Nhận rừng xanh, trả đất trống
Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Đắk Nông đã giao 42 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn cho các doanh nghiệp (DN) với tổng diện tích rừng hơn 31.600 ha, trong đó hơn 14.300 ha rừng tự nhiên phải quản lý, bảo vệ.
Chỉ sau vài năm được bàn giao, đã có gần 4.800ha rừng tự nhiên bị tàn phá, gần 8.300ha rừng và đất rừng bị lấn chiếm, xâm canh. Tuy Đức là huyện được tỉnh giao nhiều dự án nhất (18 dự án), với diện tích rộng nhất (hơn 9.100ha) và diện tích rừng tự nhiên phải quản lý bảo vệ nhiều nhất (hơn 5.500ha). Nhưng đây cũng là địa phương để mất rừng nhiều nhất (hơn 2.200ha) và diện tích bị xâm canh lớn nhất (gần 3.000ha).
Trong số này, có 3 DN để mất gần như toàn bộ rừng tự nhiên được giao là Công ty CP Kiến Trúc Mới (643,1/924,7ha), Công ty TNHH Long Sơn (501,7/507,7ha) và DNTN Phạm Quốc (233,6/234,3ha). Mới đây, tỉnh Đắk Nông phải ra quyết định buộc 5 DN để mất 255ha rừng phải đền bù thiệt hại cho nhà nước hơn 13 tỷ đồng gồm: Công ty Công Long, Công ty GreenFarm Đắk Nông, DNTN Phạm Quốc, Công ty CP Nông lâm nghiệp Khải Vy và Công ty Hoàng Ba.
Tại tỉnh Gia Lai, có 9 dự án thuê đất để trồng rừng, kết hợp chăn nuôi phần lớn cũng không hiệu quả, đất dự án bị dân bao chiếm. Vào năm 2006, Công ty CP xuất nhập khẩu Lê Khanh được giao hơn 2.093ha đất rừng để triển khai dự án tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Nhưng từ năm 2006-2010, công ty đã nhiều lần bị thu hồi tổng cộng hơn 1.680ha. Phần còn lại công ty trồng được một ít keo lai. Đến vùng đất làm dự án của công ty này ở thôn 6, xã Ia Le, chúng tôi chứng kiến nhiều vạt keo lai trồng manh mún bị chết khô, cỏ mọc um tùm. Nhiều chỗ cây ngã đổ nằm phơi mình giữa đất. Đi sâu vào trong đất dự án, không thấy keo đâu mà chỉ thấy sắn, bắp, chuối do dân tự trồng.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, 5 dự án cho thuê đất trồng rừng khác của Công ty TNHH Nam Cường, Công ty CP đầu tư và xây dựng Trường Thịnh, Công ty TNHH TM Đệ nhất Việt Hà, Công ty TNHH Thịnh Hưng Nguyên và Công ty TNHH lâm nghiệp Tân Tiến cũng không có hiệu quả. Đối với 5 dự án này, nhiều diện tích rừng trồng bị chết, cháy. Đất dự án nhưng bị xâm chiếm để sản xuất nông nghiệp. Điển hình như dự án trồng rừng kết hợp với chăn nuôi của Công ty CP đầu tư và xây dựng Trường Thịnh được giao 697ha, trong đó có 449 ha trồng keo lai và bạch đàn thì đã hết 422 ha rừng trồng bị cháy và chết, còn lại phần lớn đất bị dân lấn chiếm.
“Lâm tặc có giấy phép”
Hiện tỉnh Lâm Đồng đã cấp phép cho 329 DN thuê đất, thuê rừng với tổng diện tích là 57.151ha. Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng, nhìn chung các dự án thuê đất, thuê rừng đang triển khai thực hiện tại Lâm Đồng thời gian qua đã góp phần tăng cường hiệu quả sử dụng rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án triển khai chậm tiến độ, không tổ chức hoặc bố trí lực lượng không đủ mạnh để quản lý bảo vệ rừng. Vì thế, tỉnh buộc phải thu hồi 180 dự án với tổng diện tích 26.210ha.
Sở KH&ĐT Lâm Đồng cũng vừa ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty CP Nam Nam, Công ty TNHH kỹ thuật nhựa Khang Thịnh và Công ty TNHH An Nguyễn (đều thuộc huyện Bảo Lâm) vì không thực hiện dự án và để mất rừng với số lượng lớn. Từ khi thuê đất rừng đến nay, Công ty An Nguyễn gần như không triển khai dự án, mà chỉ thực hiện khai thác tận dụng lâm sản trên diện tích được cải tạo trồng rừng.
Tại khu vực đất rừng thuộc dự án của công ty này, Tiền Phong chứng kiến những cánh rừng từng xanh tươi đã bị đốn hạ, phá trắng để trồng cà phê, trồng chè. Có những quả đồi bị cạo trọc, chờ trồng các loại cây. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, riêng số rừng bị lấn chiếm trái phép đã có 94,7ha trồng cà phê. Thậm chí, bảo vệ công ty này là ông Vũ Văn Thanh đã trực tiếp và tiếp tay cho lâm tặc phá rừng bằng hình thức bỏ hóa chất, đào hố trồng cà phê với diện tích 2,61 ha, trữ lượng lâm sản thiệt hại hơn 118m3.
Tại dự án của Công ty TNHH Nam Nam (tổng diện tích 120,3ha, nằm tại tiểu khu 442, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm), những cánh rừng hàng chục năm tuổi bị mất 18,8ha với trữ lượng gỗ thiệt hại 1.372 m3. Phần diện tích bị lấn chiếm đã phủ xanh bằng các loại cây công nghiệp dài ngày rất khó bồi hoàn giải tỏa. Công ty còn ngang nhiên dùng máy múc đào hố và trồng cây trái phép hơn 4 ha trong diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ. Tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu phải bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị thiệt hại hơn 1,3 tỷ đồng nhưng công ty không chấp hành.
Theo ông Nguyễn Tài Tú, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bảo Lâm, trên địa bàn huyện hiện có 54 tổ chức, DN được giao và thuê đất rừng với tổng số 15.988ha. Thời gian qua trên địa bàn xảy ra các vụ lấn chiếm gây thất thoát rừng ở các dự án do DN quản lý. Hiện vẫn chưa có chế tài xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, người đứng đầu DN để mất rừng. Khi xảy ra tình trạng mất rừng, tỉnh chỉ yêu cầu bồi hoàn lại số lượng rừng bị mất, phần lớn các DN chây ì không thực hiện.
Biến đất rừng thành… đất nhà!
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã để lấn chiếm, mất quyền sử dụng hơn 2.400 ha đất lâm nghiệp và thiệt hại 278 ha rừng trồng. Nhiều cán bộ của Ban này lấn chiếm, sử dụng hàng chục hécta đất rừng để làm trang trại, xây nhà kiên cố. Riêng trưởng ban Nguyễn Đức đã lấn chiếm 22 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 16,7ha đã được cấp sổ đỏ, trồng tiêu và xây tường rào kín mít.
Ông Tưởng Tín - nguyên trưởng Ban này, lấn chiếm hơn 10ha đất rừng. Còn bà Mai Thị Ngọc Thỏa - nguyên viên chức Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ thì chiếm hơn 30ha. Sau khi có sổ đỏ, bà Thỏa chuyển nhượng số đất trên cho ông Đặng Xuân (phó Ban), ông Đặng Văn Cườm (kế toán Ban) và một số người khác. Tất cả số đất bị chiếm dụng đều nằm trên tiểu khu 389, thuộc xã Diên Phú, TP Pleiku.