Cuộc chiến đất và rừng Tây Nguyên: Rừng bỏ hoang, dân thiếu đất

Các nạn nhân vụ hỗn chiến giành đất ở Ea Súp đang được cấp cứu.
Các nạn nhân vụ hỗn chiến giành đất ở Ea Súp đang được cấp cứu.
TP - Thực trạng quản lý rừng và đất rừng lỏng lẻo, nhiều gia đình cán bộ cố ý làm trái, ngang nhiên lấn chiếm đất lâm nghiệp để sử dụng và mua bán trục lợi công sản suốt thời gian dài mà không bị trừng phạt, trong khi đông đảo dân nghèo thiếu đất sản xuất đã khiến việc tranh chấp đất lan rộng và trở nên cực kỳ phức tạp. Điển hình tại Đắk Nông, Đắk Lắk với hàng loạt vụ xung đột dẫn đến án mạng, chết người.

Đất rừng, mạnh ai nấy bán

Thực trạng phá rừng, mua bán đất rừng trái phép diễn ra rất phổ biến ở các tỉnh ở Tây Nguyên. Tại huyện Ea Súp, hàng nghìn hộ dân từ các địa phương khác tràn vào lấn chiếm đất lâm nghiệp, sau đó sang nhượng qua lại bằng những mảnh giấy viết tay.

Tình trạng này dẫn tới vụ án mạng kinh hoàng ngày 16/12 vừa qua tại tiểu khu 263, xã Ea Bung, khiến 8 người thương vong. Theo đó, bà Phạm Thị Phượng (SN 1973-trú tại xã Ea Bung) có mua lô đất tại tiểu khu 263 từ một người ở tỉnh Bình Phước tự phá rừng lấy đất canh tác hàng chục năm nay. Nhóm “đàn anh, đàn chị” chuyên đem máy cày đi cướp đất ở thị trấn Ea Súp biết rõ vùng đất bà Phượng đang canh tác là đất lâm nghiệp, chưa được chuyển đổi nên thường xuyên vào quấy phá, dọa nạt để giành đất, như từng ức hiếp nhiều hộ dân yếu thế hơn. Bà Phượng từng trình báo, nhưng UBND xã Ea Bung không có phương án xử lý kịp thời.

Thực tế cho thấy, các Cty lâm nghiệp được tỉnh giao nhiệm vụ “trông coi rừng”, hầu hết đều để rừng bị phá tràn lan, đất rừng bị xâm chiếm vô tội vạ. Còn dân nghèo phiêu dạt vào đây sinh sống, cứ thấy mảnh đất nào còn trống là phát dọn để gieo trồng, yên ổn vài vụ liền tự xưng đất này do khai hoang mà có. Nhiều trường hợp “khai hoang” rồi bán lại cho người khác bằng giấy trao tay, và đinh ninh hễ đất khai hoang là của họ.

Có trường hợp mua bán đất lâm nghiệp bằng giấy trao tay rồi vướng vòng lao lý. Vợ chồng Lê Trường- Tôn Nữ Kim Loan ở xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông sau khi bán đất rừng cho hai hộ dân thì bị công an bắt tạm giam 4 tháng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án bị phê phán là hình sự hóa vụ việc dân sự, nên sau 4 tháng bị tạm giam, ông Trường, bà Loan được ra tù. Đến nay, đã hơn 1 năm 7 tháng, Công an huyện Đắk G’long, Công an tỉnh Đắk Nông vẫn không chứng minh được hành vi phạm pháp của đôi vợ chồng này. Tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 12/2017, lãnh đạo Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ và Sở TT&TT Đắk Nông đề nghị Công an tỉnh Đắk Nông công bố kết quả điều tra vụ án. Nhưng đến nay, các báo đã đăng bài vẫn chưa nhận được thông tin.

Tấc đất, mạng người

Ngay trong tuần đầu năm mới 2018, TAND tỉnh Đắk Nông đưa ra xét xử vụ xả súng liên quan đến tranh chấp đất rừng xảy ra tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức), khiến 16 người thương vong từ tháng 10/2016.

Viện KSND Tối cao đã truy tố ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu (Phó giám đốc Cty Long Sơn) về tội hủy hoại tài sản cùng một nhân viên Cty này và 4 người dân khác liên quan. Nguyên cớ bắt đầu từ năm 2008, khi UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty TNHH Thương mại - Đầu tư Long Sơn (gọi tắt là Cty Long Sơn) thuê hơn 1.000 ha đất rừng tại tiểu khu 1535 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Dự án còn đang dở dang thì đã bị một số hộ dân lấn chiếm đất để trồng điều, cà phê, cao su, sau đó chuyển nhượng cho người khác.

Tháng 10/2016, ông Sửu hai lần tổ chức lực lượng đưa xe máy cày, xe ủi, công nhân mặc áo giáp, cần khiên chắn, gậy gộc xông vào san ủi vườn cây để giành lại phần đất đã bị dân lấn chiếm. Đến lần thứ hai, lực lượng giành đất của Cty đã bị hàng chục người dân phản kháng quyết liệt, trong số đó có những người chĩa súng tự chế bắn thẳng vào đám đông cán bộ, nhân viên Cty, khiến 3 thanh niên là dân nghèo đi làm thuê trúng đạn tử vong, 13 người khác bị thương phải đưa đi cấp cứu.

Sự việc gây chấn động dư luận cả nước, khiến Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phải dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ vào tận nơi, chỉ đạo chính quyền địa phương phải kỷ luật các cán bộ liên quan, giải quyết cho dứt điểm tình trạng mâu thuẫn âm ỉ như than hồng kéo dài từ năm này qua năm khác, trong việc tranh chấp đất rừng giữa nông dân với doanh nghiệp.

Mới đây, Công an huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) lại ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam bị can Triệu Tòn Nần (28 tuổi, ở xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long) để điều tra làm rõ về “hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”. Nguyên nhân cũng từ mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai với HTX Hợp Tiến, Nần nảy sinh ý định đốt chốt quản lý bảo vệ rừng số 4 của HTX Hợp Tiến ở thôn Quảng Tiến, xã Quảng Sơn, khiến một người bị bỏng.

Trước đó, vào tháng 3/2016, tại xã Quảng Sơn cũng diễn ra xung đột giữa người của Cty CP Thiên Sơn với người dân đang canh tác trên lâm phần do đơn vị này quản lý. Hậu quả, một người bị đánh gãy chân, nhiều người bị thương, một chốt bảo vệ rừng bị đốt…

Tại nhiều dự án khác tại hai huyện Đắk G’long và Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông), tình trạng xung đột - theo lời kể của dân địa phương - là chuyện xảy ra thường xuyên như cơm bữa. Còn ở Đắk Lắk, mới đây có người còn ngang nhiên vào khuôn viên Trạm bảo vệ rừng Cư M’lanh số 3, nay thuộc đất dự án của Cty TNHH Chế biến thực phẩm và Lâm nghiệp Đắk Lắk, để dựng nhà trái phép.

Theo tường trình của cán bộ trạm, chủ ngôi nhà này là ông Nguyễn Công Dân, nguyên cán bộ của Cty Lâm nghiệp Cư M’lan (cũ). Ông Dân bảo trước kia đất này là của ông cho trạm mượn. Quanh đó, dân đã biến những mảng rừng xanh thành nương rẫy, dựng nhà kiên cố cả trên đất lâm nghiệp lẫn trong khuôn viên mà trạm đứng chân.

(Còn nữa)

Qua kiểm tra 40 dự án, Sở NN&PTNT Đắk Nông phát hiện nhiều dự án thực hiện không hiệu quả, không đúng quy hoạch. Đặc biệt, công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng xâm lấn đất đai trong vùng dự án của các chủ đầu tư rất kém, dẫn đến diện tích rừng bị phá tới hơn 4.700 ha. Tổng diện tích đất bị lấn chiếm trái phép tại các dự án này cũng lên tới 6.707 ha, chiếm 20% diện tích đất lâm nghiệp đã giao. 

MỚI - NÓNG