôi, vì ngày xưa họ sống ngoài vịnh không được học, giờ lên bờ cũng không chịu đi học”.

Hạ Long tương phản - Kỳ cuối: Đau đáu ước mơ lại về với biển ảnh 3 Đề án phục dựng và phát triển làng chài trên vịnh Hạ Long còn rất dài hơi.

Nhưng điều đặc biệt nhất là ông Thuộc khẳng định không có tình trạng thất nghiệp diễn ra trong làng chài – “Trong làng ai cũng có việc làm, bưng bê cho nhà hàng, buôn bán tại chỗ và gần đây rất đông người tham gia trồng cỏ cho dự án sân Golf FLC Hạ Long. Nói họ thất nghiệp là không đúng vì những ai nằm nhà mới gọi là thất nghiệp”.

Đem câu chuyện của làng chài trao đổi với ông Hoàng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND TP Hạ Long, phóng viên càng ngạc nhiên hơn khi ông Hải liên tục nhấn mạnh - “Cuộc sống bây giờ của làng chài tốt lắm, không có hộ nào nghèo cả. Như các khu phố khác vẫn có hộ nghèo chứ ở đây hộ nào cũng có thu nhập cả. Người dân đều phấn khởi”.

Cũng theo ông Hải, đề án phục dựng làng chài trên vịnh Hạ Long cần phải có thời gian và lộ trình, tất cả đều đã có chủ trương. Hiện nay vẫn nghiêm cấm ngư dân quay lại sinh sống trên các nhà bè. Những ngôi nhà cũ của ngư dân trước đây vẫn đang thuộc quyền quản lý của Ban quản lý vịnh Hạ Long.

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề bảo tồn và phát triển các làng chài trên vịnh Hạ Long, chúng tôi đã tìm cách liên lạc với ông Trịnh Đình Huỳnh, Phó Ban Quản lý di sản vịnh Hạ Long, là người phát ngôn của ban với cơ quan báo chí. Nhưng từ trước đến nay ông Huỳnh luôn lấy lý do bận họp tìm cách tránh trả lời truyền thông.

“Chúng tôi chỉ muốn có một cuộc sống an cư lạc nghiệp, sáng đi biển, chiều về đan tấm lưới, sửa lại chiếc thuyền chứ không nghĩ đến một công việc cao sang trên đất liền. Vì bao đời nay, biển vẫn nuôi sống bao thế hệ người dân làng chài” - ông Nguyễn Văn Trục, một ngư dân tâm sự.

Khi hỏi về các dự án bảo tồn và phát triển các làng chài trên vịnh, nhiều ngư dân vẫn mong muốn được quay lại làng cũ. Như trong đề án, ngư dân sẽ được phép nuôi trồng hải sản trên các lồng bè tại những địa điểm được quy định, tối đến sẽ cho một vài người ở lại để trông giữ bè. Bên cạnh đó, ngư dân sẽ kết hợp làm du lịch như chèo đò cho du khách và bán những sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Trao đổi với ông Trịnh Đăng Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, ông thanh cho biết: “Vì dự án di dời và cả dự án bảo tồn phát triển làng chài trên vịnh Hạ Long đều thuộc quyền quyết định của UBND TP Hạ Long nên rất khó để chúng tôi có thể áp dụng các hình thức dịch vụ du lịch. Vậy nên, chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ cho thành phố và Ban Quản lý vịnh những vấn đề liên quan đến du lịch”. 

Một cuộc “cách mạng” di dời những cư dân đã có hàng nghìn năm gắn bó với di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long lên định cư trên bờ đang có nguy cơ phá sản. Ngư dân đang tìm cách quay lại với biển, nơi họ được sinh ra và biển đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ ngư dân của làng chài. Khát vọng quay về với biển vẫn chưa bao giờ nguôi trong mỗi ngư dân làng chài.

MỚI - NÓNG