Hạ Long tương phản Kỳ 2: Những kình ngư “mắc cạn”

Cả gia đình 5, 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào con thuyền cũ rách nát.
Cả gia đình 5, 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào con thuyền cũ rách nát.
TP - Năm 2014, một đề án mang tính nhân văn được tỉnh Quảng Ninh triển khai với mục tiêu đưa hàng nghìn ngư dân ở các làng chài trong quần thể di sản vịnh Hạ Long lên bờ an cư miễn phí. Đây cũng là niềm mong ước của hàng nghìn cư dân trên vùng vịnh này bao đời nay. Nhưng sau hơn 3 năm triển khai, hiện đề án đang gặp phải nhiều vấn đề nan giải. Những bi kịch, hệ lụy đang dần lộ rõ, những ngư dân quen với biển cả đang mắc cạn trên đất liền.

Hạ Long tương phản Kỳ 2: Những kình ngư “mắc cạn” ảnh 1 Cả gia đình 5, 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào con thuyền cũ rách nát.

An cư để... thất nghiệp

Men theo con đường bê tông cạnh quốc lộ 18, đi chừng 3km vào sâu bên trong thung lũng của những dãy núi đá vịnh Hạ Long, làng chài Hà Phong (thuộc phường Hà Phong, TP Hạ Long, Quảng Ninh) hiện ra trước mắt. Đây là nơi tập trung của gần 400 hộ dân từ các làng chài nổi từng sinh sống trong vùng lõi di sản vịnh Hạ Long được tỉnh Quảng Ninh di dời lên bờ định cư từ năm 2014.

Làng chài Hà Phong thuộc khu 8 phường Hà Phong (TP Hạ Long) với diện tích 8 ha, bao gồm 8 dãy nhà cấp 4, nền xi măng, mái lợp tôn với 364 căn hộ liền kề được hình thành. Trung bình mỗi căn hộ xây dựng gần 80m2 rộng rãi, thoáng mát. Đây là ước mơ bao đời của cư dân các làng chài trên vịnh. Có được một mảnh đất cắm dùi, một mái nhà che nắng, che mưa, mở ra một tương lai xán lạn và một giấc mơ đổi đời.

Với mục tiêu, tôn chỉ của đề án “Di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long”, tất cả cư dân trên vùng vịnh sẽ được cấp nhà ở miễn phí, tạo mọi điều kiện sinh hoạt tốt nhất, được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và đặc biệt là trẻ em sẽ được đến trường. Thế nhưng, chỉ sau 1 năm lên bờ, giấc mơ ấy đã hoàn toàn “vỡ mộng”. Không được về với biển, không có công ăn việc làm và hoàn toàn lạ lẫm với “thế giới trên đất liền”, họ quay quắt, vật lộn trong chính giấc mơ của mình.

Những đôi bàn tay chỉ quen cầm lưới, cầm chài, những đôi chân chỉ quen với sóng nước và những tâm hồn mộc mạc, chân chất đang phải gồng mình đối phó với cuộc sống mới hoàn toàn xa lạ. Người già chỉ biết ngồi nhà trông cháu, người lớn thì lang thang lên phố tìm kiếm việc làm, những đứa trẻ mắt ngấn nước trông chờ mẹ đi lưới, đi chã ven bờ mang con cá con tôm về nấu bữa rau, bữa cháo.

Những va đập nơi phố thị, đang dần bóp nghẹt sức sống của hàng trăm người dân làng chài vốn chất phác và suy nghĩ giản đơn về cuộc sống. Lời hứa của dự án về việc làm trên bờ, rồi những viễn cảnh cuộc sống tươi đẹp khi rời tay chài, tay lưới vẫn nằm y nguyên trên... đề án. Thực tế, cư dân làng chài đều không được học hành nên đa số mù chữ, để kiếm được việc làm trên bờ là bài toán khó có lời giải.

Trước đây, chỉ cần cầm câu ngồi ngay cửa nhà (bè nổi trên vịnh) là có thể kiếm miếng ăn. Nay người dân chỉ có thể mang tiền ra chợ mới có thể lo được một bữa. “Tuy được sống trong những căn nhà kiên cố, không còn phải ngồi run rẩy mỗi khi mùa mưa bão về. Nhưng mối lo lớn nhất bây giờ là những khoản nợ vay để ăn đang ngày lớn dần. Việc làm không có, phải chạy chợ từng bữa vẫn không đủ ăn. Nhìn lũ trẻ nheo nhóc mà lòng đau như cắt vậy” – anh Hoàng Văn Thái, cư dân làng chài tâm sự.

Không có việc làm, gia đình đông con, những hệ lụy bắt đầu phát sinh và tác động mạnh đến đời sống người dân làng chài. Những thanh niên xưa chỉ quen dọc ngang bám biển, lấy trời làm nhà nay lại nhuốm màu xa xỉ, cờ bạc, hút chích, khiến gia đình rơi vào vòng túng thiếu, nợ nần. Phố làng chài không còn bình yên như vốn có. Những va đập nơi phố thị đang “gây bão” cho nhiều gia đình. Những “cơn bão” chưa có hồi kết...

Hạ Long tương phản Kỳ 2: Những kình ngư “mắc cạn” ảnh 2 Cuộc sống túng thiếu, nợ nần, ngư dân phải bán cả thuyền để lấy tiền trang trải.

Có đất nhưng không cắm được dùi

Dạo quanh một vòng, khu làng chài được xây dựng theo hình dạng ô bàn cờ, chia ra từng khu khác nhau. Những con đường rộng thênh thang được đổ bê tông kiên cố. Những cột đèn đường sát bên nhau ngay trước cửa mỗi ngôi nhà. Vào đúng giữa trưa nhưng cả khu làng im ắng không một bóng người. Cửa nhà nào cũng được khóa bên ngoài, hi hữu có một vài ngôi nhà mở cửa, bên trong chỉ có các cụ già ngồi đờ đẫn với ánh mắt nhìn xa xăm.

“Trong làng chỉ có trẻ con và người già thôi, chúng nó lại kéo nhau ra biển cả rồi, nhanh thì 1 tuần có khi vài ba tuần mới quay về. Không ra biển thì ôm nhau chết đói. Giờ nhà cũ trên vịnh cũng không được về, ở trên này thì không biết làm gì phụ giúp chúng nó, thôi thì mấy bà cháu trông nhau bữa rau bữa cháo qua ngày” – cụ bà Đoàn Thị Hồng, 75 tuổi cư dân làng chài buồn rầu nói.

Từ khi được nhận nhà theo đề án, gần 2 nghìn ngư dân được lên bờ và sống quây quần cùng gia đình. Những tưởng giấc mơ về một hạnh phúc không xa đang trong tầm với, nhưng rồi giấc mơ ấy dần tan theo mây khói khi trước mắt là cơm áo, gạo tiền hối thúc. Những đồng tiền tích góp được khi đang còn ở trên vịnh cũng cạn dần, thay vào đó là mối lo cho con trẻ sẽ không còn được đến trường, hiện hữu hơn là mối lo cho từng bữa ăn hàng ngày.

Tuy làng chài tái định cư nằm gần vịnh nhưng tàu thuyền của ngư dân muốn ra vào khu neo đậu phải đi một quãng khá xa. Lời hứa khơi thông luồng lạch khi di dân lên bờ để ngư dân thuận tiện ra vào vịnh trong đề án cũng được ghi rõ. Nhưng sau hơn 2 năm ì ạch thi công, khối lượng công việc mới sơ bộ hoàn thành. Suốt hơn 2 năm, nhiều tàu thuyền của ngư dân bị “nhốt” nên không thể ra khơi đánh bắt. Cuộc sống trên bờ vốn đã khó khăn lại chồng thêm túng bấn.

Khi còn là những ngư dân tự do trên vịnh, không ai nghĩ sẽ có một ngày họ phải rời xa biển cả. Chài lưới là nghề đã ăn sâu trong máu mỗi con dân vùng vịnh từ bao đời. Những chiếc bè được kết thành nhà, những chiếc thuyền làm phương tiện mưu sinh, tuy thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt nhưng chưa bao giờ họ phải đối mặt với những mối lo thường nhật.

“Chúng tôi không còn phải sống trên sông nước quanh năm suốt tháng, đến mùa mưa bão lại canh cánh nỗi lo lật thuyền. Sống trên đất liền còn có điện thắp sáng, con trẻ được đến trường. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm chuyển về sống tại khu tái định cư, cuộc sống của chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn lắm. Các con tôi vẫn phải sống biền biệt trên biển vì mưu sinh, ở nhà chỉ còn 2 thân già và 6 đứa cháu cả nội và ngoại” – ông Nguyễn Đức Thính, 63 tuổi, chia sẻ.

Trong đề án, ngoài diện tích đất ở (nhà cửa và các công trình phụ) người dân không có đất để chuyển đổi nghề nghiệp sang sản xuất nông nghiệp, trồng trọt hay chăn nuôi phục vụ cuộc sống tối thiểu hằng ngày. Khó khăn này khiến phần lớn trong số họ chỉ còn cách quay lại nghề cũ, mưu sinh trên vịnh Hạ Long bằng nghề đánh bắt hải sản, chèo đò chở khách.

Những hộ đánh bắt hải sản do phương tiện nhỏ, chỉ đánh bắt ven bờ, sản lượng thấp nên không hiệu quả cuộc sống khó lại khổ thêm. Những người chèo đò chở khách cho các công ty du lịch, lương bình quân được 3 triệu đồng/tháng, tự lo ăn và được nghỉ 2 ngày/tháng về thăm nhà. Các lồng bè nuôi hải sản bị dỡ bỏ vì không nằm trong quy hoạch, chỉ còn sót lại những ngôi nhà cũ không bóng người nằm trơ trọi trong lòng di sản để làm “sản phẩm” du lịch.

“Khi được phổ biến di dời lên bờ định cư, chúng tôi rất phấn khởi vì được sự quan tâm của chính quyền thành phố. Không ai nghĩ khi lên bờ lại gặp nhiều khó khăn đến vậy. Không có đất canh tác, nghề nghiệp không ổn định, cả gia đình gần chục miệng ăn chỉ trông chờ vào chiếc thuyền cũ nát. Thực sự chúng tôi đang tiến thoái lưỡng nan” - anh Nguyễn Văn Hợi, một cư dân làng chài tâm sự.

Chủ trương xây dựng nhà tái định cư cho dân chài không chỉ là sự nỗ lực, vào cuộc không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh mà còn là niềm khát khao bao đời của người dân đi biển. Vậy mà, chỉ vì sự thiếu trách nhiệm trong đề án về việc làm, thiếu sự kiểm tra nắm bắt tình hình, chủ trương đúng, đầy tính nhân văn này đang có nguy cơ phá sản.

Nhìn những đứa trẻ ngơ ngác đứng cạnh những con thuyền nằm bờ, có lẽ câu hỏi đặt ra cho những người có chức trách trong đề án vẫn chưa thể trả lời ngay trong một sớm một chiều. Bài toán ngỡ là giản đơn, nhưng hiện tại vẫn chưa tìm ra đáp số...

Với mục tiêu, tôn chỉ của đề án “Di dời nhà bè trên vịnh Hạ Long”, tất cả cư dân trên vịnh sẽ được cấp nhà ở miễn phí, tạo mọi điều kiện sinh hoạt tốt nhất, được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và đặc biệt là trẻ em sẽ được đến trường. Thế nhưng, chỉ sau 1 năm lên bờ,  kỳ vọng ấy không thực hiện được. Không được về với biển, không có công ăn việc làm và hoàn toàn lạ lẫm với “thế giới trên cạn”, họ quay quắt, vật lộn trong chính giấc mơ của mình.

MỚI - NÓNG