Gỗ lậu Gia Lai vẫn 'nóng' sau lệnh đóng cửa rừng

Thân gỗ “khủng” nằm ngoài hồ sơ kiểm đếm của ngành chức năng
Thân gỗ “khủng” nằm ngoài hồ sơ kiểm đếm của ngành chức năng
TPO - Lệnh “đóng cửa rừng” đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra ở Hội nghị tìm các giải pháp khôi phục rừng Tây Nguyên tổ chức tại Đắk Lắk vào tháng 6/2016 . Tuy vậy, những ngày đầu năm 2018, lãnh đạo tỉnh Gia Lai vẫn loay hoay tìm giải pháp xử lý triệt để tình trạng phá rừng xảy ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.

Điểm phá rừng gần UBND xã

Trong gần 40 ngày (từ ngày 1/12/2017 đến 7/1/2018), phóng viên các báo đài liên tục phát hiện 3 vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Gia Lai với phương thức, quy mô khác nhau. Điểm chung là tất cả đều chưa được lập biên bản chính thức, cho đến khi báo chí phản ánh, nêu dẫn chứng số lượng cụ thể.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hiện trường rừng bị tàn phá rất quy mô với những cung đường được mở rộng bằng máy xúc, vận chuyển gỗ bằng máy cày, xà lan diễn ra tấp nập trong suốt thời gian dài, mà lực lượng chức năng chẳng hiểu vì sao vẫn không kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Gỗ lậu Gia Lai vẫn 'nóng' sau lệnh đóng cửa rừng ảnh 1
Gỗ lậu Gia Lai vẫn 'nóng' sau lệnh đóng cửa rừng ảnh 2Hàng trăm thân gỗ hơn 2 người ôm bị cắt hạ tại cánh rừng thuộc Ban Quản lý dự án 661

 Điểm phá rừng thứ nhất cách UBND xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai khoảng 2,5km, Tiền Phong đã có nhiều bài viết phản ánh giữa tháng 12/2017. Con đường 7km đi vào “sào huyệt” phá rừng được lâm tặc dùng máy xúc mở rộng khoảng 3m, ăn sâu vào núi hơn 2m để hạn chế độ dốc, thuận tiện cho việc đưa xe máy cày vào kéo gỗ. Dọc theo tuyến đường này có 5 bãi tập kết gỗ, đợi thời điểm thích hợp sẽ vận chuyển ra ngoài tiêu thụ; có hàng chục lóng gỗ với đường kính 2 người ôm, dài khoảng 5m tại một điểm cất giấu.

Tại “sào huyệt” phá rừng, những đường xương cá chằng chịt bị bánh máy cày với đường kính 2m xới tanh bành đan nhau, sâu hun hút. Chỉ sau 2 giờ đồng hồ lần theo các đường xương cá, nhóm phóng viên ghi nhận hàng trăm cây gỗ đường kính hơn 1 người ôm bị cắt hạ. Để kéo gỗ qua những dốc núi sâu hơn 50m hình chữ V, lâm tặc cố định cáp tời vào một gốc gỗ lớn trên đỉnh, sau đó tời dần lên. Máy tời có thể kéo 10 tấn/lần.

Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì việc tổ chức tuần tra, truy quét, xử lý kịp thời việc khai thác rừng trái phép xảy ra trên địa bàn hai huyện Chư Păh giáp ranh huyện Đắk Đoa (Gia Lai). Tuy nhiên, khi ngành chức năng có báo cáo ban đầu vụ phá cánh rừng tại hai huyện Chư Păh và Đắk Đoa với khối lượng trên 25m3, phóng viên Tiền Phong tiếp tục vào hiện trường ghi nhận vẫn còn khoảng 50 thân gỗ đường kính từ 2 đến 4 người ôm có dấu hiệu không được kiểm đếm, nằm ngoài hồ sơ.

Vụ án phá rừng số hai xảy ra trên địa bàn xã Sơ Pa, huyện Kbang, Gia Lai. Theo đó, ngay sau khi báo chí phản ánh vụ việc phá rừng tại xã Sơ Pai, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan, xác định có 2 vị trí rừng bị phá thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai với khối lượng 30m3. Đáng nói là người dân phản ánh, cách vị trí phá rừng khoảng 1,5km có một trạm chốt giữ rừng nhưng rừng vẫn bị phá. Liên quan đến vụ việc này, giám đốc và phó giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai đã bị kỷ luật về mặt Đảng và đề nghị UBND tỉnh không bổ nhiệm lại chức vụ.

Gỗ lậu Gia Lai vẫn 'nóng' sau lệnh đóng cửa rừng ảnh 3

Chốt giữ rừng cách điểm rừng bị tàn phá 1,5km tại xã Sơ Pai

Phóng viên lặn sông tìm gỗ

Ngày 3/1/2018, từ nguồn tin của người dân, phóng viên báo đài đến làng Nú, xã Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai phát hiện bãi tập kết gỗ dưới thượng nguồn lòng hồ Sê San 3A. Tuy nhiên, sau khi trình báo vụ việc, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ia Grai tỏ thái độ khó chịu và cho rằng kiểm lâm không có trách nhiệm phối hợp với báo chí. Giải thích không được, nhóm phóng viên quay xe lên đường, ông Phó hạt trên cũng đi theo. Điều tương tự cũng xảy ra khi vị chủ tịch UBND xã Ia Kha cử công an viên phối hợp; khi đến con đường lâm tặc mở xuống hồ để vận chuyển gỗ thì người công an viên nói đường này cụt, không thể đi được.

Gỗ lậu Gia Lai vẫn 'nóng' sau lệnh đóng cửa rừng ảnh 4

Lực lượng phóng viên lặn tìm gỗ dưới lòng sông Sê San 3A

Nhóm phóng viên tiếp tục đi hết con đường thì đến hồ thủy điện Sê San 3A, một bãi tập kết gỗ hiện ra. Quan sát dưới sông vẫn còn nhiều lóng gỗ chìm nổi, nhóm phóng viên đề nghị mở rộng phạm vi tìm kiếm thì lực lượng kiểm lâm tỏ ra thờ ở, nói phải chờ xả đập hoặc thuê thợ lặn mới biết gỗ còn hay không. Nhóm phóng viên phải làm một việc bất đắc dĩ là lặn xuống hồ tìm gỗ. Theo đó, chỉ cần tiến ra độ sâu 1m là có thể đụng gỗ. Kiểm đếm có hàng chục lóng gỗ lâm tặc giấu dưới sông, đường kính từ 40-80, dài 4-5m.

Ngày 4/1/2018 nhóm phóng viên tiếp tục đi cano ngược dòng Sê San 3A. Sau 30 phút, cano rẽ vào nơi giáp ranh giữa huyện Ia Grai và Chư Păh. Tiến vào địa điểm suối Ly khoảng 2km thì phát hiện bãi tập kết, hàng chục lóng gỗ nhô đầu lên mặt nước. Theo kiểm đếm có 16 lóng gỗ, đường kính từ 40-60cm, dài từ 2 đến 6m. Được biết, đây là tiểu khu 227 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (xã Ia Kreng, huyện Chư Păh). Cách bãi tập kết gỗ khoảng 100m có một lán trại với 4 chiếc võng, ấm nước vẫn đang được đun sôi nhưng không có người.

Khi đi lên rừng nhóm phóng viên gặp các cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly. Hỏi số gỗ phát hiện trên rừng có số lượng bao nhiều, một người nói tổng cộng 10 lóng. Tuy nhiên, khi yêu cầu đưa số liệu thống kê ghi chép thì thấy số đã đo đếm đến 40 lóng, đường kính 25-60, dài 2 đến 8m.

Kiểm lâm nắm thông tin…không tốt

Liên quan đến các vụ phá rừng trên, ngày 22/1, PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Dương Hoàng Nguyện- Phó trưởng phòng Thanh tra pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai.

Theo ông Nguyện, tại khu vực tập kết dưới sông Sê San 3A (làng Nú, xã Ia Kha) có hơn 10m3. Còn ở suối Ly, qua kiểm tra phát hiện tại tiểu khu 221, 223, 226, 227 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (xã Ia Kreng) có 23m3 gỗ. Số gỗ này được đưa về từ tỉnh Kon Tum.

Đề cập đến vụ phá rừng tại Chư Đăng Ya, sau khi Tiền Phong phản ánh việc nhiều lóng có dấu hiệu nằm ngoài hồ sơ (số liệu báo cáo ban đầu gửi UBND tỉnh là 25m3), không được kiểm đếm, ông Nguyện cho biết ngành chức năng đã đi kiểm tra phát hiện thêm 6m3 gỗ. Nâng tổng số lượng lên 31m3, tất cả đều thuộc Ban Quản lý dự án 661. Báo chí phản ánh hoàn toàn xác thực. Cũng theo ông Nguyện, Chi cục sẽ tổ chức công tác kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân Hạt kiểm lâm Ia Grai và Hạt kiểm lâm Chư Păh. Trước mắt lực lượng công an sẽ khởi tố vụ án, sau là điều tra bị can liên quan.

Ông Nguyện cho rằng việc những con đường được mở vào rừng quy mô, lâm tặc dùng máy cày, máy kéo hoạt động trong thời gian dài mà kiểm lâm địa bàn “không biết” là do kiểm lâm đó "nắm thông tin không tốt”.

“Theo phương án 22, quy định phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn, cán bộ xã, nhân viên bảo vệ rừng năm nay chúng tôi sẽ tập hợp số liệu nhằm đánh giá lại những gì đạt và chưa đạt để rút kinh nghiệm, hoặc có phương án khác nhằm bảo vệ rừng tốt hơn. Năm 2018 này, Chi cục sẽ làm quyết liệt”- Ông Nguyện nói.

MỚI - NÓNG
Nhận định Singapore vs Thái Lan, 19h30 ngày 17/12: Vé sớm cho Bầy voi chiến
Nhận định Singapore vs Thái Lan, 19h30 ngày 17/12: Vé sớm cho Bầy voi chiến
TPO - Nhận định bóng đá Singapore vs Thái Lan, bảng A ASEAN Cup 2024 lúc 19h30 ngày 17/12 - thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, phong độ, lịch sử đối đầu. Tuy không phải phiên bản mạnh nhất nhưng Thái Lan vẫn đang đi đúng hướng tại ASEAN Cup 2024. Thêm một chiến thắng nữa trước Singapore, họ sẽ ghi tên ở bán kết và theo đuổi chức vô địch thứ 3 liên tiếp, cũng là lần thứ 8 trong lịch sử.